oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Character Review] Sherlock Holmes

Go down

[Character Review] Sherlock Holmes Empty [Character Review] Sherlock Holmes

Post by hiya Thu Nov 06, 2014 12:15 am


Ngày đăng: 09-01-2011, 14:12

Bản Sherlock Holmes duy nhất mà tớ đọc là bản tiếng Việt của nxb Công an Nhân dân (được in làm 11 quyển nhỏ nhỏ ấy). Mọi trích dẫn trong này đều lấy từ bản ấy, nên nếu có sơ sót về nội dung hay câu chữ mong mọi người bỏ quá cho :">

Credit:

- Nội dung: Hiya
- BBCode: Badarp Slead
- Nguồn hình: Google


Sherlock Holmes


Sherlock Holmes với chiếc tẩu, kính lúp và mũ phớt, và số nhà 221B phố Baker, đã quá quen thuộc với hàng triệu triệu đọc giả trên khắp thế giới, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu chưa đọc Sherlock Holmes, hẳn bạn cũng đã nghe qua tên anh rồi. Anh là một trong những thám tử nổi tiếng và tài giỏi nhất.

Holmes sống vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 tại Luân Đôn, Anh quốc. Đất nước lúc đó đầy rẫy những tội phạm, giết người, trộm cướp, đủ loại tệ nạn. Và ai là nhân vật chính nghĩa quét sạch cái xấu trả lại bình yên cho cuộc sống? Chính là thám tử tài ba Sherlock Holmes của chúng ta (và tất nhiên, có cả trợ thủ Watson của-anh nữa).

Nói Holmes là thám tử tài giỏi nhất thời đó không sai chút nào. Kỹ năng đặc biệt của anh là suy đoán. Anh đã biến nó thành một môn khoa học logic trợ giúp đắc lực cho việc điều tra. Hầu như trong vụ án nào Holmes cũng vận dụng nhuần nhuyễn khả năng suy đoán của mình để tóm gọn hung thủ. Những dấu chân, vết mực, tàn thuốc... Holmes có thể suy đoán chính xác được rất nhiều thứ từ những dấu vết nhỏ nhặt nhất:

"... Tôi thấy cả các dấu chân của một con ngựa. Một trong những vết chân này sắc nét hơn ba vết chân khác, điều đó chứng tỏ con ngựa có một chiếc móng mới đóng..."

"... Ta có thể căn cứ vào chiều dài bước chân mà suy đoán ra chiều cao của một người. Tôi đã thấy vết chân của người thứ hai trên lớp đất sét ở ngoài nhà và trên lớp bụi trong phòng. Ngoài ra, tôi còn một cách khác để kiểm tra cách tính của tôi. Khi viết trên tường, người ta thường viết ngang tầm mắt mình. Chữ viết kia, như tôi đo được, ở cách mặt đất đúng một mét tám mươi..."

"... Mấy chữ trên tường được viết bằng một ngón tay trỏ nhúng trong máu. Chiếc kính lúp đã giúp tôi nhận ra là khi viết, ngón tay người này đã cào mạnh lên lớp vữa trát tường, điều này chỉ có thể xảy ra nếu người này có móng tay dài. Tôi tìm thấy trên sàn một ít tro đen và xốp, chỉ có loại xì gà Trichinopoli mới cho một thứ tàn như vậy..."


và dĩ nhiên là anh đoán đúng hết :'>

Tuy nhiên, chỉ ngồi một chỗ thôi thì không thể biết gì mà suy đoán. Holmes là một người hăng hái và say mê công việc. Anh chạy khắp nơi, sục sạo, tỉ mỉ nghiên cứu hiện trường, không bỏ qua chi tiết nhỏ nhặt nào. Holmes yêu công việc của mình - điều tra và phá án. Anh có thể chết vì buồn chán nếu trong một thời gian dài không có gì cho mình điều tra, và nhiều lúc còn vô cớ tức giận bọn tội phạm vì chúng không chịu phạm tội (khiến anh thất nghiệp).

Để có được những suy luận sắc sảo, đương nhiên không thể dùng một bộ óc bình thường. Holmes có hộp sọ đặc biệt, có thể làm nổi bật bất kỳ viện bảo tàng nhân chủng học nào (trích lời bác sĩ Mortimer trong Con chó của dòng họ Baskerville). Anh có nhìn thấy nhưng anh không quan sát, Holmes giải thích lý do mình có thể đưa ra những suy luận chính xác là nhờ quan sát, và thông qua khả năng phân tích logic cực nhanh, đưa ra kết quả không ngờ từ những điều đơn giản nhất. Một bộ óc phi thường.

Nhưng chỉ suy luận giỏi thì chưa thể trở thành một thám tử vĩ đại trong lòng hàng triệu triệu độc giả. Holmes còn có gì nữa?



Trước hết, hãy nói về những khả năng khác phục vụ cho công việc của anh. Holmes không phải là một anh trai ốm yếu chỉ đến hiện trường nhìn ngó và lý luận. Anh đi khắp nơi, đuổi theo thủ phạm, tìm kiếm manh mối. Anh thường tự mình hành động (cùng với Watson), suy nghĩ và làm việc theo hướng của riêng mình, không phụ thuộc vào cảnh sát và thường thì nhà chức trách xuất hiện chỉ để nghe lại quá trình phá án của Holmes và áp giải thủ phạm về đồn. Đừng nhìn Holmes gầy mà nghĩ anh yếu, anh là bậc thầy về đánh gậy, quyền Anh, và đấu kiếm, và như ta thấy trong vụ Dải băng lốm đốm, Holmes có thể nhẹ nhàng nắn thẳng cây gậy cời lò bằng sắt vừa bị bẻ cong. Hơn thế nữa, Holmes còn là một bậc thầy hoá trang và diễn xuất, một lão già lọm khọm, một tên lang thang nát rượu, một cha xứ đáng kính, một bệnh nhân hấp hối... đến cả người luôn bên anh là Watson còn bị lừa cơ mà. Thế là đã đủ cho một thám tử tài ba làm lu mờ những cảnh sát xuất sắc nhất, và khiến người đọc thán phục không thôi.

Vậy mà vẫn chưa hết. Người ta sẽ dễ dàng nhàm chán nếu qua hàng chục vụ án nhà thám tử chỉ suy luận - truy đuổi - bắt được thủ phạm và hết chuyện. Holmes không đơn thuần và khô khan như vậy. Một trong những điểm gây hứng thú và vui thích cho người đọc - nhất là những người máu mê nổi loạn một chút - là cách làm việc tự do của Holmes, nhiều lúc không tuân thủ luật lệ gì cả.



Holmes không phải cảnh sát, vì vậy anh không cần tuân theo những quy tắc lằng nhằng, ví dụ như lục soát nhà nghi phạm cần phải có giấy phép. Có thể thấy khá nhiều phen Holmes (và Watson, dĩ nhiên) lẻn vào nhà người ta một cách bất hợp pháp, nói trắng ra là rất nhiều lần nhà thám tử tài ba của chúng ta biến thành kẻ trộm trèo tường cậy cửa, nếu bị bắt thì chắc chắn vào tù rồi, may là khả năng đào tường khoét vách của anh xuất sắc không kém gì những tên trộm chuyên nghiệp nhất. Nếu Holmes quyết định trở thành tội phạm, cảnh sát Anh sẽ vô cùng khốn đốn. Nhưng cũng nhờ không bị quy tắc ràng buộc, anh đã giúp cảnh sát giải quyết được rất nhiều vụ án hóc búa, thậm chí còn cứu được đất nước trong vụ Những bản vẽ của tàu ngầm Bruce-Partington. Nhiều lúc linh hoạt một chút cũng tốt, và Holmes là một con người khôn ngoan biết khi nào thì cần linh hoạt.

Holmes là đại diện của công lý, nhưng anh không cứng nhắc và vô tình như công lý. Anh không chỉ dùng lý trí mà còn nhìn vào trái tim để phán xét. Không phải kẻ giết người nào cũng đáng chết, có nhiều lúc kẻ bị hại còn độc ác hơn tên tội phạm. Holmes luôn biết kết hợp "tình" và "lý" khi phân xử, vì thế anh đã vài lần buông tha cho thủ phạm. Nhiều người có thể nói quyết định của Holmes quá chủ quan, chúng ta đang sống trong một thế giới được bảo vệ và điều khiển bởi pháp luật, là một người đại diện cho công lý, Holmes phải hợp tác hết mức với nhà chức trách. Nhưng chín người mười ý, tôi tin có nhiều người sẽ đồng tình với Holmes. Holmes bảo vệ công lý, nhưng công lý được lập ra là để bảo vệ con người, mà con người đối xử với nhau dựa trên tình cảm, nhiều khi rất khó để phân biệt đúng sai. Nếu Holmes vô tình thì trong Vụ án ở thung lũng Boscombe, anh đã vạch trần tội lỗi của ông Turner để cứu cậu con trai nhà Carthy, nhưng anh lại chỉ đưa ra những bằng chứng chứng minh anh ta vô tội, để những đứa con không bị ám ảnh bởi tội lỗi của cha ông họ. Và còn nhiều vụ án khác nữa, Holmes không chỉ làm việc dựa trên luật pháp mà còn dựa trên tình cảm, thứ tình cảm tỉnh táo sáng suốt để nhận ra ai mới là kẻ đáng bị trừng phạt, và anh luôn ra quyết định dứt khoát, không ngập ngừng e sợ. Chính điều đó đã khiến Holmes bớt đi xa cách lạnh lùng và dễ chạm đến trái tim người đọc hơn. Còn về rắc rối khi thả thủ phạm đi? Anh chẳng quan tâm, vì dù sao anh cũng đâu phải cảnh sát, anh chỉ giúp đỡ điều tra còn bắt người là trách nhiệm của các vị ở Scotland Yard.



Còn một điều rất nhỏ nữa giúp Holmes trở thành một thám tử tài ba, đó là anh biết tận dụng nguồn nhân lực, cụ thể là Đội thám tử nghiệp dư phố Baker. Mấy đứa trẻ còn hữu ích hơn một tá cảnh sát, chúng len lỏi luồn lách khắp nơi mà không ai nghi ngờ gì, giúp Holmes có được những tin tức quý báu. Hơn nữa, thay vì để những đứa trẻ lêu lổng bên ngoài rồi sa vào các tệ nạn, không bằng cung cấp cho chúng một công việc ổn định và đúng chuyên môn, vừa giúp anh điều tra nhiều thứ, vừa giảm tỷ lệ tội phạm của thành phố.

Đó là một phần của con người Holmes - nhà thám tử vĩ đại. Ngoài việc là một thám tử tài ba ra, Holmes còn gì nữa? Anh có điều mà tất cả phụ nữ yêu mến ở một người đàn ông, điều mà rất nhiều thám tử tài giỏi khác không có được - sự lãng mạn; chính sự lãng mạn đã giúp Holmes nổi tiếng hơn và được yêu thích qua nhiều thập kỷ. Ngoài những thí nghiệm khoa học, những vụ án hình sự, những lần đấu trí và đấu chân tay nghẹt thở, Holmes còn chơi violon và thường xuyên đi nghe hoà nhạc. Sở thích tao nhã của Holmes buông chùng mạch truyện căng thẳng, giúp người đọc dãn mày và thả lỏng đôi chút, khiến Sherlock Holmes trở nên gần gũi hơn, thật hơn, dễ yêu và dễ nhớ hơn. Sự lãng mạn có lẽ là bẩm sinh, bởi bà nội anh là em gái hoạ sĩ người Pháp Vernet. Holmes không ăn nói khô khan, anh biết đùa và là một quý ông đích thực cư xử lịch thiệp với phụ nữ. Phải, Holmes dịu dàng và lịch thiệp với phái nữ, dù anh từng nói anh không thích phụ nữ - và tình yêu với phụ nữ, vì nó ảnh hưởng đến tư duy lạnh lùng và chính xác của anh.



Holmes và Watson



Mặc dù Holmes có rất nhiều người hâm mộ nữ, nhưng tôi đảm bảo các bạn gái chỉ có thể dõi theo và yêu anh từ xa thôi, bởi Holmes là một người cực kỳ bê bối, khó gần, và chắc chắn sẽ là một người tình tồi tệ. Watson từng nhận xét anh là người thuê nhà bê bối nhất Luân Đôn - phòng ốc bừa bãi, hay thực hiện những thí nghiệm kì lạ (đôi khi nguy hiểm), chơi nhạc đêm khuya, bắn súng trong phòng... Bạn có thể thề thốt yêu đương long trọng, nhưng cứ thử tưởng tượng thực tế một chút xem; đó là chưa kể Holmes chỉ yêu công việc và không thích dính đến phụ nữ và tình yêu. Thế nhưng câu chuyện sẽ nhàm chán hơn rất nhiều nếu chỉ có Holmes, bởi anh là một người sống khá nội tâm. Phải làm sao để người đọc biết nhà thám tử tài ba không chỉ có tư duy siêu phàm mà còn rất lãng mạn và gần gũi? Dĩ nhiên chúng ta có thể lái câu chuyện theo hướng diễm tình lãng mạn, một thiếu nữ vị tha và bao dung cảm hoá trái tim sắt đá của nhà thám tử lạnh lùng, anh thay đổi vì nàng và hai người sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng Sherlock Holmes là một tác phẩm trinh thám, nhà thám tử của chúng ta cần cái đầu lạnh để phân xử, anh không có thời gian để yêu đương tình cảm. Hơn nữa, Sherlock Holmes đã chẳng nổi tiếng đến thế nếu anh cứ quyến luyến vì tình. Và như vậy, không còn con đường nào khác, Holmes đã gặp và gắn kết cuộc đời mình với Watson dưới sự sắp đặt của số phận.

Holmes không thể sống cùng phụ nữ, vậy còn một người đàn ông thì sao? Cùng là nam giới, có thể thông cảm cho nhau rất nhiều thứ, như mùi thuốc lá nặng, thói bừa bãi, tính nguy hiểm của công việc... Và Watson là một lựa chọn hoàn hảo. Giống như đã được số mệnh sắp đặt, họ hoà hợp một cách kỳ lạ. Một bác sĩ và một thám tử, từ chỗ cùng thuê một căn hộ, mối quan hệ giữa họ đã dần tiến triển lên trên mức bình thường, đầy những điểm nhạy cảm phức tạp.

Watson luôn sát cánh bên Holmes trong các vụ án, là trợ thủ và quan sát viên nhiệt tình và trung thành nhất. Kể từ khi Watson ghi lại và công bố những vụ án do Holmes giải quyết, công việc của nhà thám tử thuận lợi hơn rất nhiều, người ta biết đến anh, ngưỡng mộ anh, anh trở nên nổi tiếng. Holmes thực hiện diễn xuất, Watson phụ trách tuyên truyền - sự kết hợp ăn ý và thành công.

Watson là một trợ thủ tuyệt vời, anh trung thành, không phán xét và luôn tin tưởng vào quyết định của Holmes. Holmes luôn kéo Watson vào những vụ án của mình, ban đầu có lẽ vì những lời tán thưởng của Watson về khả năng suy luận của Holmes khiến anh sung sướng và muốn thể hiện nhiều hơn; dần dần, anh làm điều đó một cách tự nhiên, như một thói quen cố hữu. Watson trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trong các vụ án của Holmes. Hai người không còn chỉ là thuê chung một căn hộ nữa, họ đã trở thành những người bạn đồng hành tốt nhất của nhau. Kể cả trong những vụ án cơ mật như Vụ scandal xứ Bohemia, hay liên quan tới chính phủ và quốc gia, Holmes cũng không ngần ngại chia sẻ với Watson như những đồng nghiệp, như những thành viên trong một gia đình. Holmes không bao giờ giấu Watson những lúc anh định phá án bằng cách phạm pháp, thậm chí anh còn nhờ Watson giúp đỡ mình trong việc trèo tường khoét vách, hay lừa gạt người ta; Holmes cũng có thể thoải mái vạch trần thủ phạm rồi thả họ đi trước mặt Watson. Bởi vì Watson sẽ không lên án Holmes, Watson sẽ luôn tin tưởng và trung thành với Holmes; người này là đồng minh tốt nhất và duy nhất của người kia - giữa họ có những bí mật không thể nói với người ngoài, như một đôi tình nhân nho nhỏ có những bí mật riêng tư thầm kín.

Nếu như những nhân vật phụ trong câu chuyện không thỉnh thoảng gọi "Bác sĩ Watson", có lẽ nhiều người sẽ quên mất nghề nghiệp chính của Watson là gì, bởi hầu như lúc nào anh cũng đi theo Holmes. Tình cảm giữa hai người tiến triển theo từng vụ án. Khỏi cần nhắc lại cái hint rõ ràng trong vụ Ba người mang họ Garrideb, khi Watson bị một viên đạn sượt qua chân, Holmes đã hoảng loạn và mất bình tĩnh như thế nào; trong một vụ án khác, vụ Năm hạt cam khô, Holmes đã nói với Watson: "Trừ anh ra, tôi không có người bạn nào." Watson cũng hiếm khi gặp bạn bè từ lúc dọn đến ở với Holmes. Hai người vừa lòng với cuộc sống hiện tại của mình, cùng sinh hoạt, cùng phá án, cùng vượt qua những giờ phút khó khăn và nguy hiểm nhất. Họ cùng nhau thử nghiệm thứ thuốc độc chết người trong Bàn chân của quỷ, cùng nhau đột nhập vào nhà nghi phạm, cùng nhau chạy trốn khỏi sự truy sát của Moriaty. Phải, khi Holmes đột ngột ghé thăm và đề nghị Watson đi cùng mình mà không nói rõ lý do, Watson - dù đã có vợ - vẫn sẵn sàng bỏ nhà theo trai cùng Holmes bước vào cuộc hành trình vô định và đầy rẫy hiểm nguy rình rập. Ở nhà ga Holmes đã nói, anh không cần theo tôi, chuyến đi này quá nguy hiểm và tôi không muốn kéo anh vào (như vậy chúng ta có thể lý giải việc Holmes tới nhà rủ Watson đi là hành động nhất thời xuất phát từ tình cảm cá nhân - anh tự nhiên kéo người ta ra khỏi nhà rồi lại đuổi về thì vô trách nhiệm quá :<), và Watson đáp, tôi sẵn sàng theo anh đến bất cứ đâu. Tình cảm của hai người đã vượt quá mức tình bạn thông thường và trở thành một thứ tình cảm rất khó xác định.

Khi thấy Holmes - tưởng chừng đã chết - trở về, Watson đã ngất đi. Mình chưa bao giờ ngất nên không biết cảm giác thế nào nhưng mình đảm bảo một người đàn ông khỏe mạnh như Watson không dễ dàng ngất xỉu đâu. Phải xúc động mãnh liệt ghê lắm mới ngất đi như thế được. Và sau đó thì sao? Holmes mua lại phòng mạch của Watson rồi đón anh về ở với mình. Hai người lại bên nhau, Holmes đã quen làm việc cùng Watson, rất nhiều năm sau cũng vậy, khi quay lại thực hiện công việc cuối cùng, Holmes vẫn không quên gọi Watson quay trở lại; hai người bạn già, tình cảm vẫn khăng khít như ngày nào.

Về Holmes và Watson, có nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng tình cảm giữa họ ở trên mức tình bạn đặc biệt, trên đến đâu thì không rõ. Nó có thể tiếp tục phát triển hơn thế hoặc cứ giữ nguyên như vậy, dù theo hướng nào thì vẫn là một tình cảm đẹp.
hiya
hiya

Total posts : 66

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum