[Ẩm thực] Mô hình đồ ăn giả ở Nhật Bản
Page 1 of 1
[Ẩm thực] Mô hình đồ ăn giả ở Nhật Bản
Mô hình đồ ăn giả ở Nhật Bản
.
.
Dịch & Viết & Biên tập từ nhiều nguồn: Earlpanda.
.
.
Ở khắp nước Nhật, các mẫu thức ăn giả xuất hiện phổ biến trong những tủ kính hoặc cửa sổ trưng bày. Trước kia chúng được làm từ sáp, ngày nay chúng thường được làm bằng nhựa. Các mẫu thức ăn nhựa thường được thủ công từ vinyl clorua và chế tác cẩn thận để trông giống như các món ăn thật sự. Các mẫu thức ăn này được đặt thiết kế riêng cho các nhà hàng và thậm chí những món phổ biến như ramen sẽ được sửa đổi lại để phù hợp với từng cơ sở thực phẩm. Trong quá trình đúc, các thành phần giả thường được cắt nhỏ ra sau đó kết hợp lại tương tự như cách nấu thực tế.
Nghề thủ công này đã được nâng lên thành một hình thức nghệ thuật, trong đó thực phẩm bằng nhựa đã được trưng bày tại những nơi như Bảo tàng Victoria và Albert. Tại Nhật, những cuộc thi làm thức ăn giả từ nhựa và những vật liệu khác thường xuyên được tổ chức.
1. Lịch sử, nguồn gốc.
Vậy, ý tưởng làm đồ ăn giả này xuất phát từ đâu?
Sau Thế Chiến thứ Hai, cuối thế kỷ 19, rất nhiều người Mỹ và người châu Âu đến các quán ăn Nhật Bản và gặp vô số rắc rối trong việc đọc thực đơn do bất đồng ngôn ngữ. Các cửa hàng đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để thực khách có thể “trông thấy” được những món ăn mà không cần phải đọc thực đơn (vào thời điểm này, ảnh minh hoạ là một thứ quá xa xỉ). Thế là họ nghĩ ra một cách. Họ nấu tất cả các món trong thực đơn rồi trưng lên để thực khách lựa chọn. Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra cách này không hữu dụng. Những thức ăn thật không để được lâu, dễ bị ruồi muỗi bu vào, và đặc biệt trong thời tiết nóng sẽ làm biến đổi màu sắc, mùi, hương vị của món ăn.
Trong thời điểm đó, có một người đàn ông quê vùng Gifu tên là Takizo Iwasaki. Takizo đến Osaka để tìm giấc mộng của mình. Nhưng ông rất nghèo, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Một đêm lạnh lẽo nọ, khi canh chừng người vợ đang bệnh nặng, ông thắp nến ngồi bên bàn trong tâm trạng rối bời vì không biết phải làm gì để có tiền trang trải cuộc sống. Bỗng, Iwasaki thấy sáp nến nóng chảy chảy xuống, ông dùng ngón tay để hứng. Khi sáp dính trên tay đã nguội, Iwasaki gỡ nó ra. Ngay lúc đó, ông nhận thấy dấu vân tay của mình đã được in trên miếng sáp. Thấy lạ, Iwasaki tiếp tục thử bằng cách cho sáp nến chảy xuống mặt tấm chiếu tatami. Miếng sáp khi khô lại in dấu rõ ràng của đường gân chiếu. Và thế là ý tưởng cho món ăn giả từ sáp ra đời.
Iwasaki tìm đến những người làm tượng sáp và đồ vật bằng sáp để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi đã có một số kiến thức cơ bản về cách làm, ông bắt đầu tự tay thực hiện những mô hình món ăn. Trong căn hộ chật hẹp của mình, ông đã miệt mài nghiên cứu và làm đi làm lại những món ăn giả. Nguyên liệu chính mà ông sử dụng là gelatin, thạch kanten và sáp. Thành quả đầu tiên của ông là mô hình món trứng chiên cuộn cơm – một món ăn truyền thống của người Nhật – đã chứng thực tài năng và tên tuổi của Iwasaki. Thành công của món trứng chiên giả đã mang nhiều khách hàng đến cho Iwasaki. Đó là bước chuyển lớn trong cuộc đời của Iwasaki cũng như trong nền ẩm thực Nhật Bản. Mô hình món ăn giả của ông trở thành một phần không thể thiếu tại các nhà hàng ở Osaka lúc bấy giờ.
Từ đó, Iwasaki bắt đầu làm thay đổi thế giới kinh doanh tại các nhà hàng Nhật. Chỉ 1 tháng sau khi ra mắt món trứng chiên cuộn cơm, sản phẩm của Iwasaki đã có mặt ở tủ trưng bày của các nhà hàng trên khắp nước Nhật. Không lâu sau, năm 1932, ông thành lập riêng một công ty trong chính căn hộ nhỏ tại Osaka - công ti Iwasaki Be-I. Iwasaki quyết định không bán những mẫu đồ ăn giả nữa mà để cho thuê định kỳ hàng tháng với giá cao gấp năm, mười lần món ăn thật. Công ti của ông vẫn rất đắt hàng.
Về sau, việc dùng mô hình thay cho đồ thật trở nên phổ biến và nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện hơn. Tuy vậy, cho đến nay, Iwasaki Be-I vẫn là công ti lớn nhất về mô hình thức ăn giả, chiếm lĩnh khoảng 60% nhu cầu của thị trường nội địa. Vào thập niên 1970, cùng với xu thế mới trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo của thế giới, công ty Iwasaki Be-I bắt đầu ứng dụng kỹ thuật và nguyên liệu cải tiến cho sản phẩm. Nhựa tổng hợp được đưa vào sử dụng và sau này là silicon để thay thế nguyên liệu truyền thống.
Qua nhiều thập niên và thường xuyên đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt trên thương trường, đến nay, Iwasaki Be-I vẫn là công ty sản xuất mẫu đồ ăn giả lớn nhất Nhật Bản.
2. Ứng dụng.
Ở Nhật Bản, người ta trưng bày những mẫu đồ ăn giả thay vì dùng những tờ thực đơn hoặc các dòng mô tả món ăn. Những đĩa thức ăn thật ngon mắt được trưng bày trước cửa tiệm, chỉ cần nhìn thôi là cái bụng đang đói của bạn sẽ kêu réo ầm ĩ. Từ những cọng mì lóng lánh trong nước hầm thịt heo, những lát sashimi tươi trên những lá rau sống hay những hạt gạo trắng ngần… tất cả đều là những món ăn giả (fake food hay replica food) mà đôi khi trông hấp dẫn hơn thực tế nhiều.
Mô hình đồ ăn giả giúp cung cấp những thông tin cần thiết cho thực khách vì bên cạnh mỗi mô hình, người ta đặt một tấm bảng nhỏ ghi tên món ăn, thành phần nguyên liệu, gia vị tạo nên món ăn và giá của nó. Đây là hình thức quảng cáo gây ấn tượng mạnh cho thị giác và nó giúp khách hàng không bị đánh lừa bởi tên gọi của món ăn trên thực đơn vì họ được tận mắt nhìn thấy món ăn trước khi chúng được chế biến.
Ngoài ra, mô hình đồ ăn giả còn được dùng trong việc phân tích giá trị dinh dưỡng của thực phẩm dựa trên thông tin dinh dưỡng cụ thể của từng món ăn. Khách hàng chọn một số món ăn cho vào khay và đưa đến quầy phân tích. Tại đây, máy sẽ hiển thị thông số về chất đạm, chất khoáng và vitamin của từng món ăn để khách hàng nhận biết.
Bên cạnh đó, người ta còn ứng dụng mô hình đồ ăn giả trong những vật dụng nhỏ hàng ngày, đồ lưu niệm, ví dụ như: móc khoá, giá đặt kính, giá để điện thoại, những món đồ trang trí nho nhỏ…vân vân…
3. Giá thành.
Có vô số các món ăn cho bạn lựa chọn. Một ly bia đầy ú ụ với bọt trắng nổi lên trên, những miếng sushi, những lát thịt bò, bento, bánh ngọt, các ổ bánh mì… Nhưng bạn nghĩ, vì nó là đồ giả, “hiện vật cấm sờ”, nên giá thành của nó rẻ bèo? Nhầm to. Không những không rẻ, mà giá thành của nó lại khá cao, dao động ở khoảng trên 5,000 yen mỗi món. Ví dụ, một hộp tám miếng Nigiri các loại có giá chừng 4,500 yen. Nhưng, thôi nào, bạn đang mua các tác phẩm nghệ thuật đấy, hãy tỏ ra phóng khoáng tí đi!
Được rồi, đã bỏ qua chuyện giá cả, bạn đã quyết định mua cho mình những món ưa thích để đem về… ngắm chơi, hay dùng để trang trí nhà cửa, bếp núc thay vì giỏ trái cây nhàm chán nơi góc bàn ăn. Nhưng mua ở đâu bây giờ? Có một địa chỉ rất nổi tiếng dành cho bạn. Đó là khu Kappabashi, đông bắc Tokyo - trung tâm thế giới thực phẩm giả. Để đến được khu Kappabashi, hãy bắt chuyến tàu điện ngầm đến ga Tawaramachi trên tuyến Ginza. Sau đó, bạn đi bộ khoảng năm phút dọc theo Asakusa Dori cho đến khi nhìn thấy một toà nhà với chiếc mũ đầu bếp khổng lồ trên nóc, tức là bạn đã đến nơi rồi đấy!
.
.
(cont)
.
(cont)
AmySnow- Total posts : 355
Re: [Ẩm thực] Mô hình đồ ăn giả ở Nhật Bản
Fake Plastic Food: Inside Japan’s Fake Food Factories.
Cùng đến thăm nhà máy sản xuất thực phẩm nhân tạo tại Nhật Bản!
(Nguồn)
.
.
Cùng đến thăm nhà máy sản xuất thực phẩm nhân tạo tại Nhật Bản!
(Nguồn)
Dịch: Earlpanda.
.
.
Bạn đã thấy tất cả rồi đấy. Những quầy trưng bày đồ ăn hấp dẫn, những lon bia Nhật Asahi lửng lơ trong không khí rót xuống cốc tạo thành một thác nước vàng rực sủi bọt trắng đầy quyến rũ. Bạn tự hỏi chúng đến từ đâu? Gợi ý: không phải đồ Trung Quốc đâu nhé. Chúng nổi bật ở khắp các cửa sổ những nhà hàng, từ Okinawa cho đến Sapporo. Đó là các tác phẩm đầy nghệ thuật đến từ thị trấn Gujo Hachiman, tỉnh Gifu, Nhật Bản.
Gujo Hachiman là trụ sở chính của không những một, mà những mười nhà máy sản xuất thực phẩm giả. Thị trấn cổ kính này được coi như là trung tâm của thực phẩm nhân tạo từ khi ngành công nghiệp này xuất hiện. Tất cả mọi con đường liên quan đến đồ ăn giả đều dẫn về Gujo.
Gujo Hachiman
Việc kinh doanh đồ ăn giả bắt đầu ở Nhật Bản vào năm 1917, khi mô hình làm bằng sáp đầu tiên xuất hiện. Khoảng sáu năm sau, một nhà hàng ở Tokyo bắt đầu trưng bày những mô hình đồ ăn nhân tạo để giúp thực khách hình dung được thực đơn rõ ràng hơn. Doanh thu của nhà hàng này đã tăng đáng kể sau đó. Từ ấy, việc trưng bày những món ăn giả được áp dụng vào trong kinh doanh, cho đến tận ngày nay. Nhờ có đồ ăn giả, bạn không còn phải cố vắt óc phỏng đoán và mường tượng ra hình dạng món ăn khi cầm tờ thực đơn nữa. Không những trông vô cùng hấp dẫn, đồ ăn giả còn thể hiện chính xác kích thước và màu sắc của món ăn, đồng thời bảo đảm về chất lượng của nó. Nếu đĩa thức ăn của bạn trông không giống như đồ giả trưng bày ngoài kia, bạn có quyền gửi trả lại nó cho đầu bếp và yêu cầu làm lại.
Ngành công nghiệp thực phẩm nhân tạo xuất hiện khi người sáng lập đầu tiên, Ryuzo Iwasaki, bắt đầu đem rao bán sản phẩm của mình ở Osaka năm 1932. Sau khi đạt được một vài thành công trong thành phố lớn này, ông chuyển về sống ở quê hương là Gifu và bắt tay vào thực hiện xây dựng phát triển các mô hình đồ ăn giả, thứ mà sau này sẽ trở thành một đế chế công nghiệp thực phẩm nhân tạo rất thực dụng. Một bức tượng bán thân màu lục có kích cỡ lớn hơn một người đàn ông thật được dựng nên trên một khối đá lớn ngoài cổng chính của nhà máy Gujo, đôi mắt nhìn xa xăm về phía thế giới của thực phẩm nhân tạo, nơi có một con cá khổng lồ màu đỏ được trưng bày ở lối vào. Câu chuyện kể rằng, ngành công nghiệp thực phẩm nhân tạo được sinh ra bởi bàn tay tài hoa của Iwasaki từ sau khi ông nhìn thấy các mô hình giải phẫu bằng sáp, những đồ ăn giả cho các lớp học dinh dưỡng, và chất xúc tác cho khởi nguồn của thành công - món trứng rán bọc cơm đầu tiên - chính là giọt sáp nến rớt trên tấm chiếu tatami. Món trứng rán với sốt cà chua năm 1932 ấy vẫn còn được trưng bày tại nhà máy Gujo làm kỷ niệm. Nó trông vẫn còn rất sạch sẽ, tươi sáng và vô cùng hấp dẫn, cứ như thể vừa mới được làm vào hôm qua vậy.
Từ cái điều mà nhà hàng ở Tokyo thực nghiệm để quảng cáo sản phẩm ấy, con mắt của Iwasaki đã nhìn xa hơn, ông trông thấy được cả một ngành công nghiệp lớn trong tương lai. Và thật vậy, cho tới tận ngày nay, công ti của ông đã cung cấp khoảng 80% nhu cầu của thị trường Nhật Bản, doanh thu lên đến hàng tỉ yen một năm. Hàng tỉ yen, “billions”, bắt đầu với con chữ B trong tiếng Anh thật to. Với hàng chục chi nhánh phân bố trên toàn quốc, hơn 300 nhân công, những người kế thừa Iwasaki đang tìm kiếm một tương lai đa dạng, đa sắc màu hơn. Họ chú trọng mở rộng thị trường sang nước ngoài - đặc biệt là Trung Quốc - với những sản phẩm như thức ăn chăn nuôi giả, và thậm chí là giúp chính phủ Nhật Bản làm các mẫu dược phẩm giả để dùng cho việc đào tạo.
Thực phẩm nhân tạo không chỉ dành cho các nhà hàng để trưng bày. Chúng còn được dùng trong truyền thông, quảng cáo và chụp ảnh, đặc biệt là kem lạnh và tô mì. Kem thường dễ bị chảy còn tô mì thật rất khó để giữ chúng không bị đổ khi nhảy nhót mà mặc kimono, vì vậy mới cần đến đồ giả.
Vậy, làm thế nào để biến đồ ăn từ thật thành nhựa? Thông thường, đồ ăn giả được bắt đầu từ một món thật. Đôi khi các bản phác thảo được làm chính xác đến từng chi tiết, từng vị trí đặt các phần thức ăn lên đĩa. Những bức ảnh được chụp phải thể hiện được đầy đủ các màu sắc của món ăn, các nhà hàng hoặc khách hàng phải thường xuyên đem thức ăn thật đến nhà máy để có một mẫu vật đẹp và tốt nhất. Còn nếu không, mẫu vật sẽ bị gửi trả lại. Thức ăn sau đó được đưa vào một hộp đúc, rồi đổ silicon lên trên để tạo khuôn. Khi silicon đã đông lại, người ta cậy miếng thức ăn ra, rồi đổ chất nhựa lỏng - vinvyl chloride - vào khuôn, đem bỏ vào lò nung nóng để nhựa cứng lại. Sau đó, người ta tách mô hình ra khỏi khuôn, làm lạnh và phun sơn bằng tay.
Việc sản xuất thực phẩm nhân tạo thường đòi hỏi phải sử dụng các phương pháp tương tự như khi chuẩn bị nấu nướng thức ăn thật. Cắt rau nhựa bằng các con dao làm bếp, nén chặt gạo để làm sushi bằng tay y như các đầu bếp sushi chuyên nghiệp, hoặc thậm chí họ - những người nghệ sĩ - còn dám đi xa hơn nữa: rắc bột cà-ri bằng nhựa để món ăn giả trông giống thật nhất.
Tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng với ông Kunita Tadao thuộc công ti Asahi Sample Kobo, người có những kiến thức về thực phẩm nhân tạo thuộc vào hàng chuyên nghiệp. Một trong những điều khó khăn nhất khi làm lại là những thứ trông có vẻ dễ dàng nhất. Ví dụ như, uiro, một khối bánh chữ nhật màu hồng trơn nhẵn với nhân đậu đỏ luộc ở trong. Vấn đề ở đây là phải lấy đúng lượng đậu nhồi vào miếng bánh hồng để trông giống thật, việc này không dễ như khi nhìn chút nào. Việc nhồi đậu vào đúng chỗ để có thể nhìn thấy chúng qua lớp bánh mỏng đòi hỏi cả một công đoạn tỉ mẩn cẩn thận. Một ví dụ khác nữa là bankuhen, món bánh mì cuộn với hàng tá những sợi bánh dài, mỏng, cuộn thành hình tròn. Phần khó khăn là phải làm sao cho kết cấu ở đầu và cuối món cuộn trông có vẻ hơi thô và không quá tròn. Nếu phần cắt ở đầu và cuối quá tròn hoặc quá phẳng sẽ trông không giống thật chút nào. Vì vậy, để có được hiệu quả cao, ông dùng một miếng bọt biển chà xát bên ngoài lớp bánh cho đến khi nó thô ráp hơn một chút.
Thách thức lớn nhất của ông, cũng như khoái cảm nghệ thuật của ông, giống như những người nghệ sĩ tạo đồ ăn giả khác, đều từ việc làm cho món cá nhựa trông tươi mới và giống y như thật. Những mẫu cá thật ở Sample Village Iwasaki rất tuyệt vời, chúng trông như thể vừa nhảy ra khỏi nước và ngồi lên giá trưng bày vậy. Để thử thách chính mình và thể hiện trí tưởng tượng phong phú, mỗi năm nhà máy Gujo đều tổ chức một cuộc thi để tìm ra xem ai làm được món ăn giả thú vị nhất. Cuộc thi này là nơi để những nhà nghệ sĩ thực thụ thể hiện bản thân, vì việc làm đi làm lại những món ăn cũ kỹ vẫn chưa đủ. Ở đây, đồ ăn thông thường sẽ không đủ độc đáo và đáng nhớ để thu hút ban giám khảo. Những ý tưởng mới lạ, sáng tạo lại được đề cao hơn, ví dụ như, một con rồng làm từ những sợi mì, một con Godzilla từ món tempura, hoặc như món Medama Oyaji (đó là một người đàn ông với cái đầu là một con mắt trần truồng ngồi trong bát soba, nếu bạn không phải là manga fan). Cách mà họ, những người làm đồ ăn giả, có thể khiến thời gian bị “đông cứng” lại - một chiếc dĩa hay một đôi đũa treo lửng lơ trên không trung để gắp món ramen hoặc spaghetti, một món đồ uống đang đổ vào cốc dang dở - thật sự là một niềm cảm hứng lớn. Một trong những ứng dụng của hiệu ứng “đông cứng thời gian” là hình ảnh miếng pizza đang bị kéo khỏi đĩa bằng một bàn tay vô hình, hoặc món mozzarella vẫn còn nóng hổi bị nhấc lên trên, từng vệt pho mát lỏng chảy xuống đáy chảo. Đây chắc chắn là những thứ bạn không được học ở trường nghệ thuật.
Medama Oyaji
Hiệu ứng "đông cứng thời gian"
Đa số các nhà máy thực phẩm nhân tạo và bảo tàng của Gujo đều có cung cấp các lớp học, gọi là taiken, nơi bạn có thể học để tự tay làm một món tôm tempura, sushi, hay rau diếp cho riêng mình. Những thức ăn được thực hành này tất cả đều làm từ sáp, thay vì nhựa, vì nó rẻ, an toàn, dễ thao tác, dễ tái chế. Nó trông gần giống với các phiên bản làm bằng nhựa, nhưng yếu hơn nhiều và không để được lâu, đặc biệt là trong tay của bọn trẻ nhỏ. Ngày xưa, đồ ăn giả được làm bằng sáp và vì thế, thời hạn sử dụng của chúng rất hạn chế. Sáp không tốt, thường bị mất màu, tan chảy hoặc bị biến dạng khi gặp nhiệt độ cao. Nhựa được sử dụng này nay bền, có thể giữ nguyên hình dạng và màu sắc được một thời gian rất lâu, và còn lâu hơn nữa nếu được bảo quản tốt và tránh ánh sáng trực tiếp.
Không ngạc nhiên gì khi đa số những người sản xuất đồ ăn giả đều là phụ nữ. Các công ti làm mẫu đồ ăn muốn tìm chọn những người thích nấu ăn và ăn uống. Phụ nữ Nhật theo truyền thống thường xuyên phải mua bán thức ăn và nấu ăn hơn là nam giới. Những nghệ sĩ làm đồ ăn giả phải cẩn thận, tỉ mẩn đến từng chi tiết, và có ý tưởng tốt, sáng tạo trong việc tìm tòi cách thức làm đồ ăn nhân tạo sao cho thật tươi mới và giống thật. Đứng xem bọn họ sáng tạo các thành phẩm bằng nhựa thật sự rất tuyệt vời. Họ có những bí quyết riêng qua nhiều năm học hỏi và nghiên cứu, thoạt trông có vẻ dễ, vì họ làm những món tôm phủ tempura chỉ trong vài giây và món rau diếp chỉ trong vài phút. Những kỹ thuật mà họ đang nắm giữ hẳn là thành quả sau bao lần thử nghiệm và thất bại, và bạn sẽ phải tự hỏi rằng họ đã mất bao nhiêu thời gian làm đi làm lại mà vẫn thất bại trước khi đến được với thành công. Khi làm việc, họ cực kỳ tập trung, sự im lặng chỉ bị ngắt quãng bởi máy phun hoặc súng nhiệt. Ở đây họ không dùng nhiều keo dán, họ chỉ đơn giản gắn các mảnh nhựa lại với nhau và dính vào như một thứ ma thuật kỳ diệu.
Hiện nay, Gujo vẫn là một “điểm nóng” của thực phẩm giả. Đó là vì, cho dù công ty đã mở rộng đến mọi ngóc ngách của đất nước, nhưng mỗi nhà máy của Gujo lại chuyên cung cấp những loại thực phẩm riêng biệt. Nhà máy này có thể chiếm một góc đứng trong thị trường nhờ món tempura tôm, hay nhà máy kia lại có thể làm món rau diếp một cách hoàn hảo. Đây chính là điểm đặc biệt của nhà máy Sample Village Iwasaki. Khi một nhà máy của Iwasaki trực thuộc tại Hokkaido nhận được đơn đặt hàng cho một món ăn nhất định từ một nhà hàng, các nhà máy Gujo sẽ gửi những phần thức ăn mà họ chuyên làm đến Hokkaido, giống như là một dây chuyền lắp ráp từng bộ phận để thành xe hơi, qua tay hàng chục công ti sản xuất vậy.
Nếu bạn đang ở Nhật Bản và đã từng được bạn bè, gia đình tặng những món đồ Nhật truyền thống, vậy sao bạn không thử làm một món đồ lưu niệm omiyage từ đồ ăn giả nhỉ? Sample Village Iwasaki ở Gujo có rất nhiều loại thức ăn giả, móc chìa khoá hoặc nam châm dính tủ lạnh cho bạn tha hồ lựa chọn. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn đi cả một quãng đường xa đến vậy, hãy đến quận Kappabashi phía đông bắc Tokyo, đặc biệt là Maizuru, trụ sở chính của tất cả những cửa hàng thực phẩm giả. Ở đây bạn có thể thấy một số lượng lớn và đa dạng các loại thức ăn, thức uống giả ở tất cả các hình dạng, kích thước mà bạn có thể tưởng tượng. Maizuru có một trang web dành riêng cho người Nhật (www.maiduru.co.jp/), nơi bạn có thể đặt hàng các loại hàng hoá bạn muốn, và được giao đến tận nhà bạn. (Sự khác biệt trong tên không phải do lỗi đánh máy. Dường như họ không quyết định được chính xác tên hãng trong tiếng Anh.)
Từ những món đồ lưu niệm xinh xắn...
...cho đến Iphone 4??
Một điều duy nhất mà thực phẩm nhân tạo không thể bắt chước được thực phẩm thật. Đó chính là mùi thơm của thức ăn. Thế nhưng, thức ăn giả đã hoàn thành nhiệm vụ chính của nó: khiến cái bụng của bạn cồn cào. Vì vậy, lần sau, nếu bạn thấy thức ăn giả được trưng bày ngoài nhà hàng, hãy nhìn ngắn nó thật kỹ và đánh giá cao chất lượng của nó, vì biết đâu đấy, một số trong chúng đến từ Gujo Hachiman thì sao?
- Steve Edwards -
AmySnow- Total posts : 355
Re: [Ẩm thực] Mô hình đồ ăn giả ở Nhật Bản
Delicious Vinyl: Japan's Plastic Food Replicas
(Nguồn)
(Nguồn)
Dịch: Earlpanda.
.
.
Cũng giống như bất kỳ người bếp trưởng chuyên nấu ăn thượng hạng nào, ngài Bếp Trưởng - vâng, ông ấy rất đa tài - đặc biệt quan tâm đến phần trình bày của món ăn, vì ông biết rằng, đối với một món ăn, trình bày đẹp cũng quan trọng không kém gì hương vị. Ở Nhật Bản, có lẽ nó còn quan trọng hơn nữa.
Lần này, ngài Bếp Trưởng đang bận rộn với hoá chất và sơn màu trong một cửa hàng chuyên làm thực phẩm nhân tạo để tạo điều kiện cho thực khách dễ dàng chọn món ăn. Vấn đề đau lòng duy nhất là bạn sẽ rời khỏi cửa hàng này, với dạ dày trống rỗng.
Lần này, ngài Bếp Trưởng đang bận rộn với hoá chất và sơn màu trong một cửa hàng chuyên làm thực phẩm nhân tạo để tạo điều kiện cho thực khách dễ dàng chọn món ăn. Vấn đề đau lòng duy nhất là bạn sẽ rời khỏi cửa hàng này, với dạ dày trống rỗng.
Fumiyoshi Nagao cầm vây con cá, nhấc nó lên rồi thả lại xuống đĩa ăn, khiến món củ cải daikon cắt nhỏ cùng mấy thứ rau trang trí khác bị xô lệch một chút. Phần còn lại của đĩa là những lát sashimi béo ngậy, xếp thành từng bộ, mỗi bộ bốn miếng.
“Có lẽ là nên xếp nó lên cao thêm tí nữa”, người đàn ông 54 tuổi ấy nói. Ông nhấc vây lưng của con cá rồi lật nó lên. “Hoặc là món daikon bị xê dịch một chút rồi. Phần trình bày đĩa thức ăn lúc nào cũng là vấn đề lớn. Khách hàng luôn muốn nó trông thật giống như nguyên gốc món thật, hoặc là đẹp hơn.”
Nghe qua thì giống như trong một lớp học nấu ăn vậy, nhưng thực ra không phải đâu.
Con cá này vốn được làm bằng nhựa dẻo - vinyl chloride. Và, chính xác hơn, cửa hàng nhỏ ở Otsuka, Tokyo này không giống như những quán ăn thông thường. Công ti của ông Nagao, Nagao Shoken, chuyên làm các mô hình đồ ăn bằng nhựa mà chúng ta vẫn thường thấy trên các kệ hoặc tủ kính nơi lối ra vào của những nhà hàng tại Nhật Bản.
Tuy rằng công việc của ông có liên quan đến thức ăn, nhưng cửa hàng của ông lại chẳng có vẻ gì giống một căn bếp cả: những khuôn silicon xếp thành hình kim tự tháp nằm chỏng chơ ở một bên, hàng chục chai xà phòng rửa bát đủ màu sắc, chổi sơn, những hộp sơn dán nhãn tên các loại rau củ, và các lọ hoá chất chất đầy trên hai mặt bàn.
Nagao tự nhận mình là một “nghệ nhân bản sao”. Công việc của ông là sao chép lại y nguyên các món ăn nhằm mục đích loại bỏ sự nghi ngờ về chất lượng thực phẩm của thực khác, đồng thời thu hút khách mua hàng.
“Khi chúng ta, những khách hàng, đến một nhà hàng nào đó, thật dễ dàng để gọi món với những mô hình đồ ăn giả này”, ông giải thích, bộ đồ trên người dính đầy những giọt sơn nhỏ, “Còn nếu không, chúng ta buộc phải đoán mò các món ăn dựa trên tờ thực đơn.”
Đây là một công nghệ của Nhật Bản đã được hoàn thiện và phát triển suốt hơn chín mươi năm qua. Các sản phẩm cuối cùng trở thành một yếu tố để định hướng các món ăn.
Từ súp cho đến quả hạch, những mô hình nhân tạo này được hoàn thành dễ dàng và nhanh chóng đến mức đáng ngạc nhiên.
Những khách hàng của Nagao cần gửi cho ông một danh sách chi tiết về thành phần các món ăn mà họ muốn làm giả, đi kèm với ảnh. Silicon được đổ xung quanh từng miếng thức ăn một - ví dụ như, một miếng bánh hamburger hay một lát cá mỏng - trong một cái chảo nằm trên lò nướng. Silicon đông cứng lại trở thành khuôn của miếng thức ăn.
Vinyl lỏng, tuỳ màu sắc cần thiết, được đổ vào khuôn trống. Sau đó, đem khuôn bỏ vào lò, vivyl sẽ cứng lại trong khoảng mười đến ba mươi phút. Một khẩu súng hơi được dùng để cậy miếng vinyl mềm ra khỏi khuôn.
Phần khó khăn nhất trong công việc chính là sự tỉ mẩn. “Sau khi làm khuôn từ silicon, phần khó tiếp theo là phải tạo chi tiết cho mẫu vinyl”, Nagao nói, “Ví dụ, những cái xương ở vây con cá”.
Những phần vinyl thừa được cắt bỏ bằng kéo. Các lọ sơn dầu và tuýp màu dùng để tô thêm các chi tiết cho giống màu trong ảnh. Phun sơn để màu sơn được đồng đều và khiến sản phẩm trông thật tự nhiên.
Một món ăn được lắp ghép từ các mảnh vinyl khác nhau. Ví dụ, con cá nói trên, nó được ghép một cách cẩn thận từ các bộ phận riêng lẻ: vây, đuôi, cơ thể và đầu. Sau đó chúng được xếp cùng với các miếng daikon cắt nhỏ, những món rau trang trí khác, và các lát sashimi. Cách làm tương tự đối với món bánh hamburger, miếng chả và khoai tây chiên. Toàn bộ quá trình công việc chỉ mất vài giờ đồng hồ.
Những thức ăn mềm, ví dụ như ramen, thịt lợn hoặc bia, được bỏ qua giai đoạn làm khuôn. Đối với ramen, việc phải làm là trộn với những vật liệu sẵn có. Món mỳ từ vinyl, thịt lợn nướng vinyl (chashu), và hành vinyl (negi) cho vào cùng với bát nước dùng từ vinyl có màu giống món ramen cần làm, có lẽ là shoyu (đậu nành) hoặc tonkotsu (xương lợn hầm). Sau khi rời khỏi lò, sản phẩm cuối cùng dày khoảng một inch, đặt vào trong bát ramen thông thường.
Những khách hàng của Nagao rất khó tính. Vì vậy, khi làm việc, ông luôn luôn chú ý đến sự ảnh hưởng của ánh sáng lên màu sắc sản phẩm của mình. Đồng thời, ông phải bảo đảm những vật liệu cần thiết luôn sẵn có để dùng. Ví dụ như, miếng thịt lợn nướng giả có những đường vân trắng đến từ các nơi khác nhau.
Các món ăn làm theo đơn đặt hàng thường không dùng chung một khuôn, mặc dù đôi khi có trường hợp xảy ra. “Tuần trường một chuỗi các rạp chiếu phim muốn đặt hàng hơn 100 chiếc xúc xích”, Nagao giải thích.
Khối lượng công việc thay đổi mỗi tuần. Nó phụ thuộc vào sự phức tạp và chính xác đến từng chi tiết của món ăn đặt hàng. Nhưng Nagao đoán rằng ông có thể làm khoảng một trăm đến hai trăm đơn đặt hàng mỗi tuần.
Chi phí những món ăn giả này cũng thay đổi đáng kể. Đĩa cá nói trên giá sẽ khoảng 28,000 yen. Một miếng sushi duy nhất giá 800 yen, dù miếng ebi (tôm) có giá cao hơn một chút (1,000 yen). Sẽ tính thêm tiền nếu sử dụng đĩa gốm hoặc tấm gỗ cứng để đặt sushi.
Nagao và hơn nửa tá nhân viên của mình khiến căn phòng của cửa hàng - cũng chính là tầng một nhà Nagao - trông như một lớp học nghệ thuật vậy.
“Chẳng cân xứng tẹo nào”, Nagao nói, tay bóp ống kem tươi ra khỏi tuýp cho vào đĩa làm món kem giả. Trong khi đó, con trai ông, người sau này sẽ kế nghiệp cha, đang dùng khẩu súng bắn hơi để cậy miếng dưa giả ra khỏi khuôn đúc.
Khắp căn phòng tràn ngập mùi sơn và hóa chất.
Takizo Iwasaki được cho là người đã tạo ra các mẫu thực phẩm nhân tạo đầu tiên từ đầu thế kỷ trước. Ban đầu là lấy cảm hứng từ hình dạng do sáp nến chảy xuống tấm chiếu tatami, sau đó ông chế tạo thành món trứng cuộn cơm tại tỉnh Gifu năm 1917. Năm 1932, ông thành lập công ti TNHH Iwaski ngày nay - công ti đang nắm giữ hơn năm mươi phần trăm thị trường thực phẩm nhân tạo.
Kể từ đó đến nay, công nghệ đã tiên tiến hơn. Cho đến giữa thập niên tám mươi, paraffin được dùng thay vinyl. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay nhiệt độ cao, paraffin có thể trở nên giòn hoặc màu sắc bị phai nhạt dần. Vinyl clorua có thể để gần như là mãi mãi. Nagao vẫn còn giữ khối paraffin màu vàng và trắng trong cửa hàng của mình, nhưng giờ đây nó chỉ đơn thuần là những mảnh kỷ niệm.
Nagao bắt đầu sự nghiệp của mình vào cuối những năm sáu mươi, khi ông tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Trong sáu năm, ông đã học được kỹ thuật làm khuôn silicon. Sau đó, ông dành năm năm tiếp theo để hoàn thiện cách thức lắp ghép các miếng paraffin. Nagao Shoken được thành lập sau đó vào năm 1980 do Nagao làm chủ sở hữu.
Izakayas, các hệ thống siêu thị, nhà hàng khắp đất nước Nhật Bản là khách hàng chính của ông, mặc dù ông vốn đã có đầy những đơn đặt hàng từ các nhà hàng sushi ở tận Úc. Có lẽ công việc thú vị nhất của ông là khi một cửa hàng bách hoá đặt đơn là những con giun giả để quảng cáo cho thuốc diệt côn trùng. Du khách có thể tìm thấy những miếng bánh pudding nhỏ hoặc những lát pizza lủng lẳng trên các móc điện thoại di động (khoảng 800 yen) khi đến thăm những cửa hàng lưu niệm tại sân bay Narita.
Qua hơn ba thập kỷ, Nagao vẫn không thay đổi quan niệm của mình đối với thực phẩm. Nhưng ông thừa nhận bản thân có nhìn những mô hình giả kỹ hơn bình thường mỗi khi ra ngoài ăn tối.
“Tôi đôi khi tự hỏi liệu một bếp trưởng có thể khiến món ăn trông đẹp như mô hình giả ngoài cửa sổ kia không”, ông nói.
AmySnow- Total posts : 355
Similar topics
» Ẩm thực] Các loại nấm trong ẩm thực Nhật Bản
» [Ẩm thực] Cá nóc trong ẩm thực Nhật Bản
» [Ẩm thực] 24 Món ăn đường phố Nhật Bản
» [Ẩm thực] Agemono: 9 món ăn Nhật khiến con tim bạn tái tê
» [Ẩm thực] 18 Món ăn trong các bữa tiệc Nhật Bản
» [Ẩm thực] Cá nóc trong ẩm thực Nhật Bản
» [Ẩm thực] 24 Món ăn đường phố Nhật Bản
» [Ẩm thực] Agemono: 9 món ăn Nhật khiến con tim bạn tái tê
» [Ẩm thực] 18 Món ăn trong các bữa tiệc Nhật Bản
Page 1 of 1
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum