oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Music Artist Wiki] The Carpenters (Cần BBcode) - thiếu

Go down

[Music Artist Wiki] The Carpenters (Cần BBcode) - thiếu Empty [Music Artist Wiki] The Carpenters (Cần BBcode) - thiếu

Post by Scheherazade Sun Nov 16, 2014 8:08 pm

The Carpenters



Bảng



[Music Artist Wiki] The Carpenters (Cần BBcode) - thiếu 457pxcarpentersnixonoff



Karen Carpenter và Richard Carpenter tại Nhà Trắng, ngày 1 tháng 8 năm 1972



Thông tin chung

Nguyên quán: Los Angeles, California, Hoa Kì

Thể loại nhạc : Pop, soft rock, adult contemporary (Dòng nhạc phổ thông đương đại dành cho người trưởng thành)

Thời gian hoạt động : 1969 - 1983

Hãng thu âm : A&M

Hoạt động hợp tác : The Richard Carpenter Trio

Trang chủ : http://www.richardandkarencarpenter.com/

Các thành viên

Karen Carpenter

Richard Carpenter



The Carpenters là cặp song ca người Mĩ (cả hát và đệm nhạc) gồm hai anh em Richard và Karen Carpenter. Mặc dù công chúng thường nhắc đến họ dưới cái tên “The Carpenters”, nghệ danh chính thức của cặp song ca được in trên các nhạc phẩm và bài viết của báo giới chỉ đơn giản là “Carpenters”. Trong những năm 70 khi dòng nhạc rock mạnh (dữ dội và hoang dại hơn) đang thịnh hành, Richard và Karen đã sáng tác và biểu diễn với một phong cách âm nhạc êm dịu rất khác biệt, và chính điều này giúp họ vinh dự được đề tên trong danh sách những nghệ sĩ có doanh thu cao nhất mọi thời đại.



Carpenters đã có được một loạt những ca khúc pop trữ tình rất thành công, phá vỡ nhiều kỉ lục trước đó trên Bảng xếp hạng của dòng nhạc Adult Contemporary và American Top 40, đồng thời ban nhạc cũng trở thành nhóm nghệ sĩ có số lượng nhạc phẩm bán chạy nhất của thể loại soft rock, easy listening (còn gọi là pop không lời) và adult contemporary. Carpenters sở hữu 3 đĩa đơn quán quân và 5 đĩa đơn á quân trên Billboard Hot 100 cùng với 15 ca khúc xuất sắc đứng đầu bảng xếp hạng của dòng Adult Contemporary (xem Danh sách các nhạc phẩm đã phát hành của The Carpenters ). Thêm vào đó, ban nhạc cũng có 12 đĩa đơn nằm trong top 10 (kể cả các đĩa đơn giành quán quân). Theo ước tính, tổng số lượng đĩa đơn và album bán ra của Carpenters đã vượt ngưỡng 100 triệu bản.



Trong 14 năm sự nghiệp, Carpenters đã thu âm 11 album, 31 đĩa đơn, thu hình 5 chương trình đặc biệt và một series truyền hình ngắn. Họ đã lưu diễn khắp Hoa Kì, vương quốc Anh, Nhật Bản, Australia, Hà Lan và Bỉ. Ban nhạc ngừng hoạt động sau cái chết của Karen năm 1983 do tim ngưng đập dẫn đến đột tử (hậu quả từ chứng biếng ăn tâm thần, anorexia nervosa). Giới truyền thông đã đưa khá nhiều tin và bài viết về nguyên nhân cái chết của Karen, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của các hội chứng rối loạn ăn uống.



Mục lục



1. Phong cách nhạc và lời ca khúc

2. Trước “Carpenters”

2.1 Thời thơ ấu

2.2 The Richard Carpenter Trio và Spectrum (1965–1968)

3. Carpenters

3.1 Offering (Ticket to Ride) (1969)

3.2 Close to You (1970)

3.3 CarpentersA Song for You (1971–1972)

3.4 Now & Then (1973)

3.5 The Singles: 1969–1973 (1974)

3.6 Horizon (1975)

3.7 A Kind of HushPassage (1976–1977)

3.8 The Singles: 1974–1978 (1978)

3.9 Tạm nghỉ trong thời gian ngắn, Made in America và những ngày cuối đời của Karen (1979–1982)

3.9.1 Cái chết đột ngột của Karen

4. Sau “Carpenters” (1983 – nay)

5. Biểu tượng đại diện của The Carpenters

6. Quảng bá và lưu diễn

7. Hình ảnh đại chúng

8. Di sản

9. Danh sách các nhạc phẩm đã phát hành

10. Các đề cử và Giải thưởng Grammy

11. Nguồn tham khảo



Phong cách nhạc và lời ca khúc



Một trong những điều làm nên dấu ấn âm nhạc đặc trưng của Carpenters là khả năng hát giọng trầm của Karen. Ở thời kì đó, các giọng ca cao biểu diễn nhạc jazz và nhạc đồng quê là không hiếm, nhưng với nhạc pop thì ngược lại. Tuy nhiên, Karen lại có giới hạn thanh nhạc khá rộng, trải dài khoảng ba quãng tám. Do vậy, ban nhạc tập trung chủ yếu vào phần giọng thấp hơn của cô, “giọng ngực” (hay “nền ngầm” của cô, như Karen tự gọi) thay vì giọng cao (“giọng đầu”). Richard trả lời trong phần “Người hâm mộ thắc mắc” trên trang chủ chính thức của Carpenters: “Cả tôi và Karen đều cảm nhận được sự kì diệu trong “giọng ngực” (“nền ngầm”) của con bé. Không có sự so sánh nào về độ phong phú của âm thanh, và tôi cũng không có ý định nhấn mạnh vào giọng hát cao.”



Chính bởi sự tuyệt vời của Karen xuất phát từ “nền ngầm” nên Richard luôn điều chỉnh các bản cover và các bài hát tự sáng tác sao cho phù hợp với giọng của cô. Nhiều ca khúc của Carpenters được viết ở giọng Rê ("You", "There's a Kind of Hush"), giọng Mi giáng ("Only Yesterday"), giọng Mi ("Hurting Each Other", "Yesterday Once More"), giọng Pha ("I'll Never Fall in Love Again"), và giọng Son ("And When He Smiles", "Reason to Believe", "For All We Know", "You'll Love Me").



Mặc dù Richard chơi được nhiều loại nhạc cụ bộ gõ như dương cầm, đàn clavico (giống nhưng nhỏ hơn piano, có hai dãy phím đàn), đàn oóc-gan điện tử (Hammond organ) và cả synthesizer (nhạc cụ điện tử tổng hợp), anh vẫn nổi tiếng nhất với cây đàn piano điện tử (của hãng Wurlitzer – anh đồng thời là nghệ sĩ đại diện cho loại nhạc cụ này) bởi, theo như chính Richard nhận xét, âm thanh của nó “ấm áp” và “tuyệt vời”. Thông thường Richard đệm thêm một lớp đàn Wurlitzer nữa cho phần nhạc nền khi thu âm để âm thanh dày hơn. Từ giữa những năm 70 anh cũng sử dụng piano của Fender Rhodes, đa phần là dương cầm, nhưng khi biểu diễn trên sân khấu anh chơi cả piano điện tử của Wurlitzer và Rhodes cho các ca khúc khác nhau.



Không chỉ là một ca sĩ, Karen còn là một tay trống tài ba. Cô thường chơi trống cho các ca khúc trước năm 1974 của ban nhạc. Theo Richard, cô coi mình là một “tay trống biết hát”. Trong các buổi trình diễn trước công chúng Karen thường bị che lấp sau dãy trống. Dù không tình nguyện, cô và Richard vẫn phải đi đến thỏa hiệp : khi biểu diễn các bản ballad cô phải đứng hát, còn với các bài hát ít được biết đến hơn cô có thể ngồi biểu diễn. Càng về sau, Karen càng cần phải hát nhiều hơn và dần dần không còn nhiều thời gian chơi trống. Đến album A Kind of Hush (1976), Karen hoàn toàn không chơi trống nữa.



Phần đông sáng tác của Carpenters (được viết bởi Richard, chỉ có một số ít ngoại lệ) mang phong cách cổ điển với rất nhiều giai điệu từ nhạc cụ bộ dây, đôi khi có cả các loại kèn và sáo ("Calling Occupants of Interplanetary Craft" cần đến hơn 160 nhạc sĩ và ca sĩ). Nhà phê bình nghệ thuật Daniel Levitin ca ngợi Richard là “một trong những sáng tác gia tài năng nhất từng xuất hiện trong nền nhạc pop”.



Trước “Carpenters”



Thời thơ ấu (1946 –1964)



Hai anh em Carpenter chào đời tại Bệnh viện Grace-New Haven (nay là Bệnh viện Yale-New Haven) ở New Haven, Connecticut, với cha là Harold và mẹ là Agnes. Richard Lynn sinh ngày 15 tháng 10 năm 1946, sau đó là Karen Anne sinh ngày 2 tháng 3 năm 1950. Richard là một đứa trẻ trầm lặng, cậu dành đa số thời gian ở nhà để nghe các ca khúc thu âm và chơi đàn piano. Karen thì trái ngược với anh trai mình: cô thân thiện, hướng ngoại và thích chơi thể thao, thường cùng với các bạn hàng xóm chơi banh mềm, nhưng cô cũng rất hay nghe nhạc.



Tháng 6 năm 1963, gia đình Carpenter chuyển đến Downey, thuộc vùng ngoại ô Los Angeles, California. Mùa thu năm 1964, Richard đăng kí vào học tại Đại học California (đại học công)ở Long Beach (nay mang tên chính thức là Đại học California, Long Beach, song vẫn thường được biết đến dưới tên Long Beach State), nơi anh gặp John Bettis - cộng sự sáng tác nhạc trong tương lai, Wesley Jacobs – thành viên chơi bass và kèn tuba cho Tam ca Richard Carpenter sau này, và Frank Pooler – người sẽ cùng hợp tác với anh viết nên ca khúc Giáng sinh bất hủ “Merry Christmas Darling” – vào năm 1966.



Cùng mùa thu năm ấy, Karen nhập học trường Trung học Downey. Trong những năm tháng học ở trường cô nhận ra mình có năng khiếu chơi trống.



Người bạn và cũng là thành viên trong ban nhạc Frankie Chavez đã khiến Karen đam mê chơi trống. Cô thường mượn trống của Chavez khi anh dạy cô : “Con bé và Frankie… hẳn đã phải học những điều căn bản, cách lên xuống tông và rung trống trong nhiều giờ liền”, Richard nhớ lại. Cuối năm 1964 Karen được cha mẹ tặng một bộ trống Ludwig, lúc này cô đã có thể chơi rất thành thạo và chuyên nghiệp – theo như Richard miêu tả trong bộ phim tài liệu về họ, Close to You: Remembering the Carpenters, là “những dấu ấn của một giai đoạn thần kì”.



The Richard Carpenter Trio và Spectrum (1965–1968)



Đến 1965, Karen đã chơi trống được gần một năm và Richard vẫn không ngừng luyện tập nâng cao các kĩ thuật chơi piano cùng với Pooler và giáo viên âm nhạc của mình. Hai anh em cùng với người bạn tên Wes Jacobs – phụ trách chơi bass và tuba – thành lập một nhóm nhạc jazz 3 người.



Tam ca Richard Carpenter (The Richard Carpenter Trio) đăng kí tham gia Cuộc thi tài giữa các ban nhạc (thường niên) ở Hollywood Bowl (Hollywood Bowl Battle of the Bands) vào giữa năm 1966; họ trình diễn phần nhạc (không hát lời) của ca khúc "The Girl from Ipanema" và “Iced Tea” – một ca khúc chính họ sáng tác. Tam ca chiến thắng cuộc thi năm đó và được kí hợp đồng với Hãng thu âm RCA (RCA Records). Họ thu âm các ca khúc như “Every Little Thing” của The Beatles và “Strangers in the Night” của Frank Sinatra cho RCA. Các bản thu này chỉ được phát hành sau đó nhiều thập kỉ, trong một nhạc phẩm tổng hợp của Carpenters.



Trong năm 1966, Karen đến một phòng thu ga-ra ở Los Angeles của nhạc công bass Joe Osborn khi quá trình thu âm ca khúc đang dang dở vào lúc tối muộn. Cô biểu diễn cùng với John Bettis – cộng sự và nhà soạn nhạc tương lai cho Carpenters – trong phần thử giọng; Richard thì phải phụ trợ cho người chơi kèn trumpet. Cô được đề nghị hãy hát cho Osborn, và sau đó nhận được lời khen : “Không kể đến người thổi kèn trumpet, cô nhóc mập này thực sự có thể hát.”



Osborn kí hợp đồng với riêng Karen dưới tư cách ca sĩ với hãng thu âm mới thành lập của ông, Magic Lamp Records. Hãng này phát hành một đĩa đơn trong đó có hai ca khúc do Richard soạn thảo, "Looking for Love" và "I'll Be Yours". Đĩa đơn này không thành công, và hãng thu âm cũng nhanh chóng bị giải thể. Tuy nhiên, Osborn cho phép Karen và Richard sử dụng phòng thu của ông để ghi âm các đoạn băng diễn thử (demo tapes) cho đến năm 1969, khi họ chính thức nhận được lời mời từ hãng thu âm A&M.



Năm 1967, Richard và Karen cùng với bốn bạn học khác trong trường đại học thành lập một ban nhạc mới, lấy tên “Spectrum”. Ban nhạc thường biểu diễn ở Whisky a Go Go (một quán bar nổi tiếng ở Tây Hollywood, California). Thành viên của Spectrum – John Bettis – vẫn hợp tác với Carpenters đến tận khi Karen qua đời, đồng sáng tác nhiều ca khúc cùng với Richard.



Năm 1968, Spectrum giải tán, Wes Jacobs của Tam ca Richard Carpenters đến Dàn nhạc Thính phòng Detroit. Richard và Karen nhận được một đề nghị từ chương trình truyền hình Your All American College Show vào giữa năm 1968. Tiết mục trình diễn ngày 22 tháng 6 năm 1968 là lần góp mặt trên truyền hình đầu tiên của hai anh em Carpenter.



Richard và Karen đã gửi các băng ghi âm demo đến nhiều hãng thu âm, nhưng phải đến Herb Alpert – đồng sở hữu của Hãng thu âm A&M và cũng là nhạc công trumpet/ca sĩ (thật ra là bạn của bạn của mẹ hai anh em) - âm nhạc độc đáo của Carpenter mới được chú ý.



Carpenters



Richard và Karen Carpenter kí hợp đồng với Hãng thu âm A&M vào ngày 22 tháng 4 năm 1969 và lấy nghệ danh “Carpenters”. Do Karen vẫn còn chưa đủ tuổi (cô lúc đó 19), cha mẹ cô đã phải cùng kí để bảo trợ. Richard và Karen đặt tên nhóm là “Carpenters”, không có mạo từ xác định đứng trước. Phần ghi chú trong album Carpenters Gold: 35th Anniversary Edition (2004) trích dẫn lời Richard:

Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, chúng tôi quyết định đặt tên nhóm là “Carpenters” (Không có “The”, chúng tôi nghĩ cái tên nghe độc và ngang tàng hơn, giống như Buffalo Springfield hay Jefferson Airplane.)
Offering (Ticket to Ride) (1969)



Khi Richard và Karen kí hợp đồng, họ được toàn quyền quyết định sự nghiệp trong hãng thu âm. Album đầu tay của nhóm, với tựa đề Offering, được phát hành năm 1969, bao gồm các bài hát mà Richard đã soạn hoặc đồng soạn khi cả hai còn ở trong Spectrum. Phiên bản trữ tình (được chỉnh sửa lại) của “Ticket to Ride” – ca khúc lừng danh của The Beatles – đem lại thành công cho Carpenters, dù không quá nổi bật: đạt thứ hạng 54 trên Billboard Hot 100 và lọt vào top 20 của Bảng xếp hạng Adult Contemporary (Dòng nhạc phổ thông đương đại dành cho người trưởng thành). Ăn theo thành công từ bài hát này, Offering được tung ra lần nữa năm 1970 nhưng thay đổi trang bìa và tựa đề, trở thành Ticket to Ride.



Close to You (1970)



Năm 1970, phiên bản "(They Long to Be) Close to You" (nguyên tác của Burt Bacharach/Hal David) do Carpenters trình bày lại được phát hành dưới dạng đĩa đơn chính thức. Nhạc phẩm này đứng thứ 56 trong lần đầu ra mắt, là vị trí debut cao nhất trong tuần cuối tháng 6 năm 1970; sau đó vươn lên vị trí số 1 vào ngày 25 tháng 7 năm 1970 và giữ vững thứ hạng quán quân trên Billboard Hot 100 trong bốn tuần.



Ca khúc thành công tiếp theo là một bài hát mà Richard từng nghe trên quảng cáo truyền hình cho Ngân hàng Quốc gia Crocker, "We've Only Just Begun", được viết bởi Paul Williams và Roger Nichols. Ba tháng sau khi "(They Long to Be) Close to You" thống trị Billboard, "We've Only Just Begun" do Carpenters trình bày vươn lên vị trí thứ hai trên Bảng xếp hạng này, là ca khúc đầu tiên trong tất cả năm ca khúc á quân trong sự nghiệp của họ (bài hát này không thể vượt qua "I'll Be There" của The Jackson 5 và "I Think I Love You" của ''The Partridge Family" trong bốn tuần trụ lại). Ca khúc này cũng là đĩa đơn thành công đầu tiên của Williams và Nichols và được Richard Carpenter đánh giá là giai điệu rất đặc trưng của nhóm nhạc.



"Close to You" và "We've Only Just Begun" đều trở thành các đĩa đơn được chứng nhận Vàng của Hiệp hội Ngành Công nghiệp Thu âm Hoa Kì (RIAA, Recording Industry Association of America) và được đưa vào album bán chạy nhất Close to You – album đứng thứ 175 trong số 500 album Xuất sắc nhất mọi thời đại do tạp chí Rolling Stone bình chọn năm 2003.



Cặp song ca kết thúc năm 1970 với nhạc phẩm cho mùa Giáng sinh “Merry Christmas Darling”. Đĩa đơn này giành được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng trong dịp nghỉ lễ Thánh, và tiếp tục được đề cập trong các năm sau. Trong năm 1978, Karen cảm thấy rằng cô có thể đem đến cách xử lí giọng hát hoàn thiện hơn cho ca khúc nên đã sửa lại phần thanh nhạc khi biểu diễn cho chương trình truyền hình đặc biệt của nhóm nhân dịp Giáng sinh; và bản remake này cũng nhận được hưởng ứng rất tích cực từ người yêu nhạc.



CarpentersA Song for You (1971–1972)



Một loạt các đĩa đơn và album thành công đã giúp Carpenters thường xuyên có mặt trên các bảng xếp hạng trong suốt những năm đầu thập niên 70. Ca khúc hit năm 1971 của họ “For All We Know” vốn được thu âm năm 1970 bởi Larry Meredith làm nhạc nền cho cảnh lễ cưới trong bộ phim Lovers and Other Strangers. Kể từ khi được nghe ca khúc trong rạp chiếu phim, Richard nhận thấy tiềm năng từ nó và sau đó thu âm ca khúc này vào mùa thu năm 1970. Đây là đĩa đơn Vàng thứ 3 của Carpenters.



Đĩa đơn Vàng thứ 4 của cặp song ca “Rainy Days and Mondays” trở thành đĩa đơn chính thứ hai của Williams và Nichols với Carpenters, đạt vị trí cao nhất tại hạng 2 của Billboard Hot 100, chỉ thua “It’s Too Late” của Carole King.



“Superstar”, viết bởi Bonnie Bramlett và Leon Russell, là đĩa đơn thứ ba của nhóm giành vị trí thứ 2 trên Hot 100. Album thứ ba có nhan đề là chính tên ban nhạc, Carpenters, được phát hành năm 1971, trở thành một trong những nhạc phẩm bán chạy nhất của họ - bốn lần đạt được chứng nhận Bạch kim của RIAA, đem về một Giải thưởng Grammy và ba đề cử.



"Goodbye to Love", nguyên tác Carpenter/Bettis với phần solo ghi-ta mạnh mẽ của Tony Peluso rất khác biệt so với các đĩa đơn trước đó, là hit thứ 3 của nhóm nhạc trong năm 1972, từng đạt được vị trí thứ 7. Peluso tiếp tục hợp tác với Carpenters cho đến khi ban nhạc kết thúc sự nghiệp năm 1983.



Một sáng tác khác của Carpenter/Bettis, “Top of the World”, ban đầu dự định chỉ là một phần trong album, nhưng khi Lynn Anderson thành công với bài hát này vào đầu năm 1973, Carpenters quyết định thu âm phiên bản đĩa đơn của riêng mình. Đĩa đơn này được phát hành tháng 9 năm 1973 và là ca khúc thứ 2 của Carpenters đứng nhất trên Billboard (tháng 12 năm 1972).



Now & Then (1973)



Now &Then là tựa đề do mẹ của hai anh em, Agnes Carpenter, đặt. Album này ra mắt năm 1973, bao gồm ca khúc nổi tiếng “Sing” của Sesame Street và một “Yesterday Once More” đầy tham vọng. Đây là một sự tưởng nhớ và gợi nhắc kín đáo về oldies radio (chuyên mục phát thanh về các ca khúc thời xưa) với 8 ca khúc hit của các thập kỉ trước được mô phỏng lại theo định dạng một chương trình oldies radio. Phiên bản đĩa đơn của ca khúc là thành công lớn nhất nhóm nhạc tại Vương quốc Anh khi giữ vững vị trí Á quân trong hai tuần (đứng sau "I'm the Leader of the Gang (I Am)" của Gary Glitter và sau đó là “Young Love” do Donny Osmond trình bày lại).



Năm 1974, Carpenters sở hữu một ca khúc thành công đáng kể trên thị trường âm nhạc quốc tế : bản remake up-tempo của "Jambalaya (On the Bayou)" (nguyên bản của Hank Williams). Tuy ca khúc này không được phát hành dưới dạng đĩa đơn tại Hoa Kì, nó đã lọt vào top 30 của Nhật Bản, đứng thứ 12 tại Vương quốc Anh (một phần của double A-side với “Mr.Guder”) và thứ 3 tại Hà Lan. Cuối năm 1974, một đĩa đơn Giáng sinh được tung ra : phiên bản chỉnh sửa theo hơi hướng jazz của "Santa Claus Is Coming to Town".



The Singles: 1969–1973 (1974)



Carpenters không thu âm album mới trong năm 1974. Theo lời Richard, “đơn giản là vì chúng tôi không có thời gian. Và tôi cũng không có hứng để làm nữa.” Trong giai đoạn này, cặp đôi chỉ phát hành một đĩa đơn Hot 100, một sáng tác của Paul Williams/Roger Nichols mang tên "I Won't Last a Day Without You". Được trích từ LP năm 1972 A Song for You, Carpenters quyết định cho nguyên bản ca khúc được ra mắt sau hai năm kể từ khi phiên bản LP (long-playing, nhạc phẩm dài) phát hành và khoảng vài tháng sau khi Maureen McGovern thể hiện lại nó vào năm 1973. Tháng 3 năm 1974, phiên bản đĩa đơn trở thành lựa chọn thứ 5 và cũng là cuối cùng từ dự án album đó được xếp hạng trên Top 20, giành được vị trí thứ 11 trên Hot 100 vào ngày 25 tháng 5 năm 1974. Do “Top of the World” đứng thứ 11 và rớt hạng trong tuần đầu tiên của năm 1974, còn “Please Mr. Postman” cũng đứng thứ 11 và thăng hạng trong tuần cuối cùng của năm 1974, Carpenters không thể lọt vào Top 10 trong năm đó sau ba lần nỗ lực bất thành.



Không phát hành album trong năm 1974 nhưng Carpenters cho ra mắt bộ sưu tập các ca khúc nổi tiếng nhất của mình, trong đó đồng thời bao gồm những bản remix mới của những đĩa đơn thành công trước đó, một số có phần hát vừa được thu âm lại; và còn có cả những phần thu nối – chuyển đoạn mới khiến cả hai mặt của đĩa album có thể được chơi liền mạch. Album tổng hợp này được đặt tựa đề là The Singles: 1960-1973, dẫn đầu các bảng xếp hạng của Hoa Kì trong một tuần từ ngày 5 tháng 1 năm 1974. Album cũng giành quán quân tại nhiều bảng xếp hạng tại Vương quốc Anh (không liên tiếp) và trở thành một trong những album bán chạy nhất của thập kỉ, doanh thu ước tình khoảng hơn 7 triệu bản chỉ riêng tại Hoa Kì.



Horizon (1975)



Năm 1975, Carpenters sở hữu thêm một hit lừng danh: bản remake “Please Mr.Postman” – ca khúc đứng đầu Motown classic năm 1961 của The Marvelletes. Được phát hành vào những tháng cuối năm 1974, bài hát này vươn lên vị trí số 1 trên Billboard Hot 100 trong tháng 1 năm 1975, trở thành đĩa đơn thứ ba và là đĩa đơn pop cuối cùng của cặp song ca đạt quán quân. Đĩa đơn cũng mang về cho Richard và Karen hạng 12 trong số những đĩa đơn Vàng có doanh thu kỉ lục hàng triệu bản tại Mĩ.



Ca khúc của Richard Carpenter và John Bettis “Only Yesterday” tiếp nối “Please Mr.Postman”, thứ hạng cao nhất giành được là thứ 4.



Cả hai đĩa đơn trên đều có mặt trong LP Horizon (1975) cùng với các bản cover của “Desperado” (The Eagles) và “Solitare” (Neil Sedaka). LP này là một thành công tương đối của Carpenters trong năm đó và được chứng nhận Bạch kim, nhưng do phát hành muộn (sau khi đĩa đơn thứ hai đã phải rời khỏi bảng xếp hạng) nên trở thành album duy nhất của ban nhạc không có được nhiều lần Bạch kim.



Carpenters là một trong những nghệ sĩ thu âm Hoa Kì đầu tiên sản xuất video để hỗ trợ quảng bá các ca khúc. Đầu năm 1975, màn trình diễn “Please Mr.Postman” ở Disneyland và “Only Yesterday” ở Huntington Gardens được quay phim lại.



A Kind of Hush Passage (1976–1977)



Album tiếp theo của hai anh em A Kind of Hush ra mắt ngày 11 tháng 6 năm 1976, đạt được chứng nhận Vàng, nhưng một lần nữa do phát hành muộn mà album này không được công nhận Bạch kim. Các đĩa đơn phát hành năm 1976 đều thành công, nhưng trong thời gian này, các ca khúc tâm điểm đương đại phát sóng trên radio đều dần dần chuyển đổi phong cách âm nhạc, khiến cho hoạt động của các nhóm nhạc “trữ tình” như Carpenters gặp nhiều trở ngại. Đĩa đơn pop nổi tiếng nhất của nhóm trong năm đó là bản cover "There's a Kind of Hush (All Over the World)" (nguyên bản Herman’s Hermits), từng đạt thứ hạng 12 trên Billboard Hot 100. "I Need to Be in Love" (ca khúc yêu thích của Karen do Carpenters sáng tác) đứng thứ 25 trên Hot 100. Tuy nhiên, cũng giống như "There's a Kind of Hush", ca khúc này vẫn dẫn đầu các Bảng xếp hạng Adult Contemporary và trở thành hit thứ 14 của cặp đôi giành quán quân ở dòng nhạc này, nhiều hơn bất kì nghệ sĩ nào trong lịch sử của Bảng xếp hạng.



The Carpenters' Very First Television Special phát sóng ngày 8 tháng 12 năm 1976 và xếp thứ 6 trên Bình chọn Nielsens. Một chương trình đặc biệt khác, The Carpenters at Christmas, được chiếu trên TV này 9 tháng 12 năm 1977.



Làn sóng disco bùng nổ mạnh mẽ nhất vào khoảng năm 1977, và các nghệ sĩ của dòng “easy listening” cho người trưởng thành như Carpenters thường ít có ca khúc phát sóng trên radio hơn. Album thử nghiệm của họ, Passage, phát hành năm 1977, đánh dấu nỗ lực mở rộng đối tượng người nghe bằng cách lấn sân sang các thể loại nhạc khác. Album này gồm các bản mix dường-như có thêm các yếu tố nhạc jazz ("B'wana She No Home"), nhạc calypso của vùng Ca-ri-bê ("Man Smart, Woman Smarter") và ballad dàn nhạc ("I Just Fall in Love Again", "Two Sides"), cùng với các ca khúc từng làm mưa làm gió một thời như "All You Get from Love Is a Love Song", "Sweet, Sweet Smile"và "Calling Occupants of Interplanetary Craft". “Calling Occupants” được phát sóng trong chương trình TV đặc biệt Space Encounters (ngày 17 tháng 5 năm 1978). Mặc dù đĩa đơn của “Calling Occupants” là một thành công vang dội tại Vương quốc Anh, tại Hoa Kì đĩa đơn này chỉ lên đến thứ hạng 32 trên các bảng xếp hạng nhạc pop, và lần đầu tiên album của Carpenters không chạm ngưỡng vàng 500,000 ấn bản tiêu thụ tại Hoa Kì. Đầu năm 1978, họ bất ngờ có được một ca khúc lọt vào top 10 nhạc đồng quê : "Sweet, Sweet Smile", bài hát với tiết tấu nhanh nhưng man mác buồn, được viết bởi ca sĩ nhạc đồng quê-pop Juice Newton và cộng sự lâu năm của cô Otha Young.



The Singles: 1974–1978 (1978)



Thay vì ra mắt album mới trong năm 1978, một nhạc phẩm tổng hợp thứ hai, The Singles: 1974-1978, được phát hành nhưng chỉ trong thị trường Vương quốc Anh. Còn tại Hoa Kì, album Giáng sinh đầu tiên của nhóm, Christmas Portrait, chứng minh một ngoại lệ đặc sắc trong sự nghiệp ca hát đang chững lại của Carpenters và trở thành nhạc phẩm được yêu thích vào mỗi dịp nghỉ lễ, đưa Karen và Richard quay lại vị thế đỉnh cao. Ngay sau đó là The Carpenters: A Christmas Portrait, một chương trình truyền hình đặc biệt lên sóng ngày 19 tháng 12 năm 1978.



Trong khoảng thời gian này, một số ca khúc khác không phục vụ Giáng sinh như "Where Do I Go from Here", "Slow Dance” và "Honolulu City Lights" cũng được thu âm, song không được ra mắt công chúng khi Karen còn tại thế. Phải mãi đến sau này chúng mới được xuất hiện trong các album tổng hợp những bản ghi chưa công bố của ban nhạc.



Tạm nghỉ trong thời gian ngắn, Made in America và những ngày cuối đời của Karen (1979–1982)



Richard phải tìm đến thủ phủ Topeka, bang Kansas để cai nghiện quaaludes (một loại thuốc an thần) và ở lại đó sáu tuần bắt đầu từ tháng 1 năm 1979. Anh quyết định tạm nghỉ một năm để nghỉ ngơi và hồi phục cơ thể. Lúc này Karen lại không muốn ngừng biểu diễn, cũng không muốn điều trị chứng biếng ăn của mình, vậy nên cô tự mình lên kế hoạch xây dựng album solo với nhà sản xuất âm nhạc lừng danh bấy giờ Phil Ramone tại New York. Cô lựa chọn hợp tác với Ramone, thể hiện các ca khúc hướng đến đối tượng thính giả trưởng thành và mang âm hưởng disco/dance-tempo nhiều hơn để nỗ lực thay đổi hình ảnh bản thân. Album của cô hoàn thiện vào mùa xuân năm 1980, nhưng ban giám đốc Hãng thu âm A&M quyết định không cho phát hành. Phải đến tận năm 1996 – 13 năm sau cái chết của Karen – album này mới được chính thức ra mắt.



Karen tiếp tục thu âm album mới với anh trai – Richard đã cai nghiện thành công và sẵn sàng cho các hoạt động nghệ thuật của ban nhạc. Carpenters sản xuất chương trình truyền hình đặc biệt cuối cùng trong năm 1980, Music, Music, Music !, với sự góp mặt của các ngôi sao khách mời Ella Fitzgerald, Suzanne Somers, and John Davidson. Tuy nhiên, ABC (Công ty truyền thông Hoa Kì, tên đơn vị phát sóng) lại không hài lòng lắm do từ đầu chí cuối, nội dung của chương trình hoàn toàn tập trung vào âm nhạc, không giống như các chương trình trước vốn có thêm các yếu tố hài hước được dàn dựng sẵn. ABC cho rằng chương trình này gần như tương đương với một sản phẩm của Dịch vụ Truyền thông Công cộng (PBS).



Ngày 16 tháng 6 năm 1981, Carpenters phát hành Made in America – nhạc phẩm thu âm dài cuối cùng của cặp song ca. Album này bán được 200,000 ấn bản và sở hữu một đĩa đơn (đĩa đơn cuối cùng) lọt vào top 20, "Touch Me When We're Dancing" – đạt vị trí thứ 16 trên Billboard Hot 100. Đây cũng là ca khúc thứ 15 của ban nhạc giành được ngôi quán quân trên Bảng xếp hạng Adult Contemporary. Hoạt động quảng bá cho album này bao gồm một tour diễn qua Mĩ, Bra-xin và châu Âu. Trước đó đã một buổi trình diễn thảm họa tại sự kiện Japanese Telethon được quay bên ngoài A&M vào tháng 8 năm 1981: trong tiết mục cuối cùng, phần nhạc được thu âm của "Touch Me When We're Dancing" đang phát “hỗ trợ” khi biểu diễn đột ngột bị ngắt quãng giữa chừng. Các cảnh quay sau đó cùng với phản ứng giận dữ của Karen khiến người hâm mộ hiển nhiên thấy rằng ban nhạc đã hát nhép. Ba đĩa đơn kế tiếp trích từ album đều không thể tiến xa trên các bảng xếp hạng.



Karen phải tìm giải pháp cho chứng chán ăn của mình và được nhà trị liệu tâm lí nổi tiếng Steven Levenkron điều trị ở Thành phố New York. Tháng 9 năm 1982, cô gọi điện cho bác sĩ của mình để thông báo rằng tim cô đang đập [một cách] “rất buồn cười” và cô cảm thấy chóng mặt, choáng váng. Khi nhập viện, Karen phải truyền dịch; cô cần tăng thêm 30 pound (khoảng gần 14 kg). Đến tháng 11 năm 1982, Karen xuất viện. Dù gia đình hay bạn bè khẩn nài cô, cô vẫn tuyên bố mình sẽ về nhà ở California và cơ thể đã được chữa trị ổn thỏa.



Cái chết đột ngột của Karen



Trước khi ra đi, Karen đã đến thăm cha mẹ mình vào buổi sáng và ở lại đó. Sớm hôm sau, mẹ cô kinh hoàng phát hiện ra con gái mình nằm bất tỉnh trên nền nhà vệ sinh. Sau 20 phút ngồi phòng chờ, bác sĩ bước ra và nói với Richard cũng như hai cha mẹ rằng Karen đã qua đời. Nhân viên giám định pháp y cho biết cái chết của cô là do rối loạn nhịp tim bởi sử dụng emetine quá liều (một loại thuốc chống nôn ói), hậu quả từ chứng biếng ăn tâm thần (anorexia nervosa). Theo kết quả khám nghiệm cơ thể tổng quan, nguyên nhân thứ nhất là do trụy tim, tiếp đến là do biếng ăn. Một phát hiện đáng chú ý khác là sự suy kiệt (cachexia): thể trạng của cô gầy yếu bất thường (cân nặng quá thấp), chức năng cơ thể suy giảm và mắc các bệnh mãn tính. Nhiễm độc emetine cũng cho thấy cô đã quá lạm dụng si-rô ipecac (để chống nôn và giảm cân) mặc dù trong nhiều năm sau cái chết của cô, không có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ cô nghiện loại dược phẩm này.



Tại lễ tang của cô, hơn một ngàn người đã đến viếng và tiễn đưa, trong đó có các bằng hữu Dorothy Hamill, Olivia Newton-John, Petula Clark, Dionne Warwick và Herb Alpert.



Ngày 12 tháng 10 năm 1983, Carpenters vinh dự được sở hữu một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng tại Hollywood, ở vị trí cách vài yard so với Trung tâm biểu diễn Kodak. Richard, Harold và Agnes Carpenter đã đến tham dự buổi lễ, đồng thời rất đông người hâm mộ cũng tới chứng kiến.



Cái chết của Karen đã khiến giới truyền thông phải dành sự quan tâm đúng đắn hơn đến chứng biếng ăn tâm thần (anorexia nervosa) và cả ăn ói (bulimia nervosa, ăn quá nhiều và không kiểm soát khiến bản thân tự trừng phạt bằng cách nhịn ăn, dùng thuốc, tập thể dục quá sức…), đồng thời cũng khiến nhiều người nổi tiếng đứng ra thú nhận với công chúng về các chứng rối loạn ăn uống của mình, trong đó phải kể đến nữ diễn viên Tracey Gold và Công nương Anh Diana. Các trung tâm y tế và bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều hơn các ca bệnh liên quan đến hội chứng này. Trước khi Karen qua đời, công chúng nhìn chung không hiểu biết nhiều về biếng ăn hay ăn ói, bởi vậy những bệnh này rất khó phát hiện và không được điều trị kịp thời.



Sau “Carpenters” (1983 – nay)



[Music Artist Wiki] The Carpenters (Cần BBcode) - thiếu 800pxcarpenterswalkoffa

Ngôi sao của The Carpenters trên Đại lộ Danh vọng của Hollywood.



Sau cái chết của Karen, Richard vẫn tiếp tục sản xuất và thu âm ca khúc, trong đó có một số album bao gồm các phần thu chưa được phát hành và các album tổng hợp. Voice of the Heart, album gồm các ca khúc đã hoàn thành không được đưa vào Made in America và các nhạc phẩm dài trước đó, ra mắt vào cuối năm 1983. Album này đạt vị trí cao nhất ở thứ hạng 46 và được chứng nhận Vàng. Hai đĩa đơn đã được phát hành. "Make Believe It's Your First Time", phiên bản thứ hai của một bài hát mà Karen ghi âm cho album solo của cô (và cũng là ca khúc khá thành công năm 1979 của Bobby Vinton), vươn lên vị trí thứ 7 trên Bảng xếp hạng Adult Comtemporary nhưng chi đạt thứ 101 trong Bảng xếp hạng Pop. "Your Baby Doesn't Love You Anymore" chiếm giữ thứ hạng 12 trên Bảng xếp hạng Adult Comtemporary. Richard Carpenter kết hôn với người em họ Mary Rudolph vào ngày 19 tháng 5 năm 1984. Kristi Lynn (tên mà Karen dự định đặt cho con gái của mình nếu như cô có con, có nghĩa là Cô bé Xanh lam [Little Girl Blue]) sinh ngày 17 tháng 8 năm 1987, Traci Taturn sinh ngày 25 tháng 7 năm 1989, Mindi Karen (được đặt tên theo tên của người cô quá cố) sinh ngày 7 tháng 7 năm 1992, sau đó là Colin Paul và Taylor Mary.



Mùa Giáng sinh thứ hai sau khi Karen qua đời, Richard sáng tác một album “mới” cho Giáng sinh của Carpenters, với tựa đề An Old-Fashioned Christmas, bao gồm các phần thu bị loại bỏ khỏi album Giáng sinh đầu tiên của cặp song ca Christmas Portrait và phần thu hoàn toàn mới.



Richard Carpenter sống với vợ, Mary Rudolph-Carpenter, và các con (4 gái 1 trai) ở Thousand Oaks, California. Hai vợ chồng là những người ủng hộ các hoạt động nghệ thuật. Năm 2004, Carpenter và vợ đã đóng góp phần quà trị giá 3 triệu USD cho Quỹ Quảng trường Nghệ thuật Đại chúng của Thousand Oaks để tưởng nhớ Karen Carpenter. Gần đây, Richard tích cực ủng hộ Trung tâm Trình diễn Nghệ Thuật Carpenter mang tên Richard và Karen Carpenter ở trường cũ Đại học bang California, Long Beach. Anh tiếp tục xuất hiện trong các buổi biểu diễn, trong đó có các buổi gây quỹ đóng góp cho Trung tâm Carpenter.



Năm 2007 – 2008, các chủ nhà ở nơi gia đình Carpenter từng sinh sống (Đại lộ Newville ở Downey) được phép của chính quyền địa phương để phá bỏ các tòa nhà cũ và xây dựng các cơ sở hạ tầng mới rộng rãi hơn, mặc dù người hâm mộ của Carpenters đã phản đối dữ dội. Tháng 2 năm 2008, hình ảnh về chiến dịch chống đối của một nhóm người hâm mộ được đăng trên trang bìa của báo Los Angeles Times. Lúc đó một ngôi nhà ở gần khu vực này, vốn từng là trụ sở của nhóm nhạc và là nơi thu âm ca khúc, đã bị dỡ bỏ và ngôi nhà chính cũng sắp sửa bị phá hủy. Hình ảnh nguyên bản của ngôi nhà được lưu giữ bất tử trên bìa album Now & Then. Ngôi nhà đó chính là nơi Karen đã trút hơi thở cuối cùng: theo lời của Jon Konjoyan, một người hâm mộ, “đó là phiên bản Graceland (Graceland - ngôi nhà của Elvis Presley) của chúng tôi.”



Biểu tượng đại diện của The Carpenters



[Music Artist Wiki] The Carpenters (Cần BBcode) - thiếu Carpenterslogo



Trong năm 1971, bộ phận Đồ họa của Hãng A&M thuê Craig Braun and Associates thiết kế bìa album cho album thứ 3 của nhóm, Carpenters. “Ngay khi tôi nhìn thấy nó, tôi phải công nhận đây là một logo tuyệt vời”, Richard nói. Thêm vào đó, biểu tượng đại diện này được in trên tất cả các album sau này kể từ album thứ 3; theo như lời Richard, “Dù sao, để giữ mọi thứ được thống nhất và ổn định, mỗi album của Carpenters từ sau khi có logo đều sẽ được in logo lên.” Logo này không xuất hiện trên bìa trước của album Passage nhưng một phiên bản nhỏ hơn của nó có thể được tìm thấy ở bìa sau.



Quảng bá và lưu diễn



Dẫu rằng quá trình khởi nghiệp (1969) không hề thuận lợi do hứng chịu nhiều phản hồi lạnh nhạt về album đầu tay Offering, hai anh em vẫn cố gắng quảng bá cho nhóm nhạc: họ biểu diễn mở màn cho chương trình của Burt Bacharact. Trong show diễn trực tiếp năm 1974 tại Khách sạn Riviera, Las Vegas, Karen Carpenter bày tỏ:

Một đêm nọ, khi chúng tôi đang tham gia một bữa ăn từ thiện sau lần công chiếu chính thức đầu tiên của “Hello, Dolly!”, Burt Bacharact đến gặp mặt và mời chúng tôi biểu diễn mở đầu cho một bữa tối từ thiện khác mà anh ấy dự định sẽ tổ chức cũng trong năm nay. Anh ấy đã đề nghị chúng tôi làm một việc mà sau này chúng tôi nhận ra rằng, đó là một việc có ý nghĩa vô cùng, vô cùng quan trọng đối với chúng tôi.
Sau đó, Richard tiếp lời:

Anh ấy muốn chúng tôi tập hợp các bài hát của anh lại và biểu diễn (medley), bất cứ giai điệu nào mà chúng tôi muốn hát, và chúng tôi đã phải mất vài tháng. Chúng tôi lựa chọn 8 đoạn.
Medley này được rút ngắn lại (từ 13 phút xuống 5 phút) và có mặt trong album mang tên nhóm Carpenters năm 1971.



Ban nhạc luôn có một lịch trình dày đặc các buổi diễn và góp mặt trên truyền hình. Trong số những lần xuất hiện trên màn ảnh đó, phải kể đến những series nổi tiếng và rất được yêu thích như The Ed Sullivan Show, The Tonight Show Starring Johnny Carson, The Carol Burnett Show (1971 – 1972), The Mike Douglas Show (1971) và The Johnny Cash Show (cũng trong năm 1971, trong chương trình này họ biểu diễn các ca khúc thành công của mình: "For All We Know" và "Rainy Days and Mondays"). Cặp song ca tham gia chương trình truyền hình đặc biệt của BBC trong năm 1971 và “trực tiếp” trình diễn. Họ cũng là những nghệ sĩ được mời tham gia series mùa hè Make Your Own Kind of Music phát sóng trên kênh NBC vào 8 giờ tối thứ Ba hàng tuần tại Hoa Kì. Cả Karen và Richard sau đó đều nói rằng (bài phỏng vấn trên radio vào năm 1980) họ thường bị lợi dụng mỗi khi thỏa thuận về tham gia các show truyền hình trong những năm đầu thập niên 70 và mong muốn có được quyền chủ động và kiểm soát nhiều hơn trong các dự án sắp tới.



Tháng 5 năm 1973, Carpenters nhận lời mời biểu diễn tại Nhà Trắng trước Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt.



The Carpenters đã tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn trong giai đoạn 1971 – 1975 :



NămSố lượng buổi diễnSố lần xuất hiện trên truyền hình
1971145 buổi diễn 10 lần (kể cả Make Your Own Kind of Music)
1972174 buổi diễn 6 lần
1973174 buổi diễn 3 lần
1974203 buổi diễn Không
1975118 buổi diễn + 46 show tạm hoãnKhông


Cho đến giữa những năm 70, các chuyến lưu diễn mở rộng liên tục và quá trình thu âm ca khúc kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến hai anh em, dẫn đến những khó khăn trong cả sự nghiệp âm nhạc và cuộc sống cá nhân của họ vào khoảng cuối thập niên. Karen bị ám ảnh bởi ăn kiêng quá độ : cô đã ngã quỵ trong khi biểu diễn trên sân khấu ở Las Vegas, từ đó được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn tâm thần. Quá mệt mỏi, cô buộc phải hủy bỏ các tour diễn ở Phi-lip-pin, Vương quốc Anh và Nhật Bản. Richard nói rằng anh rất hối hận vì sắp xếp lịch trình làm việc dày đặc liền sáu, bảy ngày trong giai đoạn đó, và nếu lúc đó anh biết điều sẽ xảy đến với mình như bây giờ, anh hẳn sẽ không đồng ý với thời gian biểu như vậy. Karen trông rất gầy - mặc dù không đến nỗi quá ốm yếu – trong video của đĩa đơn “Only Yesterday”. Richard dần dần sa vào nghiện quaaludes (một loại thuốc an thần), khiến khả năng biểu diễn của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm cuối thập niên 70, dẫn đến cặp song ca không còn tổ chức các buổi diễn live từ năm 1978.



Hình ảnh đại chúng



Sự nổi tiếng của Carpenters đã phủ nhận nhiều định kiến của giới phê bình. Âm nhạc của hai người tập trung vào các ca khúc ballad trữ tình và pop với tiết tấu vừa phải (mid-tempo pop) nên thường bị chỉ trích là nhạt nhẽo và quá ủy mị. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thu âm lại trao tặng các giải thưởng danh giá cho cặp song ca, trong đó phải kể đến 3 Giải Grammy (Nghệ sĩ mới Xuất sắc nhất, Trình diễn nhạc pop bởi song ca, nhóm nhạc hay hợp ca Xuất sắc nhất - "(They Long to Be) Close to You"(1970) và Trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất bởi song ca hoặc nhóm nhạc – Carpenters (1971)). Năm 1973, Carpenters được bình chọn là Song ca/Nhóm nhạc/Ban nhạc Pop/Rock được Yêu thích tại Giải thưởng Âm nhạc Mĩ (AMAs, American Music Awards) lần thứ nhất.



Trong các bài phỏng vấn, Richard thường nói rằng nhiều nhà phê bình thường đánh giá hai người là “uống sữa, ăn bánh táo và tắm vòi sen.”

Tôi thậm chí còn không thích sữa. Không phải chúng tôi hoàn toàn trái ngược [với những nhận xét trên], chúng tôi chỉ không phải là như vậy. Nhưng cũng ở khoảng trung gian, tầm giữa giữa gì đó – Tôi không uống …quá nhiều. Đúng là tôi có uống rượu trong bữa tối. Tôi ủng hộ hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa (marijuana)…
Trong The Carpenters: The Untold Story (The Carpenters: Những câu chuyện chưa kể) của Coleman, Richard liên tục nhấn mạnh rằng anh cảm thấy khó chịu như thế nào với cách các nhân viên điều hành của A&M (hãng thu âm) cố giữ cho hình ảnh của hai anh em “quá mức hoàn mỹ”, và cách các nhà đánh giá nghệ thuật chỉ trích họ về hình ảnh đại chúng thay vì âm nhạc của họ.

Tôi rất buồn khi toàn bộ sự “hoàn mỹ không tì vết” bị gắn lên hai anh em mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình đại diện cho bất cứ điều gì. Họ (các nhà phê bình) chỉ vào Close to you và nói: “Aha, bạn thấy đó là số 1? ĐÓ (ca khúc được coi là số 1) là đối với những ai thích bánh táo! ĐÓ là đối với những ai tin vào lá quốc kì Mĩ! ĐÓ là đối với một người dân Mĩ bình thường và cái xe chở đồ của anh ta ! The Carpenters đại diện cho những điều đó, và tôi sẽ khắc ghi họ trong tim mình!” Và bùm, chúng tôi bị gán lên cái mác ấy.
Di sản



Các đánh giá và phê bình nghệ thuật chi tiết về Carpenters được thực hiện trong vòng 20 năm cuối thế kỉ XX: một số phim tài liệu về họ được thực hiện tại Hoa Kì, Nhật Bản và Vương quốc Anh, như Close to You: Remembering the Carpenters (Hoa Kì), The Sayonara (Nhật Bản) và Only Yesterday: The Carpenters Story (Vương quốc Anh). Nhiều ý kiến cho rằng giọng hát đặc trưng của Karen đã khuyến khích nhiều nghệ sĩ có giọng cao (như Anne Murray, Rita Coolidge và Melissa Manchester) tham gia hát nhạc pop. Năm 1990, ban nhạc alternative rock Sonic Youth thu âm “Tunic (Song for Karen)”, diễn tả lại Karen chào tạm biệt những người thân khi cô bắt đầu trở lại chơi trống và gặp mặt “những người bạn mới”, Dennis Wilson, Elvis Presley và Janis Joplin. Mặc dù phong cách âm nhạc của Carpenters bị cho là “quá mềm mại” so với nhạc rock and roll (theo chuẩn định nghĩa), nhiều chiến dịch vận động (xin chữ kí đồng thuận) đã được tổ chức để nhóm nhạc này được vinh danh trong Bảo tàng - Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll (Rock and Roll Hall of Fame and Museum).



Album tưởng nhớ If I Were a Carpenter (1994), trình bày bởi các nghệ sĩ adult contemporary như Sonic Youth, Bettie Serveert, Shonen Knife, Grant Lee Buffalo, Matthew Sweet và The Cranberries đã đem đến một cách thể hiện mới, mang âm hưởng alternative rock cho các ca khúc nổi tiếng của The Carpenters.



Một số bài hát của cặp song ca trở thành những ca khúc bất hủ và mẫu mực (popular standards). “Superstar” được nhiều ca sĩ trình bày lại, trong đó có những phiên bản rất thành công như cover của Luther Vandross , Ruben Studdard , Bette Midler, Shonen Knife, và Sonic Youth.



Cả "We've Only Just Begun" và "(They Long to Be) Close to You" đều vinh dự được trao tặng Giải thưởng Grammy Hall of Fame bởi sức hút âm nhạc vĩnh cửu và giá trị lịch sử quan trọng.



Các nghệ sĩ giải trí hiện đại như Christina Aguilera, Gwen Stefani, Shania Twain, Jann Arden, Anastacia, The Corrs, Mary J. Blige, Alicia Keys, LeAnn Rimes, Michelle Wright, K.D. Lang, Kelly Jones của Stereophonics, Johnny Borrell của Razorlight, Jo O'Meara đến từ S Club và Madonna đều trân trọng nhắc đến Karen Carpenter là nghệ sĩ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của họ.



Danh sách các nhạc phẩm đã phát hành



Bài chi tiết : Danh sách các ca khúc của The Carpenters



Carpenters đã phát
Scheherazade
Scheherazade

Total posts : 262

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum