oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Dịch][Tác phẩm] Thằng gù Nhà thờ Đức Bà

Go down

[Dịch][Tác phẩm] Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Empty [Dịch][Tác phẩm] Thằng gù Nhà thờ Đức Bà

Post by Scheherazade Sun Nov 16, 2014 10:59 pm
















Thằng gù Nhà thờ Đức Bà






Thằng gù Nhà thờ Đức Bà
[Dịch][Tác phẩm] Thằng gù Nhà thờ Đức Bà 771142_zps19d68eaa
Minh họa từ Victor Hugo et son temps (1881)
Tác giả
Victor Hugo
Tựa gốc
Notre-Dame de Paris
Dịch giả
Frederic Shoberl (tiếng Anh)
Người minh họa
Luc-Olivier Merson (nguyên tác)
Quốc gia
Pháp
Ngôn ngữ
Tiếng Pháp
Thể loại
Lãng mạn, Gothic
Nhà xuất bản
Gosselin
Ngày xuất bản
14 tháng Một, 1831
Thằng gù Nhà thờ Đức Bà (Tiếng Pháp: Notre-Dame de Paris) là một quyển tiểu thuyết Gothic của Pháp viết bởi Victor Hugo, phát hành vào ngày 14 tháng Một năm 1831. Tựa đề có ý chỉ Nhà thờ Đức Bà ở Paris, nơi câu chuyện xoay quanh.







Nội dung
  1. Bối cảnh

  2. Tóm tắt

  3. Nhân vật

  4. Chủ đề chính
    • Kiến trúc


  5. Ý nghĩa văn học và sự đón nhận

  6. Nghĩa ẩn dụ và tham khảo
    • Trong thực tế lịch sử, địa lý, và khoa học thời bấy giờ

    • Trong các tác phẩm khác


  7. Chuyển thể
    • Phim

    • Chương trình truyền hình

    • Kịch

    • Âm nhạc

    • Nhạc kịch

    • Ballet

    • Radio


  8. Lịch sử dịch thuật












Bối cảnh




Victor Hugo bắt đầu viết Thằng gù Nhà thờ Đức Bà vào năm 1829. Theo như thỏa thuận với nhà phát hành gốc của ông, Gosselin, quyển sách sẽ được hoàn thành trong năm đó, nhưng Hugo liên tục trì hoãn do sự đòi hỏi của các dự án khác. Vào mùa hè năm 1830 Gosselin yên cầu Hugo phải hoàn thành tác phẩm vào tháng Hai năm 1831. Từ đầu tháng Chín năm 1830, Hugo làm việc không ngừng nghỉ cho dự án. Sáu tháng sau cuốn sách được hoàn thành.








Tóm tắt




Câu chuyện bắt đầu vào Lễ hiển linh (ngày 6 tháng Một) năm 1482, ngày của Lễ hội Cuồng đãng ở Paris, Pháp. Quasimodo, một thằng gù dị dạng – người rung chuông của Nhà thờ Đức Bà, được giới thiệu với chức vị Giáo hoàng Cuồng đãng.





Esmeralda – cô vũ công đường phố xinh đẹp người gypsy với trái tim nhân hậu và bao dung, đã làm sau đắm trái tim của bao người đàn ông, bao gồm Đại úy Phoebus và Pierre Gringoire, một nhà thơ đường phố nghèo khổ, nhưng đặc biệt còn có cả Quasimodo và người cha nuôi của hắn, Claude Frollo, Phó chủ giáo của Nhà thờ Đức Bà. Frollo bị giằng xé giữa ham muốn đến ám ảnh của mình và luật lệ của Nhà thờ. Ông sai Quasimodo bắt cóc cô, nhưng thằng gù đã bị Phoebus và binh lính của anh ta bắt giữ, giải cứu Esmeralda. Gringoire, người đã chứng kiến tất cả mọi chuyện, vô tình xâm phạm đến Cung điện Thần kỳ, nơi ở của bọn ăn mày (tội phạm của Paris). Anh suýt nữa bị treo cổ dưới mệnh lệnh của Clopin Trouillefou, Vua của đám ăn mày, cho tới khi được Esmeralda cứu mạng bằng cách chấp nhận kết hôn với anh.





Ngày hôm sau, Quasimodo bị phạt đánh bằng roi và bị gông một tiếng đồng hồ, cộng thêm một giờ bị bêu trước công chúng. Hắn van xin được uống nước. Esmeralda, nhìn thấy cảnh hắn chịu khát, đã đem nước cho hắn uống. Điều này đã cứu sống hắn, và khiến hắn đem lòng yêu cô gái.





Esmeralda sau đó bị kết tội cố ý ám sát Phoebus. Nhưng trên thực tế Frollo đã cố gắng giết chết Phoebus trong cơn ghen tuông khi thấy anh ta quyến rũ Esmeralda. Cô bị tra tấn và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Khi cô bị đưa đến giá treo cổ, Quasimodo dùng dây kéo chuông đu xuống từ Nhà thờ Đức Bà và đem cô đến thánh đường, sống dưới sự bảo hộ của nhà thờ.





Mấy hôm sau Frollo báo cho Gringoire biết Tối cao pháp viện đã biểu quyết xóa bỏ quyền trú ẩn của Esmeralda trong nhà thờ, do đó cô không thể tìm chỗ trú ẩn trong giáo đường nữa mà sẽ bị đưa ra khỏi đó và bị giết. Clopin nghe tin này từ Gringoire và tập hợp bọn ăn mày (tội phạm ở Paris) tấn công nhà thờ, giải cứu Esmeralda.





Khi Quasimodo nhìn thấy đám ăn mày, hắn nghĩ chúng đến để làm hại Esmeralda, vì thế hắn tìm cách ngăn chungsl ại. Tương tự, hắn tưởng quân lính của Nhà vua muốn giải cứu cô gái, và giúp bọn họ tìm cô. Cô được Frollo và người chồng hờ là Gringoire cứu thoát. Nhưng sau thất bại trong nỗ lực hòng chiếm được tình yêu của cô, Frollo trở mặt với Esmeralda bằng cách trao cô cho đám lính và đứng nhìn cô bị treo cổ.





Khi Frollo phá lên cười trong lúc Esmeralda đang bị treo cổ, Quasimodo đã đẩy ông xuống từ nóc của Nhà thờ Đức Bà khiến ông mất mạng. Rồi Quasimodo bỏ vào hầm mộ bên dưới giá treo cổ ở Montfaucon, và nằm cạnh bên thi thể đã bị vứt bỏ không mai táng sau khi vụ xử tử của Esmeralda. Hắn ở lại Monfaucon, và cuối cùng thì chết vì đói. Khoảng mười tám tháng sau, hầm mộ lại mở ra, và hai bộ xương được tìm thấy. Khi người ta định gỡ chúng ra, bộ xương của Quasimodo liền tan thành bụi.






Nhân vật




  • Quasimodo, nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết, là người rung chuông ở Nhà thờ Đức Bà và là một thằng gù. Việc rung chuông nhà thờ đã làm hắn bị điếc. Bị bỏ rơi từ khi còn là một đứa bé, hắn được Claude Frollo nhận nuôi. Cuộc đời của Quasimodo bên trong sự tù túng của nhà thờ chỉ có hai niềm vui duy nhất – rung chuông và tình yêu cùng sự sùng bái Frollo – đã được mô tả trong cuốn sách. Hắn rất hiếm khi liều lĩnh bước ra khỏi nhà thờ vì mọi người luôn khinh miệt và tránh xa do ngoại hình của hắn. Có vài dịp đáng chú ý khi hắn ra ngoài là lúc hắn tham gia vào Lễ hội Cuồng đãng – trong buổi lễ ấy hắn được bầu làm Giáo hoàng Cuồng đãng nhờ vào vẻ gớm guốc tuyệt đỉnh của mình – và tiếp đó là việc hắn đã cố gắng bắt cóc Esmeralda, cuộc giải cứu cô khỏi giá treo cổ, nỗ lực đem Phoebus tới chỗ Esmeralda, và cuối cùng là việc hắn rời bỏ nhà thờ ở cuối cuốn tiểu thuyết. Trong truyện có tiết lộ rằng Quasimodo thuở nhỏ bị đám Gypsy bỏ lại thế chỗ Esmeralda, người chúng đã bắt cóc đem đi.





  • Esmearlda (tên khai sinh Agnes) là một vũ công đường phố người gypsy, trẻ trung xinh đẹp. Cô có lòng thương người và lòng nhân hậu bẩm sinh, đồng thời cũng là trung tâm của hàng loạt sự việc trong câu truyện. Là trọng tâm nổi tiếng thu hút mọi sự chú ý của người dân, cô đã nếm trải thái độ dễ đổi thay của họ, ban đầu được mọi người quý mến như một người làm trò tiêu khiển, rồi bị ghét bỏ và coi như phù thủy, trước khi lại được ca tụng nhờ cuộc giải cứu ngoạn mục của Quasimodo. Cuối cùng, khi Nhà vua quyết định xử tử cô, ông ta cũng tin rằng người dân Paris muốn thấy cô chết. Cô được cả Quasimodo lẫn Claude Frollo si mê, nhưng lại yêu say đắm Đại úy Phoebus, một người lính đẹp trai mà cô tin sẽ luôn bảo vệ cô nhưng thực sự anh ta chỉ đơn thuần muốn quyến rũ cô. Cô là nhân vật duy nhất cho thằng gù một khoảnh khắc của lòng thương người: khi hắn bị phạt đòn và giễu cợt bởi đám đông độc ác, cô đã đến bệ bêu người và cho hắn uống nước. Chính vì thế mà hắn đã yêu cô mãnh liệt, cho dù cô cảm thấy quá ghê sợ trước vẻ xấu xí của hắn để có thể cho hắn hôn tay mình.





  • Claude Frollo, nhân vật phản diện chính của tác phẩm, là phó chủ giáo của Nhà thờ Đức Bà. Cách sống khắc khổ và những thí ngiệm về thuật giả kim của ông đã khiến ông sống tách biệt với người dân Paris, vốn tin rằng ông là một thầy phù thủy. Cha mẹ ông chết trong dịch bệnh khi ông còn là một chàng trai trẻ. Không người thân thích, ông đã nhận nuôi Quasimodo, chăm sóc hắn và thằng em hư hỏng Jehan, người mà ông luôn cố gắng uốn nắn vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong phiên bản phim năm 1923, Jehan là nhân vật phản diện, bất chấp vô số tội lỗi của Frollo như thói dâm đãng, thất bại trong thuật giả kim và nhiều tật xấu khác. Tình yêu điên cuồng của ông dành cho Esmeralda đã tạo nên một chuỗi các sự kiện, bao gồm việc cố gắng bắt cóc cô gái và suýt nữa giết chết Phoebus trong một cơn ghen tuông, dẫn đến việc Esmeralda bị xử tử. Frollo bị Quasimodo giết chết khi gã đẩy ông xuống từ nóc thánh đường.





  • Jehan Frollo là người em trai được nuông chiều quá mức của Claude Frollo. Hắn ta là một tên chuyên gây rối và là sinh viên trường đại học. Hắn sống phụ thuộc vào tiền bạc của người anh trai, lãng phí nó vào rượu chè. Quasimodo đã giết hắn trong cuộc tấn công vào giáo đường. Hắn chỉ mới bước được vào nhà thờ bằng cách trèo lên ngọn tháp với một cái thang mượn được, nhưng Quasimodo đã nhìn thấy và ném hắn xuống khiến hắn mất mạng.





  • Phoebus de Chateaupers là Đại úy cung thủ ngự lâm quân. Sau khi giải cứu Esmeralda khỏi vụ bắt cóc, cô trở nên say đắm anh, và anh cũng bị cô hấp dẫn. Dù đã đính hôn với cô tiểu thư Fleur-de-Lys xinh đẹp nhưng hằn học, anh vẫn muốn qua đêm với cô nhưng đã bị ngăn lại khi Frollo đâm anh. Phoebus sống sót, tuy nhiên Esmeralda vẫn bị tất cả mọi người, bao gồm cả Phoebus, gán cho tội danh cố ý mưu sát anh.





  • Fleur-de-Lys de Gondelaurier là vị hôn thê xinh đẹp, giàu sang và có địa vị trong xã hội của Phoebus. Sự chú ý của Phoebus dành cho Esmeralda đã làm cô cảm thấy bất an và ghen tuông, cô cùng những người bạn của mình đáp trả bằng cách đối xử với Esmeralda một cách đầy khinh miệt và ác ý. Fleur-de-Lys sau đó cũng không báo cho Phoebus biết Esmeralda chưa bị xử tử, điều này đã phá vỡ những liên lạc về sau của hai người – dù khi đó Phoebus cũng không còn yêu Esmeralda nữa nên việc này cũng không quan trọng Cuốn tiểu thuyết kết thúc với hôn lễ của họ.





  • Pierre Gringoire là một nhà thơ nghèo khó. Anh đã phạm sai lầm khi lạc bước vào “Cung điện thần kỳ”, lãnh địa của đám ăn mày. Để bảo đảm bí mật không lộ ra ngoài, Gringoire phải bị treo cổ chết, hoặc phải lấy một người Gypsy. Mặc dù Esmeralda không yêu anh, trên thực tế cô còn tin rằng anh là một thằng hèn chứ không phải một người đàn ông chân chính – không như Phoebus, anh đã thất bại trong việc giải cứu cô khỏi Quasimodo – nhưng cô đã rủ lòng thương trước hoàn cảnh tuyệt vọng của anh và đồng ý kết hôn với anh. Nhưng do đã đem lòng yêu Phoebus, cô không để anh chạm vào mình, và điều đó khiến anh vô cùng thất vọng.





  • Sơ Gudule, tên trước kia là Paquette la Chantefleurie, là một nữ ẩn sĩ sống ở nơi tách biệt trong một căn phòng nhỏ giữa trung tâm Paris. Bà luôn bị dày vò sau khi mất đứa con gái Agnes, người mà bà tin là đã bị bọn Gypsy ăn thịt khi còn là một đứa bé, và dành cả đời để khóc thương con. Cô con gái thất lạc lâu năm của bà cuối cùng lại là Esmeralda.





  • Louis XI là Hoàng đế Pháp. Xuất hiện ngắn ngủi khi ông nhận được tin về cuộc bạo loạn ở Nhà thờ Đức bà. Ông đã ra lệnh cho quân lính đi giết những kẻ nổi loạn, và cả “con phù thủy” Esmerealda.





  • Trisan I’Hermite là bạn của vua Louis XI. Ông đã dẫn đầu đoàn người đi để bắt Esmeralda.





  • Henriet Cousin là tên đao phủ của thành phố, người đã treo cổ Esmeralda.





  • Florian Barbedienne là thẩm phán đã phạt Quasimodo phải chịu tra tấn. Ông ta cũng bị điếc.





  • Jacques Charmolue là bạn của Frollo, người phụ trách việc tra tấn tù nhân. Lão ta đã bắt Esmeralda khai nhận rằng cô đã giết Phoebus rồi sau đó tống cô vào tù.





  • Clopin Trouillefou là vua của đám ăn mày. Hắn tập hợp người ở Cung điện Thần kỳ đến để giải cứu Esmeralda khỏi Nhà thờ Đức Bà sau khi được Gringoire đề xuất ý tưởng. Cuối cùng hắn bị giết chết trong cuộc tấn công của quân lính Nhà vua.





  • Pierrat Torterue là kẻ tra khảo đã tra tấn Esmeralda sau cuộc thẩm vấn của cô. Hắn hành hạ cô dã man khiến cô khai không đúng sự thật, tự định đoạt số phận của mình. Hắn cũng chính là viên công chức đã thi hành lệnh phạt roi cho Quasimodo do Barbedienne kết án.






Chủ đề chính




Tựa đề gốc bằng tiếng Pháp của tác phẩm, Notre-Dame de Paris (tên trang trọng của Toà thánh đường) đã cho thấy Nhà thờ là khía cạnh quan trọng nhất của quyển truyện, vừa là bối cảnh chính, vừa là trọng tâm của chủ đề câu truyện. Ngoài trường hợp ngoại lệ là cuộc gặp gỡ của Phoebus với Esmearlda thì hầu hết mọi sự kiện chính của quyển truyện đều xảy ra bên trong, bên trên, quanh khu vực bên ngoài nhà thờ, và cũng được quan sát bởi một nhân vật đứng ở bên trong, bên trên và quanh khu vực bên ngoài nhà thờ. Tòa thánh đường đã rơi vào tình trạng hư hại nặng nề vào thời điểm tác phẩm được viết, cũng là điều Hugo muốn chỉ ra. Quyển sách mô tả thời kỳ Gothic như đỉnh cao của kiến trúc, niềm đam mê và tôn giáo. Chủ đề về thuyết định mệnh (số phận và số mệnh) được khám phá cũng như sự vận động và xung đột của xã hội.





Nét tương phản dữ dội giữa các tầng lớp xã hội được thể hiện qua mối quan hệ của Quasimodo và Esmeralda với nhũng người thuộc các tầng lớp cao hơn trong quyển sách. Độc giả cũng có thể thấy rất nhiều chủ đề hiện đại bắt nguồn từ tác phẩm bao gồm cả cái nhìn đầy màu sắc của động lực giới tính. Ví dụ như Phoebus coi Esmeralda là một công cụ tình dục. Và, trong khi Esmeralda thường được khắc họa như biểu tượng của sự trinh bạch – đó rõ ràng là cách Quasimodo nhìn cô – cô lại tự coi mình là một món đồ của đại úy cung thủ Phoebus, điều này rất kỳ quặc khi đọc giả nhìn theo quan điểm của anh ta.





Trong tiểu thuyết, Hugo đã giới thiệu một trong số những chủ đề ở đoạn mở đầu và câu chuyện thứ nhất của quyển một, có tiêu đề là “Gian đại sảnh”. Chủ đề này là một khám phá của sự phát triển văn hóa và cách con người truyền đạt những tư tưởng của mình một cách gần như liên tục từ thời đại này sang thời đại khác thông qua văn học, kiến trúc, và nghệ thuật. Hugo đã nhận ra rằng sự phát triển văn hóa không chỉ là giữa nước Pháp thời xưa và thời hiện đại, mà còn là thế giới cổ đại của Hy Lạp và La Mã. Ông tiếp tục trau chuốt chủ đề này trong suốt phần còn lại của quyển đầu tiên.





Một chủ đề quan trọng khác trong tác phẩm đó là không thể đánh giá một người qua ngoại hình và diện mạo. Vì Frollo là mục sư, người ta thường cho rằng ông là một người đàn ông tử tế và ngay thẳng. Nhưng trong thực tế, ông ta là kẻ độc ác, chuyên lợi dụng kẻ khác, và xấu xa một cách đáng khinh. Trái lại, hầu hết mọi người đều coi Quasimodo như quỷ dữ do vẻ ngoài dị dạng của hắn. Nhưng bên trong hắn lại tràn đầy tình thương và lòng tốt. Esmeralda cũng bị đánh giá sai; bởi vì cô là người gypsy, những người dân Paris coi cô là ác quỷ; nhưng cũng như Quasimodo, cô cũng tràn đầy tình thương và lòng tốt. Phoebus trông rất ưa nhìn và đẹp trai, nhưng anh ta lại là kẻ kiêu căng, ích kỷ, bỉ ổi, và không đáng tin.





Trước khi câu chuyện bắt đầu, Hugo đã phát triển chủ đề về sự phát triển văn hóa trong phần mở đầu của quyển tiểu thuyết. Hugo viết, ông đã tìm thấy từ “ANANKH” được khắc trên đá, nhưng sau đó nó đã bị quét vôi và bị cạo đi. Ông tiếp tục, “Những chữ hoa Hy Lạp viết hoa đó đen nhẻm màu hoang phế và được khắc sâu vào đá, không hiểu dáng dấp và đường nét chúng có dấu hiệu gì riêng biệt của bút tích Gothic, như thể do bàn tay thời Trung đại viết, nhất là ý nghĩa rùng rợn và định mệnh bao hàm trong đó, đã khiến cho tác giả vô cùng sửng sốt.” Trong chương IV cho thấy từ đó có nghĩa là “Định mệnh.”





Trong phần mở đầu, hiển nhiên Hugo đã nhận ra những điểm giống nhau trong văn hóa cổ đại và hiện đại. Ông nói rằng những ý tưởng được thể hiện trong các sự kiện và truyền thuyết của Hy Lạp cổ đại rất giống với nhũng ý tưởng của thế giới Trung cổ, như thể các văn bản cổ xưa thực sự được viết nên bởi một người thời trung cổ. Hugo ngụ ý rằng lý do khiến ý tưởng của hai thời đại giống nhau đến thế là do sự lưu truyền từ thời đại này sang thời đại khác thông qua văn học và chữ viết. Vào thời Hy Lạp cổ, các sự kiện và truyền thuyết thường được khắc trên những tấm thẻ bằng đá. Vì những văn bản cổ xưa đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng có tầm ảnh hưởng rất quan trọng trong xã hội Trung cổ, khoảng thời gian mà những tác phẩm ở châu Âu cổ đại được tán dương và yêu quý. Tương tự như vậy, ý tưởng in ấn văn học lên một vật nào đó cho mọi người cùng đọc cũng được lưu truyền qua hai thời đại. Tuy nhiên, thay vì được khắc lên những tấm thẻ bằng đá, văn học được in ấn trên giấy và giấy da đều bắt đầu vào thời trung cổ.





Trong ví dụ này, Hugo đã miêu tả tầm quan trọng của kiến trúc và cách nó trở thành biểu tượng cho những giá trị và tư tưởng trong xã hội. Những kiến trúc hoa lệ và lộng lẫy nằm trong đống đổ nát của Paris cho thấy đam mê làm giàu, nghệ thuật, và cái đẹp đang chết dần trong xã hội. Niềm đam mê này sống lại trong suốt thời Phục hưng, thời kỳ mà nghệ thuật và lối sống cổ đại được tôn sùng. Một lần nữa, Hugo ghi nhận công lao của xã hội cổ đại về sự đam mê cố hữu này. Ông nói rằng, cho dù các công trình kiến trúc nguyên thủy và những tòa nhà của nước Pháp cổ đại có thể bị hư hỏng hoặc đổ nát, nhưng chính vẻ đẹp kiến trúc của chúng đã tạo cảm hứng cho phong cách gothic thời trung cổ. Hugo thừa nhận nguồn cảm hứng này khi ông nói: “Từ Gothic, với ý nghĩa thường dùng, là rất không chính xác, nhưng hoàn toàn được thừa nhận. Do đó, chúng ta tiếp nhận nó và cũng như mọi người, ta dùng nó để chỉ nền kiến trúc của nửa sau thời Trung Cổ lấy vòng cung nhọn làm nguyên tắc, nó tiếp nối thành công nền kiến trúc của thời kỳ đầu lấy nửa vòng cung tròn làm mẫu mực.”





Chủ đề của Quyển một trong Thằng gù Nhà thờ Đức Bà là sự phát triển văn hóa. Hugo muốn cho thấy cách con người trên thế giới thể hiện tư tưởng của họ và của những kỷ nguyên trước đó thông qua văn học và công nghệ. Trong Chương đầu tiên của Quyển một, Hugo tiếp tục củng cố ý tưởng về sự phát triển văn hóa giữa những kỷ nguyên. Ông lý luận rằng có một cách khác để ý tưởng được truyền đi giữa những nền văn hóa và thời đại khác nhau và đó là nhờ kiến trúc và văn học. Cách dàn cảnh và kiến trúc là điểm xuất sắc trong Thằng gù Nhà thờ Đức Bà, và Hugo thường đi vào các chi tiết quan trọng miêu tả những tòa nhà và đài tưởng niệm thời trung cổ ở Paris. Ông kết nối những công trình này và kiểu kiến trúc với nguồn gốc gothic của chúng, có niên đại từ thời cổ xưa. Trong một đoạn miêu tả rất dài, Hugo nói: “…Hiện nay chẳng còn sót lại mấy tí của ngôi nhà đầu tiên các vua Pháp ngự… Thời gian đã làm gì, con người đã làm gì đối với những kỳ quan ấy? Tất cả những thứ ấy, tất cả lịch sử xứ Gallic, tất cả nền nghệ thuật Gothic còn để lại được cho ta những gì? Các vòm cung tròn thấp nặng của M. de Brosse, kiến trúc kỳ lạ của cách cổng nhà thờ Saint-Gervais. Đó là với nghệ thuật; còn với lịch sử, ta có những kỷ niệm lắm lời của chiếc cột trụ vĩ đại, còn vang các câu lảm nhảm của bộ Patru.” Trong suốt toàn bộ Quyển một, Hugo nhấn mạnh sự lưu truyền tư tưởng từ thời đại này sang thời đại khác thông qua văn học, kiến trúc, và nghệ thuật. Ông có niềm đam mê đối với kiến trúc Gothic của nước Pháp thời trung cổ và vì thế ông đã xây dựng một giọng điệu chứa đầy cảm xúc hoài cổ đối với nghệ thuật Gothic mà ta có thể thấy rõ xuyên suốt quyển tiểu thuyết.





Trong Quyển hai của Thằng gù Nhà thờ Đức Bà, Hugo làm nổi bật rất nhiều biểu hiện của lòng trung thành. Quasimodo thể hiện một sự sùng bái khó tin với vị linh mục trong Chương ba; hắn “vẫn quỳ đó, cúi đầu và chắp tay” trước mặt đức cha. Trong Chương bốn, đội cảnh sát cũng thể hiện lòng trung thành với nhà vua khi họ đi tuần trên đường phố Paris. Trong cuộc tuần tra này, họ đã bao vây Quasimodo và giải cứu cô gái gypsy đang là con mồi trong tay nó. Con dê của cô gái cũng là một biểu tượng của sự trung thành. Nó tiếp tục đi theo cô không rời nửa bước, ngay cả khi Quasimodo bắt cóc cô và khi cô chạy trốn khỏi nhóm cảnh sát. Ba tên bất lương đem Gringoire tới chỗ ‘nhà vua’ của bọn chúng - một tên ăn mày mà chúng vẫn răm rắp tuân lệnh một cách khó tin. Esmeralda thể hiện lòng tận tâm với con người khi cô kết hôn với Gringoire để cứu mạng anh ta; cho dù không yêu anh, cô vẫn muốn anh sống sót. Gringoire cũng rất tận tụy với sự nghiệp thơ ca và triết học đến nỗi chỉ cần nhắc đến từ “có lẽ” hoặc một khái niệm bí ẩn nào đó cũng đủ để khiến dũng khí hoặc sự tò mò trong anh dâng tràn, tùy từng trường hợp. Pierre Gringoire ghi nhớ công ơn của đức cha Claude Frollo về tất cả kiến thức cùng những thành công của mình và rất trung thành với Frollo bằng cách thể hiện sự tôn kính đối với ông khi anh nói, “Nhờ ông mà hôm nay tôi mới trở thành học giả thực thụ.” Lòng trung thành là một chủ đề cốt yếu trong Quyển hai của Thằng gù Nhà thờ Đức Bà và sự hiện diện cùng tầm quan trọng của nó được thể hiện theo nhiều cách khác nhau.





Chương một của Quyển ba có thủ đề là sự thay đổi theo thời gian. Quyển ba tập trung vào Tòa giáo đường Paris, và vẻ bề ngoài đã bị thời gian bào mòn của nó. Người kể chuyện mô tả thánh đường như là một nơi đã từng rất đẹp, giờ bị tàn phá theo thời gian. Những ô cửa sổ bằng kính ố màu được thay thế bằng “những tấm kính trắng, lạnh lẽo” và nó trở nên rõ ràng khi người dẫn truyện nhìn sự thay đổi của nhà thờ một cách tiếc nuối (Hugo). Việc đổi mới và tu sửa nhà thờ lớn có vẻ như đã làm giảm bớt giá trị bên trong của nó. Cầu thang bị chôn vùi dưới lớp sỏi đá của một thành phố đầy hối hả, và những pho tượng bị dời đi. Thời gian trôi qua đã đem đến những thay đổi lớn cho nhà thờ, thường là theo hướng tiêu cực. Những kỷ nguyên trôi qua để lại những vết thẹo không thể chữa lành trên toà thánh. Người kể truyện miêu tả, “Thói thời thượng còn tác hại hơn cả cách mạng,” (Hugo). Việc trùng tu và sửa đổi tòa thánh đường là một vết tích đáng tiếc của thời gian; chính là chủ đề của Quyển ba.





Chủ đề diễn ra trong Quyển bốn của Thằng gù Nhà thờ Đức Bà là tình yêu. Tình yêu có thể hiện diện trong rất nhiều hình thức. Tình yêu giữa mẹ và con, tình yêu giữa con người và sở thích của anh ta, và tình yêu giữa con người và vật thể là những mối quan hệ xuất hiện trong Thằng gù Nhà thờ Đức Bà. Claude Frollo là linh mục của Nhà thờ Đức Bà. Khi trưởng thành, ông từng là một chàng trai vô cùng thông minh. Ông say mê khoa học và y thuật. Ông đam mê học tập; đó là niềm say mê của ông. Sau đó trong truyện ông thậm chí còn vùi đầu vào khoa học và nghiên cứu khi ông cảm thấy đời mình đang xuống dốc. Học hỏi là tình yêu của Frollo cho tới ngày cha mẹ ông qua đời, và ông nhận nuôi em trai mình, Jehan. Rồi ông nhận ra “chỉ cần tình yêu cho em trai là đầy đủ cho cả cuộc đời.” Frollo dồn tất cả sức lực để chăm lo cho Jehan, ông yêu cậu bé một cách vô điều kiện. Ông cũng nhận nuôi một đứa trẻ khác mà sau đó được gọi là Quasimodo, với lý do “nếu chàng chết, chú em Jehan thân yêu cũng rất có thể bị vứt bỏ khốn khổ trên chiếc giường đặt trẻ vô thừa nhận, tất cả những điều ấy cùng lúc ập vào tâm tư; chàng liền thấy cảm thương vô hạn và bế đứa trẻ đi.” Cho dù đứa trẻ có hình thù gớm guốc và không ai muốn nhận nuôi, Frollo hứa sẽ chăm sóc hắn và luôn yêu thương hắn, như những gì ông làm với người em trai. Sự xấu xí của Quasimodo chỉ càng khiến Frollo yêu thương hắn nhiều hơn. Khi đứa trẻ vô thừa nhận lớn lên, hắn được cha nuôi, Frollo, giao cho trọng trách kéo chuông. “Hắn yêu mến, vuốt ve, trò chuyện, thông cảm với chúng [những quả chuông].” Quasimodo yêu những quả chuông của mình; và quả chuông yêu quý nhất của hắn được đặt tên là Marie (quả lớn nhất). Quasimodo cũng yêu cha mình, Frollo. Dù sao thì, ông “đã đưa hắn về, nhận làm con, rồi nuôi nấng, dạy bảo… cuối cùng còn cho hắn làm người kéo chuông.” Ngay cả khi Frollo đối xử không tốt với Quasimodo, hắn vẫn yêu ông rất nhiều. Trong Quyển bốn, tình cảm giữa cha và con được thể hiện. Frollo yêu thương cả hai người “con nuôi” của mình hết mực. Tất cả mọi người cũng có những vật dụng và thói quen mà họ vô cùng yêu mến; Froll say mê học hỏi, và Quasimodo yêu những quả chuông trong thánh đường của hắn.





Chủ đề của Chương một và hai trong Quyển năm là kỹ thuật mới được tạo ra trong khoảng thời gian này sẽ hủy hoại những kiến thức của quá khứ, và vĩnh viễn chôn vùi nó khỏi những thế hệ tiếp theo. Nước Pháp, vào thời điểm mà Hugo viết tác phẩm này, là khoảng thời gian tái xây dựng sau cuộc Cách mạng Pháp. Con người bắt đầu chia ra hai hướng; một ủng hộ chế độ cộng hòa Pháp và những người còn lại phản đối điều đó. Rất nhiều thay đổi diễn ra trong thời gian này, và mọi người không biết nên dựa vào đâu. “Cuốn sách sẽ giết tòa nhà,” Hugo đã xây dựng chương này phần lớn dựa vào lời trích dẫn ấy. “Máy in sẽ giết chết nhà thờ.” Cả câu nói có nghĩa là chiếc máy in, một phát minh mới, sẽ áp đảo nhà thờ. Trong tác phẩm của mình Hugo nói, “Trước hết đó là một tư tưởng của linh mục. Là sự sợ hãi của giáo quyền trước một động lực mới, nghề in. Là nỗi kinh hoàng của kẻ phụng sự đền miếu trước máy in chói sáng của Gutenberg.” Nhà thờ lo sợ rằng một khi máy in lên đến đỉnh cao, người dân nước Pháp sẽ không còn đến và lắng nghe lời linh mục nữa, thay vào đó họ tin vào sách vở. Công dân nước Pháp bắt đầu thay đổi cách nhìn và quan điểm về những gì họ đã được dạy trong nhiều thập kỷ trước. Máy in là một tiến bộ mới cho người dân, và sở hữu cái máy có thể in ra hàng trăm bản sao của cùng một tác phẩm viết tay là điều đáng kinh ngạc. Máy in sẽ lật đổ nhà thờ và sự ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của con người. “Ấn loát sẽ giết chết kiến trúc,” là một quan điểm khác được Hugo nhắc đến. Kiến trúc là cách mà con người truyền đạt tư tưởng. Hugo nói, “…suy nghĩ khởi đầu và đơn giản nhất, nhưng không thể nghi ngờ rằng trong quan điểm của chúng ta cũng có một suy nghĩ khác, mới hơn và là hệ quả của suy nghĩ đầu tiên, khó nhận thấy nhưng dễ bài bác, một quan điểm cũng triết học tương tự, không phải riêng của linh mục, mà của nhà bác học và nghệ sĩ. Đó là mối linh cảm rằng khi tư tưởng con người đã thay đổi hình thái, cũng sẽ thay đổi luôn cả cách thức biểu hiện, rằng ý tưởng căn bản của mỗi thế hệ sẽ không thể viết ra với cùng một chất liệu và cùng một phương thức,…” Bởi vì linh mục là tối cao, và hầu hết đều nắm quyền điều hành xã hội Pháp, họ cũng kiểm soát rất nhiều công trình kiến trúc. Linh mục có truyền đạt tư tưởng thông qua các tòa nhà, bởi vì nhiều công trình ở Pháp được coi là thánh tích tôn giáo. Máy in sẽ là một phương thức giao tiếp mới, xóa sổ quá khứ khỏi mọi suy nghĩ thời nay. Máy in sẽ kiểm soát xã hội và những công dân sẽ không còn tôn sùng những thứ đã từng được coi là kiệt tác nghệ thuật vĩ đại, mà thay vào đó chỉ đơn giản coi chúng là một công trình nào đó ở nơi họ sống. Chủ đề chính được thể hiện trong Quyển năm là “Máy in sẽ hủy hoại kiến trúc.” Hugo nói rằng “Kiến trúc là cuốn sách lớn của nhân loại.” Trước khi có máy in, những ý tưởng được truyền đi thông qua kiến trúc bởi vì không thể dễ dàng sản xuất một số lượng lớn sách vở và những toàn nhà lớn quan trọng thì được nhiều người biết đến. Hugo cũng nói rằng “Kiến trúc là chữ viết của loài người.” Vì thế ngưởi ta có thể dễ dàng truyền đạt tư tưởng bằng cách kết hợp nó với kiến trúc của một tòa nhà. Sự phát minh ra máy in đã thay đổi điều này vì bây giờ sách có thể được sản xuất với số lượng lớn. Truyền đạt tư tưởng thông qua chữ in sẽ dễ dàng hơn kết hợp nó với kiến trúc của một tòa nhà. Với nguyên lý này, Hugo hàm ý rằng máy in sẽ hủy hoại kiến trúc, vì kiến trúc sẽ không còn mang ý nghĩa như một cách quan trọng để diễn giải những tư tưởng nữa. Kiến trúc rồi sẽ chỉ đơn giản là một loại hình nghệ thuật và không còn là phương pháp duy nhất để truyền đạt tư tưởng từ nơi này sang nơi khác nữa.





Một chủ đề được thể hiện trong văn học là tình yêu có thể mang lại tác động tiêu cực cho những kẻ bị cuốn vào trong đó. Chủ đề này hiện lên rõ ràng trong Quyển mười một vì mọi điều bất hạnh của tình yêu đều được phơi bày. Tình yêu say đắm của Esmeralda dành cho Phoebus đã dẫn cô đến cái chết khi cô không kiềm chế được mà gọi tên anh trong lúc đang trốn tránh quân lính của Nhà vua, những người này đã bắt giữ cô và đưa cô đến giá treo cổ. Sự điên loạn và suy đồi đạo đức của Frollo được đề cập đến đều do tình yêu đến ám ảnh của ông dành cho Esmeralda, dẫn tới cái chết của chính ông khi Quasimodo ném ông xuống từ tháp chuông lúc ông phá ra cười trước cái chết của Esmeralda. “Ông chạy đi kéo cả cô gái chạy theo, vì vẫn không chịu buông tay cô, ông đi thẳng tới đài treo cổ và chỉ cho cô gái xem, lạnh lùng bảo, “Cô hãy chọn giữa nó và ta.” Cô giằng khỏi tay ông và gục xuống chân đài treo cổ, ôm chầm lấy nơi nương tựa chết chóc này. Rồi cô hơi ngoái khuôn mặt xinh đẹp của mình lại nhìn vị linh mục qua vai mình. Trông cô lúc ấy như Đức mẹ đồng trinh dưới chân cây thánh giá. Linh mục đứng im phăng phắc, ngón tay vẫn chỉ lên đài treo cổ, giữ nguyên cử chỉ đó như pho tượng. Cuối cùng, cô gái gypsy bảo ông, ‘Tôi còn thấy nó không ghê tởm bằng ông’.” Đoạn trích này trong cuốn tiểu thuyết là ví dụ cho sự tuyệt vọng của Frollo trước tình yêu ông dành cho Esmeralda cũng như tình yêu say đắm của Esmeralda dành cho Phoebus, vì cô thà chết còn hơn phải yêu kẻ khác. Một ví dụ nữa cho thấy tình yêu phương hại đến những người trong cuộc là tình yêu của Quasimodo dành cho Esmeralda. Điều này có thể thấy rõ khi gã nói, “Ôi – đó là tất cả những gì ta yêu quý!” sau khi nhìn thấy xác của Frollo trên nền đất dưới chân tháp và thi thể của Esmearlda bị treo cổ phía xa. Trích đoạn này giúp thể hiện tất cả những gì hắn yêu quý trên đời đã bị tước đoạt khỏi hắn. Sự chết chóc tiềm ẩn trong tình yêu sau đó đã đến với hắn khi tình yêu trong sáng nhưng ám ảnh của hắn dành cho Esmearlda đã khiến hắn tự kết liễu cuộc đời mình bằng cách bước vào hầm mộ cùng cô và nhịn đói đến chết còn hơn là phải sống một cuộc đời thiếu vắng tình yêu.





Kiến trúc



Kiến trúc là mối quan tâm lớn của Hugo trong Nhà thờ Đức bà Paris, không phải chỉ được khắc họa qua tòa thánh đường, mà còn xuyên khắp Paris và châu Âu như biểu tượng của một loại hình nghệ thuật, mà theo Hugo lý luận, sắp biến mất cùng với sự ra đời của máy in. Điềm báo của Claude Frollo, ‘Ceci tuera cela’ ("Cái này sẽ giết chết cái kia,” khi ông nhìn từ quyển sách in sang tòa thánh đường), đã tóm tắt luận điểm này, được trình bày chi tiết trong Quyển năm, chương hai. Hugo viết rằng ‘quiconque naissait poète se faisait architecte’ (“ai sinh ra là thi sĩ đều trở thành kiến trúc sư”), biện luận rằng trong khi chữ viết tay bị kiểm duyệt gắt gao và khó sao chép lại, kiến trúc là rất xuất chúng và có quyền tự do đáng kể.




Quote:







Il existe à cette époque, pour la pensée écrite en pierre, un privilège tout-à-fait comparable à notre liberté actuelle de la presse. C'est la liberté de l'architecture.



Vào thời đó, đối với tư tưởng viết bằng đá, có một đặc quyền hoàn toàn có thể so sánh được với quyền tự do báo chí hiện nay. Đó là quyền tự do kiến trúc.



—Quyển năm, Chương 2.


Với sự xuất hiện gần đây của máy in, việc sao chép lại ý tưởng của một người trên giấy trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, và Hugo xem thời kỳ này là đại diện cho sự bừng nở cuối cùng của kiến trúc như một hình thức nghệ thuật vĩ đại. Với những cuốn sách của mình, Hugo cảm thấy hứng thú với khoảng thời gian mà đối với ông là đỉnh cao giữa hai mặt của xã hội.





Chủ đề chính của quyển thứ ba là trong quá khứ thánh đường đã được sửa chữa, nhưng việc trùng tu và thêm thắt đã làm nó trở nên tệ hơn: “Và ai đã lắp các kính trắng lạnh lẽo thay vào những cửa sổ ấy” và “… ai đã thay cái bàn thờ gothic cổ đầy những tráp thánh và hòm thánh vật lộng lẫy bằng cái quách đá hoa nặng trịch, trạm trổ mặt thần tiên và mây” là một vài ví dụ cho điều đó. Chương này cũng tranh luận rằng bằng cách nào, sau khi tu sửa thánh đường sau cuộc Cách mạng Pháp, không có một kiểu dáng đáng kể nào được thêm vào. Có vẻ như những kiến trúc mới hiện nay thực sự còn xấu xí hơn và tệ hơn trước khi được sửa chữa.








Ý nghĩa văn học và sự đón nhận




Hugo giới thiệu ý tưởng rằng tiểu thuyết cũng như một Sân khấu sử thi cùng với tác phẩm của mình. Một bản hùng ca vĩ đại về lịch sử của toàn thể nhân loại, được thể hiện qua hình tượng nhà thờ lớn như một nhân chứng và nhân vật trung tâm thầm lặng của lịch sử. Toàn bộ ý tưởng về thời gian và cuộc sống như một bức tranh có hệ thống và đang tiếp tục phát triển, bao quanh bởi những nhân vật được bắt gặp giữa những trang sử đó. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên có nhân vật chính là những tên ăn mày.





Notre Dame de Paris là tác phẩm giả tưởng đầu tiên chứa đựng toàn bộ cuộc sống, từ Vị vua của nước Pháp cho tới những con chuột cống ở Paris, trong một bút pháp mà sau đó được Honoré de Balzac, Gustave Flaubert và rất nhiều người khác, bao gồm cả Charles Dickens, quy nạp. Sự đón nhận rộng rãi của quyển sách ở Pháp đã cổ động cho cuộc vận động duy trì lịch sử còn non trẻ ở quốc gia này và cổ vũ mạnh mẽ sự phục hưng của nền kiến trúc Gothic. Cuối cùng, nó dẫn đến những đổi mới đáng kể ở Nhà thờ Đức Bà vào thế kỷ 19 được dẫn dắt bởi Eugène Viollet-le-Duc. Phần lớn vẻ bề ngoài hiện nay của thánh đường là kết quả của việc tu sửa này.








Nghĩa ẩn dụ và tham khảo




Trong thực tế lịch sử, địa lý, và khoa học thời bấy giờ



Trong Thằng gù Nhà thờ Đức bà, Victor Hugo đã thường xuyên nhắc đến kiến trúc của tòa thánh đường Nhà thờ Đức Bà ở Paris. Ông cũng đề cập đến sự phát minh ra máy in, khi người làm sách gần phần mở đầu của tác phẩm nhắc đến “một thứ dịch hạch của nước Đức.”



Vào năm 2010, chuyên viên lưu trữ văn thư người Anh Adrian Glew đã khám phá ra mối liên hệ với một thằng gù ngoài đời thực – quản đốc của xưởng điêu khắc trực thuộc chính phủ ở Paris vào những năm 1820, người làm việc trùng tu Thánh đường trước cuộc Cách mạng.





Trong các tác phẩm khác



Cái tên Quasimodo trở thành từ đồng nghĩa với “một trái tim quả cảm ẩn dưới vẻ bề ngoài kệch cỡm.”








Chuyển thể




Đến nay, tất cả phim và chương trình truyền hình chuyển thể đều có phần xa rời nội dung gốc, một số đi xa tới nỗi tạo cho tác phẩm một kết thúc có hậu, như trong bộ phim kinh điển năm 1939 với Charles Laughton thủ vai Quasimodo và Maureen O'Hara vai Esmeralda (mặc dù Quasimodo đã để mất cô cho Gringoire trong phiên bản này). Bộ phim năm 1956 của Pháp, có sự tham gia của Anthony Quinn và Gina Lollobrigida, là một trong số ít những bản có kết thúc gần như giống với tiểu thuyết, dù nó có một vài thay đổi ở những phần khác trong câu chuyện. Không giống hầu hết những bản chuyển thể, phim hoạt hình của Disney có kết thúc dựa trên cảm hứng từ bản opera được viết bởi chính Hugo.

  • Phim



    • Esmeralda (phim năm 1905)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1911)

    • (Người yêu quý của Paris (The Darling of Paris)

    • Esmeralda (phim năm 1922)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1923)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1939)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1956)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1996)

    • Thằng gù (The Hunch Back - phim năm 1997)

    • Quasimodo d'El Paris



  • Truyền hình



    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - miniseries năm 1966)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame 0 miniseries năm 1977)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1982)

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - phim năm 1986)

    • Cuộc phiêu lưu kì diệu của Quasimodo (The Magical Adventures of Quasimodo)



  • Kịch



    • Năm 1977, bản chuyển thể bởi Ken Hill được trình diễn tại National Theatre ở London.

    • Năm 2010, bản chuyển thể bởi Pip Utton được trình diễn tại The Pleasance như là một phần của Lễ hội Edinburgh Fringe.

    • Năm 2012, bản chuyển thể bởi Jethro Compton được trình diễn tại Selby Abbey bởi Belt Up Theatre

    • Năm 2013, bản chuyển thể bởi James Villafuerte được trình diễn tại Tanghalang Pasigueño Villa Teatro

    • Năm 2013, bản chuyển thể tiếng Anh của Der Glöckner von Notre Dame bởi The King's Academy Fine Arts Department được trình diễn tại The King's Academy Sports & Fine Arts Center.



  • Âm nhạc



    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame) viết bởi Alec R. Costandinos và Syncophonic Orchestra năm 1977, một bản nhạc disco dài 28 phút kể lại câu chuyện hùng tráng của Quasimodo và Esmeralda.

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - là bản thu âm năm 1996 viết bởi ca sĩ cũ của nhóm Styx - Dennis DeYoung cho phần nhạc chuyển thể của tiểu thuyết.

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame) bản nhạc thu cho bộ phim năm 1996 của Disney, viết bởi Walt Disney Records.



  • Nhạc kịch



    • La Esmeralda, bản opera do Louise Bertin trình bày (1836), viết lời bởi Victor Hugo.

    • Esmeralda, bản opera do Alexander Dargomyzhsky trình bày (1847) dựa trên tiểu thuyết của Victor Hugo.

    • Esmeralda, bản opera do Arthur Goring Thomas trình bày (1883), cũng dựa trên tiểu thuyết tương tự của Victor Hugo.

    • Nhà thờ Đức bà (Notre Dame), bản Opera trữ tình gồm hai hồi do Franz Schmidt trình bày, được biên soạn theo nguyên tác của Victor Hugo bởi Schmidt và Leopold Wilk: từ 1902 đến 1904, trình diễn lần đầu tại Vienna năm 1914.

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - 1993), bản Off Broadway do Byron Janis soạn nhạc, viết lời bởi Hal Hackady và biên soạn bởi Anthony Scully.

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - 1993), một vở nhạc kịch với phần biên soạn và lời được viết bởi Gary Sullivan và nhạc bởi John Trent Wallace. Sau khi sản xuất tại nhà hát Mermaid ở London nó được phát hành bởi Samuel French Ltd năm 1997 và đã nhận được một số hợp đồng ở Anh quốc, cũng như ở New Zealand và Australia. Năm 2010 nó được viết lại thành một bản nhạc kịch bình thường, với tựa đề Nhà thờ Đức bà (Notre Dame).

    • Năm 1998, Nhà thờ Đức bà Paris (Notre-Dame de Paris) biểu diễn ở Paris và đạt được thành công lập tức. Nó được xem là bản chuyển thể thành công nhất từ một tiểu thuyết, ngoài "Bóng ma opera" (The Phantom of the Opera) và "Những người khốn khổ (Les Misérables). Nó cũng được biểu diễn trên sân khấu bởi Nicholas DeBaubien.

    • Từ 1999 đến 2002, bộ phim của Disney được chuyển thể thành một tác phẩm âm nhạc tăm tối và mang đậm chất Gothic hơn, được gọi là Der Glöckner von Notre Dame (dịch ra là Người kéo chuông của Nhà thờ Đức Bà), được James Lapine viết lại và biên đạo, sản xuất bởi một chi nhánh kịch nghệ của Disney ở Berlin. Phần lồng tiếng cũng được ghi âm bằng tiếng Đức. Đó là đề tài thảo luận về sự hồi sinh của nền nhạc kịch ở Hoa Kỳ.

    • Phiên bản rock được phát hành tại Seattle, Washington năm 1998 với tựa đề "Thằng gù" (Hunchback) do C. Rainey Lewis viết nhạc và kịch bản.

    • Phiên bản nhạc kịch, do Dennis DeYoung soạn nhạc, được trình diễn ở Chicago tại Bailiwick Repertory vào mùa hè năm 2008.

    • Bản chuyển thể lại của bản "Đức bà Paris" (Our Lady of Paris) do David Levinson soạn nhạc và lời, được biên soạn bởi Stacey Weingarten sản xuất dưới dạng sách tại Manhattan. Nó sửa lại diễn biến vào năm 1954 vào lúc bắt đầu cuộc xung đột Pháp - Algeria. Đạo diễn bởi Donna Drake, biên đạo nhạc bởi Mark Hartman, có sự tham gia của các diễn viên Michael Barr, Matt Doyle, Adam Halpin, Sevan Greene, Nadine Malouf, Megan Reinking và Price Waldman. Sau bản sách đầu tiên, bản nhạc đã được sửa lại; bản thứ hai được sản xuất vào Tháng một năm 2011 dưới một tựa đề mới, Les Enfants de Paris.

    • Nhà thờ Đức bà Paris (Notre-Dame de Paris) là một vở nhạc kịch melo, viết bởi Zigmars Liepiņš dựa trên cuốn tiểu thuyết.



  • Ba lê



    [Dịch][Tác phẩm] Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Zucchi1_zps65d42d44
    Nữ diễn viên ba lê Virginia Zucchi trong vở La Esmeralda. St. Petersburg, năm 1886


    • La Esmeralda (1844) - biên đạo bởi Jules Perrot, do Cesare Pugni viết nhạc. Trình diễn lần đầu tại Her Majesty's Theatre ở London. Vở ba lê có một lịch sử trình diễn dài ở Nga qua sự trở lại của nhà biên đạo múa Marius Petipa tại St. Petersburg trong suốt cuối thế kỷ thứ 19.

    • Con gái của Gudule, hay Esmeralda (Gudule’s Daughter, or Esmiralda - 1902) – biên đạo bởi Alexander Alexeyevich Gorsky, nhạc bởi Antoine Simon.

    • Nhà thờ Đức bà Paris (Notre-Dame de Paris - 1965) – biên đạo bởi Roland Petit, trình diễn lần đầu tại Paris Opera Ballet.

    • Thằng gù Nhà thờ Đức bà (The Hunchback of Notre Dame - 1998) – biên đạo và đạo diễn bởi Michael Pink, bản nhạc gốc được Philip Feeney biên soạn; hiện có trong các tiết mục của Milwaukee Ballet, Boston Ballet, Royal New Zealand Ballet, Atlanta Ballet và Colorado Ballet.

    • Ringaren i Notre Dame (Người rung chuông ở Nhà thờ Đức Bà - 2009) – biên đạo bởi Pär Isberg và bản nhạc gốc soạn bởi Stefan Nilsson, trình diễn lần đầu vào Thứ sáu ngày 3 tháng Tư, bởi Royal Swedish Ballet.







  • Radio



    Quyển sách đã hai lần được chuyển thể và phát sóng tại BBC Radio 4 giống như Classic Serial của nó:
    • trong 5 phần từ ngày 6 tháng Một đến ngày 3 tháng Hai năm 1989, với Jack Klaff vai Quasimodo.

    • trong 2 phần vào ngày 30 tháng Mười một và ngày 7 tháng Mười hai năm 2008, với nam diễn viên bị điếc David Bower vai Quasimodo.









Lịch sử dịch thuật




Thằng gù Nhà thờ Đức Bà đã được dịch rất nhiều lần sang tiếng Anh. Những bản dịch thường được in ấn lại nhiều lần. Một vài bản dịch được sửa lại theo thời gian.

  • 1833. Được dịch bởi Frederic Shoberl dưới tên The Hunchback of Notre Dame. Đã được chỉnh sửa.

  • 1833. Được dịch bởi William Hazlitt dưới tên Notre Dame: A Tale of the Ancien Regime. Đã được chỉnh sửa.

  • 1888. Được dịch bởi Isabel F. Hapgood dưới tên Notre-Dame de Paris.

  • 1895. Được dịch bởi M.W. Artois et al., một phần của tác phẩm dài 28 tập The Novels of Victor Hugo, in lại vào thế kỷ thứ 20 dưới các tiêu đề khác.

  • 1956. Được dịch bởi Lowell Bair, cho Bantam Books và có trong Bantam Classics

  • 1964. Được dịch bởi Walter J. Cobb. Tái bản nhiều lần, theo ví dụ Signet Classics ISBN 0-451-52788-7

  • 1978. Được dịch bởi John Sturrock. Tái bản nhiều lần, theo ví dụ Penguin Classics ISBN 0-14-044353-3

  • 1993. Được dịch bởi Alban J. Krailsheimer dưới tên Notre-Dame de Paris. Tham khảo Oxford World's Classics ISBN 978-0-19-955580-2

  • 2002. Được tái bản bởi Catherine Liu của một bản dịch giấu tên vào thế kỷ thứ 19. Tham khảo Modern Library Classics ISBN 0-679-64257-9

  • 2006. Được dịch bởi Mary Grace M. Ada dưới tên Notre-Dame de Paris. Tham khảo Oxford World's Classics ISBN 978-0-19-955580-2
























Scheherazade
Scheherazade

Total posts : 262

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum