oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Film genre] Silent Film - Phim Câm

Go down

 [Film genre] Silent Film - Phim Câm  Empty [Film genre] Silent Film - Phim Câm

Post by .Kei. Sat Nov 08, 2014 1:10 pm





Phim câm



Cảnh trong Four Horseman of the Apocalypse (1921), một trong những bộ phim câm đạt doanh thu cao nhất.

Cảnh quay đồng hồ đặc trưng của phim Safety Last! (1923).
Phim câm là loại phim không có âm thanh đồng bộ và đặc biệt là đồng thời cũng không có bất kì lời thoại nào giữa các nhân vật. Để diễn giãi và tạo cảm xúc thì đối thoại được thay bằng những động tác, điệu bộ và bảng nội đề (hay intertitles). Kể từ khi bộ phim đầu tiên ra đời thì con người đã luôn muốn kết hợp giữa hình ảnh chuyển động và âm thanh được ghi sẵn, nhưng bởi những hạn chế về kĩ thuật nên điều này chỉ có thể trở thành hiện thực vào cuối những năm 1920 với sự hoàn thiện của ống chân không khuếch đại điện tử (audion) và sự xuất hiện của hệ thống Vitaphone. Sau khi bộ phim The Jazz Singer (1927) được phát hành thì thể loại phim có tiếng (talkies) mới dần trở nên phổ biến. Trong vòng một thập kỉ tiếp theo, số lượng phim câm được sản xuất giảm mạnh ở khắp nơi và kỉ nguyên phim câm cũng kết thúc.



Vào tháng 9/2013, Thư viện Quốc hội Mỹ đã đưa ra một báo cáo cho biết người ta tin rằng khoảng 70% số phim câm của Mĩ đã hoàn toàn biến mất.










Các yếu tố cơ bản (1894 – 1929)






Bộ phim nhựa đầu tiên được biết tới, Roundhay Garden Scene (1888).

Bộ phim gồm hình ảnh chủ đạo đầu tiên được tạo ra bởi Eadweard Muybridge vào khỏang giữa những năm 1877 và 1880. Phim lâu đời nhất còn tồn tại tính tới nay (thời đó được gọi chung là chủ nghĩa hiện thực bằng hình ảnh) do Louis Le Prince quay chụp vào năm 1888, là một đoạn phim 2 giây quay hình ảnh con người đi bộ trong vườn "Oakwood streets" với cái tên Roundhay Garden Scene. Nghệ thuật hình ảnh chuyển động tiếp tục phát triển và đạt tới mức toàn diện nhất trong "kỉ nguyên phim câm" (1894-1929), trước khi phim câm bị phim có tiếng hoàn toàn thay thế sau đó. Nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh cho rằng chất lượng thẩm mĩ của phim điện ảnh đã giảm xuống đáng kể trong vài năm này cho tới khi các đạo diễn, diễn viên và thành viên của đoàn làm phim dần quen với thể loại 'talkies' mới mẻ.



Ngoài ra, một số bản phim có thể bị thiếu sót do cắt giảm kiểm duyệt hoặc cảnh và khung hình bị mất, dẫn đến việc nó bị đánh giá là biên tập kém chất lượng. Chất lượng hình ảnh của phim câm - đặc biệt những phim được sản xuất trong thập niên 20 - thường rất tốt; tuy nhiên nếu dùng tiêu chuẩn hiện đại để đánh giá thì phần lớn chúng bị hiểu lầm là quá thô sơ và lạc hậu. Nhiều bộ phim câm hiện nay là bản sao thứ hai hoặc thậm chí là thứ ba từ những bản chính đã bị tổn hại hoặc do bảo tồn không tốt mà không còn nguyên vẹn.






► Bảng nội đề



Phim The Cabinet of Dr. Caligari (1920) sử dụng bảng nội đề cách điệu.

Kèm theo số hình ảnh chuyển động tăng lên làm bộ phim kéo dài ra thì nảy sinh một vấn đề, đó là cần thay thế các thông dịch viên, những người chuyên giải thích các phần của phim, bằng cái gì đó tiết kiệm và đơn giản hơn. Bởi vì phim câm không có đối thoại và âm thanh đồng bộ nên người ta bắt đầu sử dụng bảng nội đề để tường thuật ngắn gọn các điểm chính trong phim, các mẩu đối thoại quan trọng và đôi khi cả bình luận đối với hành động vừa xảy ra trong phim, phần này thường là dành cho những người xem ở rạp. Người viết bảng nội (title writer)đề trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng và cần sự chuyên nghiệp đối với phim câm, thường là khác với tác gia (- scenario writer- người viết ra cốt truyện của phim). Bảng nội đề (intertitle, hoặc titles) trở thành yếu tố hình ảnh riêng biệt, có tính năng minh họa hoặc mang tính trang trí trừu tượng, có thể bình luận cho hàng động.






► Âm thanh và nhạc sống


Phim câm hầu như luôn luôn có nhạc sống, điều này bắt đầu bằng màn biểu diễn piano ở buổi công chiếu phim đầu tiên của anh em nhà Lumière vào ngày 28 tháng 12 năm 1895 ở Paris. Kể từ thuở ban đầu thì âm nhạc luôn được xem là nhân tố không thể thiếu khi xem phim, nó có thể tạo ra bầu không khí phù hợp và đem đến cho khán giả những ám hiệu gợi cảm xúc quan trọng (các nhạc sĩ thường chơi nhạc trong khi quay chính thức vì mục đích tương tự). Các rạp hát nhỏ tỉnh lẻ thường có nhạc sĩ piano riêng. Bắt đầu từ giữa thập niên 1910, rạp hát lớn của các thành phố đã có người chơi solo organ hoặc cả một dàn nhạc lớn dành riêng cho phim câm. Các hệ thống organ khổng lồ lúc này đã được thiết kế để rút ngắn khoảng cách giữa một người solo piano và một dàn nhạc lớn. Loại organ sân khấu này có rất nhiều hiệu ứng đặc biệt, như chiếc organ nổi tiếng "Mighty Wurlitzer" có thể mô phỏng các âm thanh đặc trưng của dàn nhạc lớn: một số âm thanh của bộ gõ như trống bass, tiếng chũm chọe; hay các âm thanh thực từ tiếng ngựa phi nước đại đến tiếng sấm sét.



Nhạc nền cho phim câm thời kì đầu có thể là cả ứng tác hoặc sáng tác, thuộc thể loại cổ điển hoặc nhạc dành cho kịch hát truyền thống. Khi các tính năng âm thanh trở nên phổ biến và đầy đủ ở mọi nơi, thì âm nhạc photoplay (thể loại dành riêng cho phim câm) thường được biên soạn riêng bởi các nhạc sĩ piano, organ, nhạc trưởng hoặc do chích studio phim soạn; mỗi phim lại có nhiều bản nhạc đính kèm. Các bản chép nhạc này thường rất dài và phức tạp hơn hiện tại, ngoài nốt nhạc nó còn bao gồm các kí hiệu cho hiệu ứng và tâm trạng cần biểu đạt. Bắt đầu với bản nhạc nguyên gốc của Joseph Carl Breil cho bộ phim sử thi mang tính bước ngoặt nổi tiếng The Birth of a Nation (Mĩ, 1915, do D. W. Griffith đạo diễn), người ta thường dùng bản chép nhạc nguyên gốc cho các phim có vốn lớn ở buổi công chiếu. Tuy nhiên, hai bản chép nhạc đầy đủ nguyên gốc đầu tiên thì xuất hiện sớm hơn, vào năm 1908, do Camille Saint-Saens soạn cho bộ phim The Assassination of the Duke of Guise và của Mikhail Ippolitov-Ivanoc cho phim Stenka Razin.



Tất nhiên khi nhạc sĩ chơi nhạc dựa theo các bản chép này thì họ vẫn có thể thêm vào các âm sắc ngẫu hứng để tăng tính truyền cảm cho bộ phim đang được trình chiếu. Ngay cả khi trong bản chép không có kí hiệu định ra âm thanh hiệu ứng đặc biệt thì nếu người nhạc sĩ đó có khả năng tạo ra các âm thanh đặc biệt (như tiếng vó ngựa) thì họ vẫn có thể tự do ứng tác (như là dùng cho các màn rượt đuổi bằng ngựa nghẹt thở).



Khi kỉ nguyên phim câm lên đến đỉnh cao thì điện ảnh là ngành thu hút nhất và cũng là lĩnh vực cần tới số lượng nhạc công lớn nhất (ở Mĩ nói riêng). Nhưng sự xuất hiện của phim có tiếng, đồng thời xảy ra với thời kì Đại suy thoái, đã ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng tới nghề này.



Mỗi nước có những bước phát triển khác nhau để đưa âm thanh vào phim câm. Điện ảnh thời kì đầu của Brazil sử dụng fitas cantatas (thể loại operettas với ca sĩ trực tiếp trình diễn sau màn ảnh). Ở Nhật Bản, phim ảnh không chỉ có nhạc sống mà còn có benshi, một người trực tiếp kể chuyện, cung cấp luận điểm và đôi khi lồng tiếng cho nhân vật. Người benshi này trở thành yếu tố trung tâm của phim ảnh Nhật thời gian đó, đồng thời họ cũng đảm nhận việc chuyển ngữ cho hầu hết các phim nước ngoài (mà chủ yếu là của Mĩ). Danh tiếng của benshi là một trong những lí do tại sao phim câm vẫn tiếp tục tồn tại cho tới những năm 1930 ở Nhật.



Có rất ít nhạc nền phim câm còn tồn tại cho tới hiện nay, và các nhà nghiên cứu âm nhạc vẫn luôn phải đối mặt với vấn đề lúc nào thì họ có thể khôi phục lại chính xác chúng từ những bản gốc. Những bản được tái tạo này có thể được phân biệt thành nhiều loại: khôi phục hoàn toàn từ những bản chép nhạc gốc, có đôi chỗ sáng tác sau này, ghép nhiều mảng đã được lưu lại thành một, hoặc thậm chí có ứng tác trong đó.



Việc xem phim câm có nhạc nền trở nên lỗi thời vào những năm 1960-70. Lúc đó, trong những trường đại học về điện ảnh và nhà hát kịch nói, người ta cho rằng khán giả nên xem phim câm như là một hình thức nghệ thuật bằng mắt mà không nên có âm nhạc làm xao lãng. Quan điểm trên có thể được hình thành do lúc này, chất lượng âm thanh của các bản phim câm là rất thấp. Gần đây thì ngược lại, phim câm dần được trình chiếu với nhạc nền chất lượng tốt, bao gồm cả việc khôi phục lại bản gốc lẫn chọn ra các trích đoạn thích hợp. Sự kiện bước ngoặt của lối thưởng thức này là lần chiếu lại phim Napoléon (1927, do Abel Gance đạo diễn) vào năm 1980, với nhạc nền do Kevin Brownlow tái tạo từ bản gốc của Carl Davis. Phần biểu diễn này của Brownlow sau đó được Francis Ford Coppola (người Mĩ) biên tập, rút ngắn và cha ông là Carmine Coppola đã chép ra bản nhạc mới cho dàn nhạc giao hưởng.



Vào năm 1984, việc nhà sản xuất kiêm nhạc sĩ Giorgio Moroder phục hồi nhạc nền cho phim Metropolis (1927) là một bước ngoặt khác cho việc thưởng thức phim câm ngày nay. Mặc dù bản mới này gây tranh cãi do có cả các bản nhạc pop do Freddie Mercury (nhóm Queen), Pat Benatar và Jon Anderson (nhóm Yes) trình bày; nhưng nó cũng được xem như là một bước tiến mới cho việc chiếu lại các tác phẩm phim "câm" cổ điển.



Hiện nay, người ta thường chơi loại nhạc kết hợp cổ điển lẫn đương đại cho phim câm. Các nhạc sĩ chuyên về cổ điển gồm có Dennis James (organ), Neil Brand, Günter Buchwald, Phillip C. Carli, Ben Model, William P. Perry và Donald Sosin (piano). Các nhạc trưởng, như Carl Davis, đã sáng tác và biên soạn nhạc nền cho vô số bộ phim câm. Ngoài ra, trong lĩnh vực biên soạn nhạc nền mới, Timothyy Brock đã phục hồi nhiều đoạn nhạc trong phim của Charlie Chaplin. Sosin và vợ là Joanna Seaton thì chuyên về thêm lời vào phim câm, đặc biệt là những đoạn mà trên màn ảnh có cảnh ca hát, họ sẽ thêm vào những phần ca sĩ hát thực, biến chúng thành phim bán câm. Phim thuộc loại này có: Lady of the Pavements (của Griffth) với vai của Lupe Velez, phim Evangeline (của Carew) với vai của Dolores del Rio và phim Phantom of the Opera (của Julian) với hai vai Mary Philbin và Virginia Pearson.



Các nhạc công piano theo phong cách đương đại (như Stephen Horne và Gabriel Thibaudeau) thì thường chơi nhạc theo cách ít truyền thống hơn.



Nhạc đương đại cũng góp phần mang phim câm cổ điển đến cho nhiều khác giả hơn bởi các phong cách biểu diễn và phạm vi nhạc cụ được dùng rộng hơn. Nhiều nhạc sĩ viết nhạc dùng thuần nhạc cụ truyền thống, còn số khác thì có thể thêm vào nhạc cụ điện tử hoặc âm sắc, thanh điệu, âm thanh và yếu tố truyền cảm hiện đại sao cho phù hợp hơn với không khí của bộ phim. Với lĩnh vực này thì nổi bật có Un Drame Musical Instantané, Alloy Orchestra, Club Foot Orchestre và Silent Orchestra. Có nhiều nhạc công đầu tư công sức vào lĩnh vực này, ví dụ như Jamie Lopez (Zaragoza, Tây Ban Nha) đăng và cho phép tải miễn phí nhiều bản nhạc phim câm nổi tiếng trong lịch sử trên blog cá nhân của mình, 'musicamudy'.






► Kĩ thuật diễn xuất



Lillian Gish là một ngôi sao lớn của thời đại phim câm với thời gian hoạt động cực dài, từ 1912 - 1987 (khoảng 75 năm).

Trong nhiều trường hợp, kích thước màn ảnh rộng và sự gần gũi chưa từng có giữa diễn viên và khán giả đã có ảnh hưởng nhất định đến phong cách diễn, giúp họ biểu đạt cảm xúc tinh tế hơn.

Các nữ diễn viên như Mary Pickford trong tất cả phim bà đóng, Eleonora Duse trong Cenere (Ý,1916), Janet Gaynor trong Sunrise (Đức, 1927), Priscilla Dean trong Outside the LawWhite Tiger, Lillian Gish cùng với Greta Garbo trong phần lớn phim họ tham gia đều có sự kiềm chế và giảm thiểu sự tự nhiên trong vai diễn mang tính đức hạnh, cao cả. Tuy nhiên có các đạo diễn như Albert Capellani và Maurice Tourneur lại luôn khẳng định sự cần thiết của diễn xuất tự nhiên trong phim ảnh, và Tourneur vào thời kì đầu sự nghiệp của mình đã theo lối chỉ đạo tối giản.



Đến giữa thập niên 1920, nhiều bộ phim câm của Mĩ đã dùng phong cách diễn tự nhiên hơn, tuy không phải tất cả đạo diễn và diễn viên đều chấp nhận lối diễn như thế; đến 1927, những phim dùng phong cách chủ nghĩa biểu hiện như Metropolis vẫn còn được sản xuất. Nhiều khán giả tỏ ra ưa thích phong cách diễn xuất phóng đại do giá trị nghệ thuật thoát lí thực tế của nó, các nước khác thì biết đến và đón nhận lối diễn tự nhiên chậm hơn Mĩ. Cũng như ngày nay, thành công của một bộ phim phụ thuộc vào nhiều yếu tố: ngân sách, bối cảnh, tinh thần, kịch bản, kĩ năng của đạo diễn và chất lượng chung của dàn diễn viên.



Diễn viên phim câm thời đại này thường dùng rất nhiều ngôn ngữ hình thể và biểu cảm khuôn mặt để giúp khán giả hiểu rõ hơn những gì nhân vật đang cảm nhận và trình diễn trên màn ảnh. Cho nên với quan niệm hiện tại thì phim câm thời đó thường được đánh giá là quá giả tạo và cứng nhắc. Lối diễn cường điệu hóa này có thể là xuất phát từ kinh nghiệm và thói quen của từng cá nhân diễn viên riêng biệt. Và chính bởi quá nhiều diễn viên dùng lối diễn theo những kiểu trên trong phim là nguyên nhân cho nhận định của đạo diễn Marshall Neilan vào năm 1917: "Những con người diễn kiểu ca kịch này ra khỏi màn ảnh càng sớm chừng nào thì phim càng hay chừng đó." Trong một số trường hợp cá biệt, các đạo diễn như John Girffith Wray lại yêu cầu diễn viên phải diễn theo lối phóng đại hóa càng nhiều càng tốt để nhấn mạnh cảm xúc nhân vật.



Kể từ 1914 thì đông đảo khán giả người Mĩ đã bày tỏ quan điểm của mình rằng họ thích xem lối diễn tự nhiên hơn là phóng đại.






► Tốc độ trình chiếu


Cho tới khi tiêu chuẩn cho tốc độ trình chiếu là 24 khung hình trong 1 giây (fps) dành cho phim có tiếng được quy định vào khoảng 1926-30, thì mỗi bộ phim câm lại có tốc độ trình chiếu nhanh chậm khác nhau, tùy thuộc vào năm và studio làm ra phim đó. Chiếc máy Cinématographe của anh em nhà Lumière có tốc độ là 16 fps nên tốc độ này được gọi là tiêu chuẩn của phim câm thông thường, nhưng do sự phát triển không đồng đều của ngành công nghiệp điện ảnh nên trên thực tế thì điều này không được quy định chính xác. Tuy những người cầm máy thời này luôn cho rằng họ quay với tốc độ 16 fps nhưng kĩ thuật phân tích hiện đại cho thấy thực sự là họ quay nhanh hơn mức đó, dẫn đến hậu quả là trừ phi chiếu ở đúng tốc độ định sẵn thì thường là phim câm chuyển cảnh nhanh hoặc chậm một cách bất thường. Tuy nhiên cũng có nhiều cảnh là cố ý được quay chậm, đặc biệt là trong phim hành động và phim hài.



Chiếu phim đựơc làm từ cellulose nitrate ở tốc độ chậm sẽ có nguy cơ bị cháy do từng thước phim nhựa phải tiếp xúc với không khí có nhiệt độ cao do sức nóng tỏa ra từ đèn chiếu lâu hơn bình thường; nhưng cũng có nhiều lí do tại sao phải chiếu phim ở nhiều tốc độ khác nhau. Thông thường thì người phụ trách máy chiếu sẽ nhận được một bản chỉ dẫn dựa trên phần nhạc nền từ nhà phân phối phim, từ đó họ có thể làm theo một cách chính xác. Các nhà hát, thường là để tăng lợi nhuận, cũng sẽ tùy theo tình hình thị trường và mức độ nổi tiếng của phim để tăng giảm tốc độ trình chiếu cho hợp vời từng thời gian trong ngày lẫn trong một khoảng thời gian dài hơn.



Tất cả các máy chiếu phim hình ảnh chuyển động đều cần có một tấm chắn di động để chắn ánh sáng khi guồng phim đang quay, nếu không thì các hình ảnh sẽ bị nhòe về hướng quay. Nhưng lại nảy sinh vấn đề khác là tấm chắn này làm các hình ảnh bị nhấp nháy, và như vậy thì rất khó xem. Thomas Edison đã nghiên cứu rất nhiều với chiếc máy Kinetoscope của mình và cho ra kết quả rằng nếu tốc độ chiếu phim dưới 46 fps sẽ 'làm mắt người cảm thấy căng và khó chịu', phương pháp ông đưa ra là dùng tốc độ trên 40 fps để chiếu, nhưng điều này là quá đắt đỏ so với tình hình lúc đó. Nếu dùng máy chiếu với tấm chắn có cửa đôi hoặc cửa ba sẽ làm tốc độ chớp nháy của hình ảnh tăng lên từ hai đến ba lần so với số khung hình - như vậy thì mỗi khung hình sẽ nháy khoảng hai đến ba lần trên màn ảnh. Máy chiếu dùng tấm chắn cửa ba chiếu phim với tốc độ 16 fps sẽ cho ra kết quả cao hơn một ít so với dự tính của Edison, 48 fps. Trong kỉ nguyên phim câm thì hầu hết các máy chiếu đều được trang bị bằng tấm chắn loại này.



Kể từ khi phim có tiếng ra đời với tốc độ tiêu chuẩn 24 fps thì tấm chắn cửa đôi cũng trở nên phổ biến mới máy chiếu loại 35 mm, tấm chắn cửa ba thì dùng cho máy chiếu 16 mm và 8 mm dành để chiếu các phim mà do người làm phim nghiệp dư tạo ra. Tỉ lệ khung hình 35 mm với tốc độ 24 fps, quy đổi là 456 mm (18.0) trên 1 giây. Máy chiếu có guồng phim dài 1000 ft (khoảng 300 m) nếu chiếu ở tốc độ 24 fps thì cần 11 phút 7 giây, còn nếu ở tốc độ 16 fps thì cần 16 phút 40 giây, quy đổi là 304 mm (12.0) trên 1 giây.



Trong những năm 1950, sự chuyển đổi bằng công nghệ telecine ở tốc độ không đúng làm cho các bộ phim câm trở nên khó xem đối với khán giả thông thường. Tốc độ trình chiếu phim câm thường là vấn đề gây tranh cãi giữa các học giả nghiên cứu và những người nghiện phim hiện nay, đặc biệt nếu nói đến bản DVD của các phim được tái tạo lại. Trong đó bản DVD năm 2002 của phim Metropolis (Đức, 1927) có thể được coi là ví dụ gây tranh luận dữ dội nhất.






► Nhuộm màu



Bộ phim Broken Blossoms do Lillan Gish và Richard Barthelmess diễn chính là một ví dụ điển hình cho dòng phim phông nền nhuộm màu nâu đỏ.

Có nhiều phim được nhuộm bằng tay như Annabelle Serpentine Dance (1894) của Edison Studios. Trong phim này, nữ nhân vật chính Annabelle Whitford, một vũ công trẻ tuổi đến từ Broadway, mặc một chiếc váy màu trắng có thể chuyển màu khi cô múa. Phương pháp này được thiết kế để mô phỏng hiệu ứng từ màn trình diễn trực tiếp của Loie Fuller (từ 1891), trong đó người ta sử dụng đèn có gel màu để chuyển chiếc váy và tay áo màu trắng của cô thành những hình ảnh nghệ thuật cách điệu. Nhuộm màu bằng tay thường được dùng trong các phim 'ảo thuật' hoặc kì bí ở châu Âu, đặc biệt là phim của Georges Méliès. Ông đã bắt đầu việc nhuộm màu này từ rất sớm (1897) và hai bộ phim Cendrillion (Cinderella, 1899)Jeanne d'Arc (Joan of Arc, 1900) là các ví dụ điển hình cho kĩ thuật nhuộm thời kì đầu: khi màu sắc là yếu tố chính yếu nhất trong bối cảnh hay mise an scene; tác phẩm của ông được nhuộm chính xác đến thế là do được nhuộm từ xưởng của Elisabeth Thuillier ở Paris, nơi có những nhóm các nữ nghệ nhân thêm nhiều lớp màu vào từng khung hình hoàn toàn bằng tay, kĩ thuật này hiếm thấy và đắt tiền hơn nhiều so với quy trình nhuộm bằng khuôn. Bản tái tạo mới bộ phim A Trip to the Moon (1902, của Méliès) cho thấy màu sắc hoa mỹ được sử dụng để thêm kết cấu và sức hút cho hình ảnh.



Bởi vì thời đó quy trình xử lí màu không tạo ra được các màu tự nhiên, các phim câm thường được nhúng trong phẩm nhuộm và nhuộm thành nhiều sắc thái và tông để đánh dấu một tâm trạng hoặc một thời điểm trong ngày. Màu lam dành cho buổi đêm, vàng hoặc hổ phách là ban ngày. Đỏ đại diện cho lửa và lục dành cho bối cảnh thần bí. Cũng giống như vậy, người ta để làm mượt phim thường dùng phương pháp đặc biệt thay các hạt màu bạc trong nhựa phim bằng muối hoặc phẩm nhuộm nhiều màu. Sự kết hợp giữa nhuộm màu (tinting) và làm mượt (toning) có thể tạo ra hiệu ứng rất lớn cho bộ phim.



Từ đầu thập niên 1910 với sự xuất hiện của phim dài, nhuộm màu được xem như một loại phương tiện giúp tăng cảm xúc, cũng giống như âm nhạc. Đạo diễn D. W. Griffith có sự quan tâm đặc biệt đến màu sắc, ông thường dùng nhuộm màu như là một công cụ đặc biệt cần thiết cho nhiều phim của mình. Bộ phim nổi tiếng của ông vào năm 1915, The Birth of a Nation, dùng những màu như hổ phách, lam, tím nhạt và đỏ để nhuộm rất nhiều cảnh, ví dụ như cảnh 'Atlanta bùng cháy' và sự xuất hiện của Ku Klux Klan. Griffith sau đó đã phát minh một hệ thống màu sắc dùng ánh sáng chiếu lên các vùng khác nhau của màn ảnh để tạo ra màu sắc.








Danh sách những phim câm có doanh thu cao nhất ở Mĩ





Được liệt kê dưới đây là các phim Mĩ thuộc kỉ nguyên phim câm đạt doanh thu cao nhất tính tới năm 1932. Các số liệu được đưa ra chỉ tính tiền bán vé, không phải là tổng lợi nhuận.

Một cảnh trong phim The Birth of a Nation.

The Birth of a Nation (1915) - $10,000,000

The Big Parade (1925) - $6,400,000

Ben-Hur (1925) - $5,500,000

Way Down East (1920) - $5,000,000

The Gold Rush (1925) - $4,250,000

The Four Horsemen of the Apocalypse (1921) - $4,000,000

The Circus (1928) - $3,800,000

The Covered Wagon (1923) - $3,800,000

The Hunchback of Notre Dame (1923) - $3,500,000

The Ten Commandments (1923) - $3,400,000

Orphans of the Storm (1921) - $3,000,000

For Heaven's Sake (1926) - $2,600,000

Seventh Heaven (1926) - $2,500,000

What Price Glory? (1926) - $2,400,000

Abie's Irish Rose (1928) - $1,500,000



Trong thời kì phim có tiếng






► Sự chuyển tiếp


Mặc dù ngay từ 1896, phòng nghiên cứu Edison đã mong muốn nghiên cứu tạo ra loại phim hình ảnh chuyển động có âm thanh đồng bộ; nhưng mãi đến đầu thập niên 1920 thì các công nghệ cơ bản nhất cho phim có tiếng như ống chân không khuếch đại điện tử và loa phóng đại âm thanh chất lượng cao mới xuất hiện. Một vài năm sau đó, người ta đua nhau thiết kế, nghiên cứu và đưa ra thị thường rất nhiều hình thức định dạng âm thanh sound-on-disc (âm thanh lưu vào đĩa riêng rồi chiếu cùng lúc với hình ảnh) hoặc sound-on-film (âm thanh được trực tiếp ghi vào phim), ví dụ như Photokinema(1921), Phonofilm (1923), Vitaphone (1926), Fox Movietone (1927)RCA Photophone (1928).



Bộ phim The Jazz Singer (1927) của hãng Warner Bros. đánh dấu thành công thương mại đầu tiên cho thể loại phim có tiếng, nhưng phim câm vẫn chiếm đa số các tác phẩm nổi tiếng vào hai năm 1927 và 1928, cùng với sự xuất hiện của loại phim bán câm (phim câm nhưng có một số đoạn âm thanh được thêm vào). Thực sự thì phim có tiếng được xem là chỉ bắt đầu chiếm ưu thế từ năm 1929, bắt đầu kĩ nguyên tiếp theo của công nghiệp điện ảnh.



Danh sách tất cả những phim nổi tiếng của kỉ nguyên phim câm (bắt đầu ngành điện ảnh - 1928) đều đã có trong bài liệt kê phim theo thời gian, danh sách dưới đây chỉ có những phim câm được tạo ra trong kỉ nguyên phim có tiếng.
Un Chien Andalou, Luis Buñuel, 1929

People on Sunday, Robert Siodmak, 1930

City Girl, F. W. Murnau, 1930

Borderline, Kenneth MacPherson, 1930

Earth, Aleksandr Dovzhenko, 1930

City Lights, Charlie Chaplin, 1931

Tabu, F. W. Murnau, Robert Flaherty, 1931

I Was Born, But..., Yasujirō Ozu, 1932

A Story of Floating Weeds, Yasujirō Ozu, 1934

The Goddess, Wu Yonggang, 1934

Modern Times, Charlie Chaplin, 1936



► Sự tôn vinh


Có rất nhiều nhà làm phim hâm mộ và theo bước thể loại phim hài của kỉ nguyên phim câm, ví dụ như Les Vancances de Monsieur Hulot (1953) của Jacques Tati hay Silent Movie (1976) của Mel Brooks. Đạo diễn người Đài Loan Hou Hsiao-Hsien cho rằng Three Times (2005) là phim câm bởi nó chỉ dùng bảng nội đề trong phần thứ hai. Phim The Impostors của Stanley Tucci có phần mở đầu theo phong cách của phim câm hài thời kì đầu. Margarette's Feast (2003), đạo diễn người Brazil Renato Falcão, là phim câm. Nhà biên kịch kiêm đạo diễn Michael Pleckaitis thì làm bộ phim Silent (2007). Trong khi không hoàn toàn là phim câm, phim truyền hình và phim ngắn Mr. Bean cũng dùng bảng nội đề và phong cách nhân vật hoàn toàn không có lời thoại của phim câm hài điển hình. Một ví dụ ít nổi tiếng hơn là La fille du garde-barrière (1975) của Jérôme Savary, nó mô phỏng phim câm với bảng nội đề và kết hợp thể loại hài, lãng mạn và cảnh sex chi tiết (chính vì thế mà nó không được chứng nhận bởi Ban Phân loại phim ảnh Anh quốc).



Năm 1990, Charles Lane là đạo diễn kiêm vai chính trong Sidewalk Stories, một bộ phim kinh phí thấp mang không khí cảm tính của phim câm hài, đặc biệt là bộ The Kid của Charlie Chaplin.



Bộ phim Tuvalu (Đức, 1999) phần lớn cũng là không lời, chỉ có một số đoạn đối thoại ngắn là một hỗn hợp kỳ lạ rất nhiều ngôn ngữ châu Âu nhằm tăng tính quốc tế cho nó. Guy Maddin đã thắng rất nhiều giải thưởng cho bộ phim ngắn mô phỏng lại phim câm thời Xô Viết của mình, The Heart of the World, tác phẩm mà sau này ông đã chuyển thể thành phim dài Brand Upon the Brain! (2006), nó được chiếu với âm thanh do các nghệ sĩ Foley, người tường thuật và dàn nhạc giao hưởng trực tiếp biểu diễn ở một số chương trình được chọn. Shadow of the Vampire (2000) là tác phẩm mô phỏng có tính nghệ thuật cao bộ phim ma ca rồng kinh điển Nosferatu (1922) của Friedrich Wilhelm Murnau. Werner Herzog cũng vinh danh tác phẩm đó với phiên bản mô phỏng của riêng mình, Nosferatu: Phantom der Nacht (1979).



Có nhiều phim mô tả một cách trực quan sự tương phản giữa hai kỉ nguyên phim câm và phim có tiếng. Phim Sunset Boulevard cho thấy sự khác nhau giữa chúng trong nhân vật Norma Desmond (do ngôi sao phim câm Gloria Swanson diễn), còn Singin' in the Rain đã nêu ra thực trạng thời kì mà Hollywood phải đối mặt với sự chuyển đổi to lớn nêu trên. Phim có ảnh hưởng lớn Nickelodeon của Peter Bogdanovich thì bàn về những biến động của quy trình làm phim câm trong thời kì đầu thập niên 1910 đã dẫn đến sự ra đời của bộ phim sử thi The Birth of a Nation (1915) của D. W. Griffith.



Năm 1999, nhà làm phim người Phần Lan, Aki Kaurismäki, đã sản xuất phim Juha, cũng dùng phong cách của phim câm với sự thay thế bảng nội đề cho các mẩu đối thoại. Ở Ấn Độ, phim Pushpak (1988) do Kamal Hassan diễn chính, là một bộ phim hài hoàn toàn không lời. Bộ phim Dr Plonk (Úc, 2007) do Rolf de Heer đạo diễn cũng như thế.



Ca kịch sân khấu cũng phát triển phong cách diễn xuất tương tự như phim câm. Diễn viên/biên kịch Billy Van Zandt và Jane Milmore là tác giả của vở hài kịch vui nhộn Silent Laughter được xem là dùng hành động trực tiếp để tưởng nhớ phim câm. Geoff Sobelle và Trey Lyford đã đồng sáng tác và đồng diễn chính trong All Wear Bowlers (2004), mới đầu là mô phỏng hình tượng nhóm Laurel và Hardy, sau đó phát triển thành sự kết hợp các màn diễn mô phỏng phim câm của Sobelle và Lyford, họ chuyển đổi liên tục giữa diễn trực tiếp và qua màn ảnh. Phim hoạt hình Fantasia (1940) có sự kết hợp giữa tám khúc nhạc khác nhau cũng được xem là phim câm khi chỉ có duy nhất một đoạn thoại ngắn. Tương tự, bộ phim tình báo The Thief (1952) có âm nhạc và hiệu ứng âm thanh nhưng không có lời thoại nhân vật.



Năm 2005, Hội Lịch sử H. P. Lovecraft đã sản xuất phiên bản phim câm The Call of Cthulhu dựa trên câu chuyện của Lovecraft. Bộ phim này được đánh giá là 'bản chuyển thể của HPL thành công nhất tới nay' và 'một hình tượng tuyệt vời', ý chỉ quyết định làm phim dưới dạng phim câm.



Bộ phim The Artist (Pháp, 2011) viết và đạo diễn bởi Michel Hazanavicius, cũng là phim câm dựa trên bối cảnh Hollywood thời còn kỉ nguyên phim câm. Nó bao gồm nhiều đoạn phim câm giả tưởng mà nhân vật nam chính trong phim là diễn viên đóng trong đó.



Bộ phim Sanguivorous (Nhật, 2011) không chỉ theo phong cách phim câm mà còn được chiếu với âm thanh trực tiếp từ dàn nhạc giao hưởng. Eugene Chadbourne là một trong những nhạc công tham gia biểu diễn.



Blancanieves (Tây Ban Nha, 2012) là một phim câm giả tưởng trắng đen, được Pablo Berger biên tập và đạo diễn.



Bộ phim dài tập của Mĩ do Isabella Rossellini và Galina Jovovich (mẹ của diễn viên Milla Jovovich) diễn chính công chiếu vào năm 2013, dựa trên cuộc đời của ngôi sao phim câm Rudolph Valentino, người đầu tiên được coi là 'Great Lover' của Hollywood. Sau khi được cấp cứu, ý thức của Valentino bắt đầu xa rời thực tế và ông nhớ lại cuộc đời mình ở Hollywood từ góc độ một con người đang hôn mê - cuộc đời ông giống như một bộ phim câm được chiếu lại, là cánh cổng kì diệu giữa cuộc sống và sự vĩnh hằng, giữa thực tại và ảo tưởng.



Right there (2013) là một bộ phim ngắn mô phỏng và vinh danh thể loại phim câm hài.



Hiệp hội Organ Sân khấu Mĩ bày tỏ sự yêu thích và tôn trọng nhạc nền phim câm cũng như những chiếc organ đã chơi loại nhạc đó. Với khoảng 75 chương, tổ chức này mong muốn tìm kiếm để bảo tồn và quảng bá organ sân khấu và âm nhạc của chúng như một hình thức nghệ thuật.






Các studio thời kì đầu





Các studio này tập trung quanh thành phố New York. Vào tháng 12/1908, Thomas Edison thành lập Công ty Motion Picture Patents với mục đích thâu tóm cả ngành công nghiệp và loại trừ các hãng nhỏ hơn. Hội được gọi là 'Edison Trust' này bao gồm các hãng Edison, Biograph, Essanay Studios, Công ty Kalem, Hãng George Kleine, Lubin Studios, Georges Méliès, Pathé, Selig Studios, Vitagraph Studios, và phân phối sản phẩm thông qua công ty General Film. Hai công ty Motion Picture Patents và General Film đã bị phán tội vi phạm luật chống độc quyền và phải giải thể vào tháng 10/1915.



Edison Studios ban đầu đặt ở West Orange, New Jersey (1892), sau đó chuyển tới Bronx, New York (1907). Hãng Fox (1909) và Biograph (1906) khởi nghiệp từ Manhattan với các studio ở đảo St George Staten, một số phim thì quay ở Fort Lee, New Jersey. Ông bầu Mĩ Edwin Thanhouser dựng nên Thanhouser Studio vào năm 1909 ở New Rochelle, New York. Hãng này đã sản xuất 1086 trong 7 năm từ 1910-17, trong đó có series phim đầu tiên trên thế giới: The Million Dollar Mystery (1914). Các bộ phim viễn tây lúc đó thường được quay ở Fred Scott's Movie Ranch ở South Beach, đảo Staten, nơi có đường biên giới chính và một nhà giam rộng 56 ft. Hòn đảo này còn có nhiều địa điểm khả dụng để bố trí nhiều loại bối cảnh, đa dạng từ sa mạc Sahara đến sân đấu cricket kiểu Anh. Phim chiến tranh cũng thường được quay ở đây, nhưng là ở vùng Grasmere, ví dụ như hai bộ phim nổi tiếng The Perils of PaulineThe Exploits of Elaine; ngoài ra còn có phim Life of a Cowboy (1906) của Edwin S. Porter. Các công ty làm phim chuyển tới miền Tây của Mĩ vào khoảng năm 1911.






Bảo tồn và các bộ phim đã tổn thất





Có nhiều những bộ phim thời kì đầu đã hoàn toàn hỏng do chất lượng nhựa phim quá bất ổn và rất dễ cháy. Ngoài ra, nhiều phim là bị phá hủy do bị coi là không có giá trị kinh tế trong thời gian sau kỉ nguyên phim câm. Do không được thống kê kĩ càng nên không thể biết chính xác bao nhiêu phim đã bị hư hại và biến mất, nhưng con số thường được dùng là 75% trên tổng số các bộ phim câm từng được quay. Một số tựa phim nổi tiếng được cho là đã tổn hại gồm có: Saved from the Tinatic (1912) về những người thoát khỏi thảm họa chìm tàu, The Life of General Villa do bản thân Pancho Villa diễn chính, The Apostle (1917) là bộ phim hoạt hình đầu tiên của thế giới, Cleopatra (1917), Arirang (1926), Gentlemen Prefer Blondes (1927), The Great Gatsby (1926)London After Midnight (1927). Mặc dù phần lớn chúng sẽ biến mất vĩnh viễn, người ta đã tìm thấy một số bản phim lẻ ở các kho lưu trữ hoặc bộ sưu tập cá nhân, hoặc là các bản đĩa cho thuê dùng ở thập niên 1920-30...



Năm 1978 ở thành phố Dawson, Yukon, trong quá trình đào hố chứa rác, người ta đã phát hiện ra các cuộn phim loại nhựa nitrate thời kì phim câm, bởi nơi này từng là điểm cuối trong đường dây phân phối phim ảnh thời đó. Chúng đã từng được lưu trữ ở thư viện địa phương cho tới năm 1929. Quãng thời gian 50 năm ở dưới lớp băng vĩnh cữu của Yukon làm cho những phim này đạt được tình trạng bảo quản vô cùng tốt, trong đó có phim của Pearl White, Harold Lloyd, Douglas Fairbanks và Lon Chaney. Hiện tại thì chúng được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Loại nhựa phim kiểu cũ này nếu được bảo quản tốt sẽ ít bị hư hao và chúng cũng có thể được chuyển thành dạng kĩ thuật số để tiện cho việc bảo tồn. Gìn giữ và bảo tồn phim câm luôn được xem trọng trong giới sử gia điện ảnh.











Nguồn: Wiki

Trans: Johanna Phạm

PR: Kei

BBcode: biechan


Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.

Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic này hồi báo, góp ý.
 


 








.Kei.
.Kei.

Total posts : 10

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum