oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Film genre] War Film - Phim Chiến Tranh

Go down

 [Film genre] War Film - Phim Chiến Tranh  Empty [Film genre] War Film - Phim Chiến Tranh

Post by .Kei. Sat Nov 08, 2014 1:11 pm


>>






Phim chiến tranh

>>





Phim chiến tranh là thể loại phim có nội dung liên quan đến chiến tranh: chiến đấu trên biển, trên không hoặc trên đất liền; có đôi khi tập trung vào các tù nhân chiến tranh, hoạt động bí mật của quân đội, huấn luyện quân sự hoặc các chủ đề có liên quan; có những phim chỉ xoay quanh đời sống thường ngày của quân nhân, hoặc của dân thường trong thời chiến mà không phải về các trận chiến. Cốt truyện của loại phim này có thể là hư cấu, dựa trên lịch sử, tài liệu kịch tính, tiểu sử và thậm chí là lịch sử giả tưởng. Các chủ đề thường thấy gồm có: chiến đấu, sự sinh tồn, trốn thoát khỏi nơi nào đó, sự hi sinh đáng quý, sự vô ích và vô nhân đạo của chiến tranh hay những vấn đề đạo đức của loài người mà chiến tranh đã tạo ra.



Thuật ngữ phim chống chiến tranh (anti-war film) được dùng để chỉ các bộ phim giúp khán giả thấy được nỗi đau của con người và sự kinh khủng của chiến tranh, thường là từ góc độ chính trị hay tư tưởng, để giảng giải ý kiến về một trận chiến nhất định (ví dụ như Chiến tranh Việt Nam) hoặc là để nêu lên khái niệm tổng thể về chiến tranh nói chung.





Thể loại


John Belton đã xác định bốn yếu tố tự sự chính của thể loại phim chiến tranh do Hollywood sản xuất: a) Sự thiếu hụt lòng nhân đạo giữa người với người trong thời chiến - b) Lợi ích của tập thể được đề cao hơn lợi ích cá nhân - c) Sự đối địch giữa các nhóm đa số là nam giới cũng như sự hạ thấp quyền lợi và địa vị của nữ giới - d) Sự tái hòa nhập cộng đồng của các cựu chiến binh. Học giả chuyên nghiên cứu về phim ảnh, Kathryn Kane, đã chỉ ra điểm tương đồng giữa hai thể loại phim chiến tranh và phim viễn tây (western film): sử dụng các bối cảnh tương phản như chiến tranh - hòa bình, sự văn minh - sự man rợ; nhưng phim chiến tranh thường dùng bối cảnh Thế chiến thứ hai để thể hiện sự mâu thuẫn giữa thiện và ác qua hình tượng Quân đồng minh và Phát xít, còn phim viễn tây tập trung vào xung đột giữa người định cư 'văn minh' và người bản xứ 'man rợ'. Nhà sử học điện ảnh, Jeanine Basinger, thì cho rằng một thể loại phụ gọi là 'phim cận chiến chiến tranh thế giới thứ hai' đã bắt đầu xuất hiện từ 1943, chủ yếu mô tả chi tiết hơn các hoạt động quân sự, đặc biệt là chiến đấu vũ trang, trong khi phim chiến tranh thông thường không đi sâu vào các cảnh này.





Lịch sử



~ Thời kì đầu ~
Một trong những bộ phim câm có ảnh hưởng lớn nhất thời kì đầu thế kỉ XX là The Birth of a Nation (1915), đặt ra nhiều chuẩn mực cho thể loại phim chiến tranh nói riêng cũng như phim dùng hình ảnh chuyển động nói chung; nó được đánh giá là 'một bộ phim vĩ đại ra đời từ một mục đích khủng khiếp'. Phần mở đầu với cảnh phản đối và hình ảnh bạo lực làm cho nó trở thành một trong những bộ phim đầu tiên chứng minh tiềm năng gây ảnh hưởng bất lợi của điện ảnh lên toàn nền văn hóa đại chúng. Đáng chú ý là trong phim người ta dùng cách miêu tả cuộc Nội chiến Hoa Kì tương tự như diễn biến của Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến mà cùng thời điểm nó ra đời, đang diễn ra ở bên kia bờ Đại Tây Dương.



Từ 1914 đến 1918, cả hai phe Liên minh Trung tâm [1] và Đồng minh đều sản xuất nhiều phim tài liệu chiến tranh, thường được sử dụng như một loại công cụ chính trị ở các nước trung lập, như Mĩ. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất thời này này là The Battle and Fall of Przemysl (1915), do Albert K. Dawson quay ở Mặt trận phía Đông; bản thân ông giữ vị trí nhiếp ảnh gia chiến tranh chính thức của phe Liên minh Trung tâm, đặc biệt là quân đội Đức, Áo, Bulgari; các bộ phim tài liệu của ông do công ty The American Correspondent Film chịu trách nhiệm sản xuất.


~ Thập niên 20 và 30 của thể kỉ 20 ~
Charlie Chaplin đã tham gia vào bộ phim Shoulder Arms (1918), được xem là bộ phim hài chiến tranh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới. Phim ảnh trong vài năm sau khi Chiến tranh Thế giới I kết thúc thường nhấn mạnh sự kinh hoàng và vô nghĩa của chiến tranh, đáng chú ý nhất là The Big Parade (1925)What Price Glory? (1926). Trong thời đại phim có tiếng thì các phim như: All Quiet of the Western Front (1930, Mĩ), phiên bản có bối cảnh đen tối hơn là Westfront (1926, Đức), Road to Glory (1936), Grand Illusion (1937) thì tập trung mô tả sự ảnh hưởng tàn khốc của chiến tranh tới quân nhân ngoại quốc (ngoài nước Mĩ), trong khi đó Hollywood cho ra đời nhiều phim hài về quân nhân nước Mĩ như Doughboys (1930) do Buster Keaton diễn chính, Half Shot at Sunrise (1930) do Wheeler và Woolsey diễn chính, Flight (1930) doFrank Capra đạo diễn, nó là một câu chuyện hấp dẫn về chuyện Hải quân Mĩ đã dẹp bỏ nổi loạn ở Trung Mĩ, Trung Quốc và quần đảo Thái Bình Dương, The Leathernecks Have Landed (1936) Tell It to the Marines (1926). Các bộ phim khác thì tập trung vào yếu tố cơ bản cố hữu của điện ảnh thời này là có các thành tựu công nghệ mới và nói về tinh thần không chiến đã lu mờ, như Wings (1927), Hell's Angels (1930) The Dawn Patrol (hai phiên bản: 1930, 1938).


~ Thập niên 40 của thể kỉ 20 ~
Những bộ phim chiến tranh nổi tiếng trong thời kì Chiến tranh Thế giới II được sản xuất ở Anh và Đức thường là phim tài liệu, hoặc nửa tài liệu nửa phim truyện (semi-documentary); như The Lion Has Wings, Target for Tonight (Anh) Sieg im Westen (Đức).



Tới đầu thập niên 40, ngành điện ảnh nước Anh bắt đầu xu hướng kết hợp các công nghệ của phim tài liệu và cốt truyện hư cấu trong làm phim, như In Which We Serve (1942), Millions Like Us (1943) The Way Ahead (1944). Một số phim khác thì dùng bối cảnh phim hư cấu để ẩn dụ thông điệp tuyên truyền: như thông báo người dân cần cảnh giác (Went The Day Well?) hoặc cần tránh 'trò chuyện một cách vô tư' (The Next of Kin).



Ngày 16/9/1940, Quốc hội Mĩ ban hành 'Đạo luật Đào tạo và Tuyển binh năm 1940' (Selective Training and Service Act of 1940), đạo luật cưỡng chế phục vụ quân sự thời bình đầu tiên trong lịch sử nước này. Hollywood đã phản ánh sự quan tâm của cộng đồng nước Mĩ tới chế độ này qua việc hầu như mọi studio đều sản xuất một số phim hài quân đội trong năm 1941 với các danh hài mà họ có. Hãng Universal Pictures, với cặp đôi Abbott và Costello, cho ra đời bộ phim đầu tiên Buck Privates rồi sau đó thêm hai phim In the Navy Keep 'Em Flying, bộ ba phim đưa cặp đôi này trở nên nổi tiếng. Hãng Paramount Pictures có Caught In The Draft (Bob Hope diễn chính). Hãng Warner Brothers có You're In The Army Now (Phil Silvers và Jimmy Durante diễn chính). Hãng Columbia Pictures có You'll Never Get Rich (Fred Astaire diễn chính). Hal Roach bắt đầu series phim hài với cặp đôi William Tracy và Joe Sawyer bằng phim Tanks a Million. Hãng 20th Century Fox có Great Guns (bộ đôi Laurel và Hardy diễn chính). Các studio cỡ nhỏ như: Republic Pictures có Rookies on Parade (Bob Crosby và Eddie Foy Jr diễn chính); Monogram Pictures có Top Sergeant Mulligan (Nat Pendleton diễn chính). Tuy nhiên, The Three Stooges là những diễn viên lên màn ảnh rộng đầu tiên trong thể loại này với phim Boobs in Arms.



Các phim năm 1941 có bao gồm cảnh huấn luyện Lực lượng Kị binh Hoa Kì (U.S. Cavalry)có: The Bugle Sounds của hãng MGM, Parachute Battalion của hãng RKO, I Wanted Wings của hãng Paramount Pictures và Dive Bomber của hãng Warner Brothers. Hãng 20th Century Fox đã sản xuất bộ phim trước chiến tranh cuối cùng về Thủy quân lục chiến Hoa Kì là To The Shores of Tripoli. Khi trận Trân Châu Cảng xảy ra, studio này đã quay lại cảnh cuối bộ phim, thay đổi là John Payne tái nhập ngũ và cha anh ta đã bảo "Hạ một tên Nhật giúp ta".



Trước Trân Châu Cảng, Warner Brothers sản xuất phim Confessions of a Nazi Spy, trong khi PRC cho ra đời Hitler, Beast of Berlin. Người ta đã dùng phép ẩn dụ trong bộ phim Sergeant York (Gary Cooper diễn chính) cho thấy cuộc đời một tên du côn miền núi trở thành một người theo chủ nghĩa hòa bình như thế nào, York đã so sánh giữa Kinh Thánh với lịch sử Hoa Kì và cuối cùng đưa ra quyết định rằng dùng tài năng của mình để chống lại quân Đức là đúng đắn.



Sau khi Hoa Kì tham chiến vào năm 1941, Hollywood bắt đầu thời kì sản xuất hàng loạt phim chiến tranh. Nhiều phim thuộc thời kì đầu thập niên 40 được làm chủ yếu để kỉ niệm sự thống nhất nước Mĩ cũng như chống đối kẻ thù. Một trong những đặc trưng của thể loại phụ phát triển lúc này là một bộ phận tiêu biểu dân chúng Mĩ có cùng mục đích là ủng hộ lợi ích chung của đất nước, ví dụ như hưởng ứng lệnh tổng động viên của chính phủ.



Ngành công nghiệp điện ảnh Mĩ cũng đã sản xuất nhiều bộ phim nhằm tuyên dương sự hùng mạnh của các nước đồng minh, như Mrs. Miniver (về một gia đình người Anh ở hậu phương), Edge of Darkness (về cuộc kháng chiến Na Uy), The North Star (về Cộng hòa Xô viết và Đảng Cộng sản nước này). Tới thời kì hậu chiến thì người ta thường dựng phim chất lượng cao và sâu sắc hơn, dựa trên những quyển sách nổi tiếng, có hàm ý tán dương những giá trị lâu dài, như Guadalcanal Diary (1943), Thirty Seconds Over Tokyo (1944) They Were Expendable (1945). Các ngôi sao điện ảnh đảm nhiệm các vai cả chính lẫn phản diện, như Greer Garson, Cary Grant, James Cagney, Raymond Massey, Basil Rathbone, Walter Slezak, Dana Andrews, Don Ameche, Richard Loo, Humphrey Bogart, Paul Henreid, Richard Conte, Anthony Quinn và người nổi tiếng nhất thời đại này, John Wayne.


~ Thập niên 50 của thể kỉ 20 ~
Những năm sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, phim ảnh chủ yếu thuộc thể loại biểu dương tinh thần yêu nước, thường dùng bối cảnh chiến tranh làm nền cho những câu chuyện phiêu lưu kịch tính, có một bộ phận lấy từ cốt truyện phim của thập niên trước. Nhiều phim của Anh là dựa trên chuyện có thật, như The Dam Busters (1954), Dunkirk (1958), Reach for the Sky (1956, về Doughlas Bader) Sink the Bismarck! (1960). Bởi hậu quả của chiến tranh nên lúc này Hollywood tránh làm phim hành động mà thay vào đó đi sâu hơn vào cuộc đời của các quân lính đã giải ngũ, cho ra đời rất nhiều phim hay như The Best Years of Our Lives (1946), Battleground (1949), Home of the Brave (1949), Command Decision (1948)Twelve O'clock High (1949), với hai tựa phim sau cùng nói về các ảnh hưởng tâm lí hậu chiến và áp lực mà binh lính thường phải chịu đựng.



Đồng thời, Hollywood lúc này cũng tập trung hơn vào một số hình tượng anh hùng cá nhân hoặc sự hi sinh cao cả trong phim ảnh, như Sands of Iwo Jima (1949), Halls of Montezuma (1950) hay D-Day the Sixth of June (1956). Người ta cũng thường có xu hướng hướng tới những tình huống khuôn mẫu: một nhóm những người đa sắc tộc tập hợp lại nhưng không có sự phân biệt quá rõ ràng về vấn đề này, sĩ quan thượng cấp của họ thường có tính cách khó chịu và phi lí, hầu như bất kì người nào bày tỏ chuyện cá nhân - đặc biệt là kế hoạch sau này khi đã giải ngũ - sẽ chết sau một thời gian rất ngắn, hoặc những người hành xử một cách hèn nhát, không tận tụy thì hoặc là chết, hoặc là thay đổi theo thiên hướng dũng cảm, anh hùng hơn (hoặc cả hai). Hãng 20th Century Fox đã có rất nhiều bộ phim hiện thực đen trắng thành công, nói về những khía cạnh ít được biết tới hơn của chiến tranh, như The Frogmen, Go For Broke!, You're in the Navy NowDecision Before Dawn.



Ngoài ra, một nhóm số lượng lớn các phim dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng, với chất lượng cơ bản là phụ thuộc vào sự tương đồng với nguyên tác, khả năng của diễn viên, đạo diễn và của nhà sản xuất. Sức hấp dẫn của chúng đối với khán giả Mĩ là hầu như bao quát hết mọi nhánh của quân đội một cách trực quan; gồm có: The Bridges at Toko-Ri (1955), The Young Lions (1958), The Naked and the Dead (1958), Battle Cry (1955), Run Silent, Run Deep (1958), Captain Newman, M.D. (1963), The Caine Mutiny (1954), Away All Boats (1956), The Enemy Below (1957), From Here to Eternity (1953), Kings Go Forth (1958), Never So Few (1959), The Mountain Road (1960),In Harm's Way (1965).


~ Phim tù nhân chiến tranh ~
Một thể loại phụ trở nên nổi tiếng những năm 50 và 60 là phim tù nhân chiến tranh (prisoner of war, P.O.W), phim loại này thường kể lại chuyện có thật về tù nhân đã trốn thoát khỏi những trại giam (thường là của quân Đức) trong Chiến tranh Thế giới II; ví dụ như: The Wooden Horse (1950), Albert R.N (1953) The Colditz Story (1955). Hollywood cũng có sản xuất phim có bối cảnh này, như The Great Escape (1963) Stalag 17 (1953, hư cấu). Các bộ phim P.O.W hư cấu khác gồm có: The Captive Heart (1947), Bridge on the River Kwai (1957), King Rat (1965), Danger Within (1958), The Secret War of Harry Frigg (1968). Tuy nhiên cũng có trườn hợp lạ, đó là khi Anh quốc sản xuất The One that Got Away (1957) dựa trên câu chuyện của Franz von Werra, một phi công người Đức, đã trốn thoát thành công khỏi trại giam của phe Đồng minh.


~ Thập niên 60 và 70 của thể kỉ 20 ~
Đầu thập niên 60, những phim về các nhiệm vụ đặc công như The Gift Horse (1952), dựa trên Cuộc đột kích St. Nazaire và I'll Met by Moonlight (1956) đã trở thành nguồn cảm hứng cho các phim phiêu lưu hư cấu sau đó, dùng bối cảnh chiến tranh cho các màn hành động, như The Guns of Navarone (1961), The Train (1964), The Dirty Dozen (1967), Where Eagles Dare (1968)Hannibal Brooks (1969). Các tựa phim này có các diễn viên chính và sản xuất ở Mĩ, nhưng được quay ở Anh, cũng như cần có các nhân viên, diễn viên phụ và tư vấn chuyên môn từ nước này.



Cuối thập niên 60, nhiều bộ phim chiến tranh có ý nghĩa sâu sắc ra đời, như Ivan's Childhood (1962, của Anderi Tarkovsky), Bridge on the River Kwai (1957) Lawrence of Arabia (1962) (đều của David Lean); cũng như phong trào quay các phim sử thi nửa tài liệu, có quy mô lớn và dựa trên những trận đánh có thật, ở nơi có bối cảnh cũng như phí sản xuất rẻ hơn là thực địa châu Âu. Phong trào này đã bắt đầu từ khi Darryl F. Zanuck sản xuất bộ phim The Longest Day vào năm 1962, dựa trên ngày đầu tiên của Cuộc đổ bộ D-Day 1944 [2]. Một số ví dụ khác cho phong trào này gồm có: Battle of the Bulge (1965), Anzio (1968), Battle of Britain (1969), The Battle of Neretva (1969), Waterloo (1970), Tora! Tora! Tora!(1970) (dựa trên Trận Trân Châu Cảng), Midway (1976) A Bridge Too Far (1977).



Ở Nhật Bản, phim chiến tranh được quay dựa theo quan điểm nhà nước khá phổ biến, như Japan's Longest Day (1967), Submarine I-57 Will Not Surrender (1959) Battle of Okinawa (1971).



Ngoài ra, người ta đã dựng các phim chiến tranh hài như La Grande Vadrouille (1966)Kelly's Heroes (1970).



Mặc dù tình hình chiến sự ở vùng Đông Nam Á lúc này được đề cập đến trong Brushfire (1961, của Jack L. Warner), A Yank in Viet-Nam (1964, của Marshall Thompson)To the Shores of Hell (1966), hầu hết các studio của Hollywood tránh làm phim về chiến tranh Việt Nam, ngoại lệ là bộ The Green Berets (1968, John Wayne diễn chính) dựa trên một tựa sách best-selling của Robin Moore và dùng nhạc nền là 'Ballad of the Green Berets'. Từ đó, người ta không sản xuất phim chiến tranh Việt Nam cho tới phim Nam Angels (đồng tên The Losers, 1970, của Jack Starrett) được quay ở Philippines, dựa trên phim Too Late the Hero (1970, của Robert Aldrich).


~ Phim ảnh hậu chiến tranh Việt Nam ~
Khoảng những năm 1970, ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam làm giảm sự chú ý của khán giả nước Mĩ đối với thể loại chiến tranh hư cấu thời kì trước. Phim ảnh Mĩ được sản xuất trong và ngay sau khi chiến tranh kết thúc thường phản ánh cảm giác thất vọng của công chúng nước này với kết quả của cuộc chiến. Hầu hết các phim được quay sau khi chiến tranh đã kết thúc thì bắt đầu tập trung hơn vào ảnh hưởng kinh khủng của chiến tranh hơn các phim trước đó (điều này không có nghĩa không có phim chiến tranh của Mĩ nói về đề tài này trước đó, như đã để cập ở phần trên). Các phim của thời kì sau này như Catch-22 (bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai) và bộ phim hài châm biếm MASH (bối cảnh ở Hàn Quốc) cũng phản ánh một số điều trên. Một phim khác, Patton (1970), với cảnh về cuộc đời của Tướng George S. Patton, nhưng trong đó có ẩn dụ bình luận về cách mà ông chỉ đạo chiến tranh ở Bắc Phi và các chiến dịch Sicilian, chỉ ra hai mặt tốt và xấu của một mệnh lệnh được đưa ra. Bộ phim này đã đạt 7 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho George S. Scott (mà ông đã từ chối).



Trong thập kỉ tiếp theo, ngành điện ảnh Hoa Kì sản xuất nhiều phim chiến tranh phê phán hành động của chính phủ Mĩ ở Việt Nam, hoặc miêu tả các tội ác chiến tranh và tác dụng tiêu cực của chiến tranh đối với quân nhân nước nhà. Chúng là những phim có sự tham gia của diễn viên nổi tiếng nhất cũng như dưới sự chỉ đạo của đạo diễn tốt nhất, đạt được những thành công về cả hai mặt nghệ thuật và thương mại nhiều nhất, bao gồm:
Taxi Driver (1976) - Martin Scorsese đạo diễn, được đề cử 4 giải Oscar.

Coming Home (1978) - Hal Ashby đạo diễn, đạt 3 giải Oscar.

The Deer Hunter (1978) - Michael Cimino đạo diễn, đạt 5 giải Oscar, trong đó có giải dành cho Phim hay nhất.

Apocalypse Now (1979) - Francis Ford Coppola đạo diễn, đạt 2 giải Oscar.

Full Metal Jacket (1987) - Stanley Kubrick đạo diễn.

Hamburger Hill (1987) - John Irvin đạo diễn.

Casualities of War (1989) - Brian De Palma đạo diễn.
Trong hai thập niên 80 và 90, Oliver Stone đã làm một series 3 tập phim về Chiến tranh Việt Nam:
Platoon (1986) - đạt giải Oscar dành cho Phim hay nhất.

Born on the Fourth of July (1989) - đạt 2 giải Oscar.

Heaven & Earth (1993)
Một thể loại phụ khác cũng bắt đầu xuất hiện lúc này, phim ảnh chuyên miêu tả sự phi lí trong hành động can thiệp của Mĩ tới Việt Nam qua cách phản ánh vấn nạn quân nhân mất tích và trở thành tù nhân trong cuộc Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War POW/MIA: Prisoner of War/Missing in Action) tạo làn sóng phản đối rất lớn trong cộng đồng nước Mĩ; với hai tựa phim nổi tiếng nhất là Missing in Action (1984) Rambo: First Blood Part II (1985). Một ngoại lệ là bộ Inchon (1982) về Chiến tranh Hàn Quốc, nhưng nó thất bại cả về mặt phê bình nghệ thuật lẫn thương mại.


~ Thập niên 90 của thể kỉ 20 và đầu thể kỉ 21 ~
  • Chiến tranh Thế giới II

Thành công của bộ phim theo phong cách hiện thực Saving Private Ryan (1998) do Steven Spielberg đạo diễn đã góp phần khơi lại sự hứng thú của khán giả đối với phim lấy bối cảnh Chiến tranh thế giới II. Một số trong đó, như Pearl HarborEnemy at the Gates nhắm tới thị trường phim bom tấn, trong khi số còn lại như Enigma, Dark Blue World, Captain Corelli's MandolinCharlotte Gray thì dựng phim trong bối cảnh tình cảm hơn. Số khác thì hướng tới mục đích diễn tả mặt tiêu cực của chiến tranh, như Stalingrad của Joseph Vlismaier, Das Boot của Wolfgang Petersen và sau này là The Thin Red Line của Terrence Malick.



Một số tựa phim ngắn cũng như series dài tập dùng bối cảnh này gồm có: Band of Brothers, The Pacific, The English Patient, Schindler's List, The Pianist, Defiance, Atonement, Katyn, Pornografia, The Boy in the Striped Pajamas, Adam Resurrected, The Reader, Valkyrie, Good, Life is Beautiful, Downfall, The Counterfeiters, Letters from Iwo Jima, Flags of Our Fathers, Miracle at St. Anna, The Good German, Inglourious Basterds, Days of Glory, Empire of the Sun.
  • Các cuộc chiến tranh khác

Các bộ phim nổi tiếng được sản xuất từ những năm 1960 đến 2000 lấy bối cảnh Chiến tranh Thế giới I gồm có: Lawrence of Arabia, Gallipoli, Oh! What a Lovely War, Kings of Hearts, Passchendaele, A Very Long Engagement, Life and Nothing ButWar Horse.



Các bộ phim nổi tiếng với nội dung về các vấn đề đương thời gồm có: Act of Valor, Red Dawn (2012 film), Children of Men, Afghan Luke, Tomorrow, When the War Began, Taking Chance, The Men Who Stare at Goats, Black Hawk Down, Behind Enemy Lines, Jarhead, Battle for Haditha, Body of Lies, Syriana, Blood Diamond, G.I. Jane, Rendition, The Kite Runner, Tears of the Sun, The Hurt Locker, In the Valley of Elah, No Man's Land, Three Kings, Welcome to Sarajevo, Rambo, Brothers, Green Zone. The 9th Company, The Patrol,





Quân đội và ngành công nghiệp điện ảnh


Nhiều bộ phim chiến tranh đã được sản xuất với sự trợ giúp của lực lượng quân đội trong nước. Hải quân Hoa Kì đã đặc biệt rất hợp tác trong làm phim kể từ sau Chiến tranh Thế giới II: cung cấp tàu thuyền và hỗ trợ kĩ thuật cho đoàn phim, với bộ Top Gun là ví dụ nổi trội nhất. Không quân nước này cũng đã trợ giúp nhiều cho các phim The Big Lift, Strategic Air CommandA Gathering of Eagles; chúng được quay ở trụ sở không quân và có nhiều vai do chính quân nhân đảm nhận.



Tất nhiên, quân đội sẽ không trợ giúp cho những phim có nội dung phê phán họ. Đôi khi quân đội đòi hỏi quyền được biên tập phim, đổi lại sự hợp tác của họ, nhưng điều này sẽ làm nội dung phim có hướng thiên vị cho họ. Giới phê bình chỉ ra rằng bộ phim Pearl Harbor đã phạm phải lỗi này, để đổi lại sự trợ giúp về kĩ thuật từ quân đội. Một ví dụ khác là vì Hải quân Mĩ phản đối bộ phim Crimson Tide, đặc biệt là cảnh nổi loạn trên tàu, nên phim được sản xuất mà không nhận được trợ giúp kĩ thuật từ phía họ.



Nếu quân đội trong nước không hợp tác hoặc quay phim ở trong nước sẽ cần mức kinh phí quá cao, quốc gia khác có thể trợ giúp cho đoàn làm phim. Nhiều phim chiến tranh thời thập niên 50 và 60, trong đó có những phim đạt giải Oscar như Patton, Lawrence of Arabia hay Spartacus, đều được quay ở Tây Ban Nha và dùng nhiều thiết bị của cả hai phe Liên minh Trung Tâm và Đồng minh. Bộ phim sử thi về thời Napoleon, Waterloo, đã được quay ở Ukraine và có binh lính Xô Viết trong nhiều cảnh. Những cảnh về D-Day trong phim Saving Private Ryan thì được quay với sự trợ giúp của quân đội Ai-len, bởi phía Pháp không thể dùng vùng biển Omaha thật để quay, do đó là một nơi để tưởng niệm. Hầu hết các cảnh quay quan trọng trong Dark Blue World được quay ở Cộng hòa Séc, tại một trụ sở không quân bỏ hoang. Và trong bộ phim Crimson Tide, Hải quân Pháp đã trợ giúp cho đoàn làm phim bằng cách cung cấp tàu sâu bay Foch và một chiếc tàu ngầm SNLE.





Credit


Dịch: Johanna Phạm

PR: Kei

BBCode: Kei

Website: http://vnsharing.net/g/wiki

Nguồn: Wiki

Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.

Nếu phát hiện sai sót trong bài dịch, xin vào topic này hồi báo, góp ý






.Kei.
.Kei.

Total posts : 10

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum