oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Review] Fate/Zero~ (Review 3)

Go down

[Review] Fate/Zero~ (Review 3) Empty [Review] Fate/Zero~ (Review 3)

Post by savi1398 Thu Nov 06, 2014 8:13 pm

tác giả
_Vy


Fate/Zero


Plot Summary

Một cuộc chiến đẫm máu...
Dưới sự chủ trì của Giáo Hội...
7 Master-Những con người "được chọn"...
7 Servant-Những Anh Linh được triệu hồi vào thế giới thực để hỗ trợ Master...
Tất cả chiến đấu cho một mục đích duy nhất: Giành được Chén Thánh- Cỗ Máy Ban Phép Màu.
Và sau 3 lần bất phân thắng bại trước đó đã mở đầu cho cuộc chiến thứ tư ác liệt hơn, với sự góp mặt của Emiya Kiritsugu-đại diện cho nhà Einzbern, Kotomine Kirei-linh mục nhà thờ, Tokiomi-đại diện nhà Tohsaka…
Cùng các Master khác, họ đã làm nên một trận chiến huy hoàng và một Fate/Zero tuyệt vời.


Cảm nhận
Plot/Nội dung
Lời nói đầu
Nếu lấy cột mốc là năm 2012, năm ra mắt Fate/Zero ss2-cao trào của cả series, và cũng là năm ra mắt các loạt Anime hành động đình đám khác, điển hình như bộ Anime Sword Art Online, thì Fate Zero có phần trội hơn cả.
Mang tiếng là một Prequel thì ắt sẽ có nhiều thiệt thòi. Bởi lẽ đó mà hiếm khi nào thấy 1 Prequel được đầu tư nghiêm túc và hay hơn bản gốc. Tuy nhiên, Fate/Zero lại là trường hợp cá biệt. Với một Prequel 25 Ep dài hơi như thế mà Fate/Zero vẫn tạo cho người xem cảm giác phấn khích từ đầu tới cuối, khiến người xem phải mong chờ hàng tuần chỉ để chìm đắm trong 23’ngắn ngủi. Fate/Zero thực sự là một sản phẩm thành công , vượt xa kì vọng ban đầu của người viết
Đánh giá
Từ trước tới giờ, con người không ngừng khao khát, ước mơ...
Từ trước tới giờ, con người không ngừng đặt những câu hỏi cho mình...
Từ trước tới giờ, con người vẫn đang hoài nghi về việc theo đuổi thứ gọi là “lí tưởng”...
Vì Thượng Đế không thể giải quyết hết, nên ngài, thông qua ba Gia Tộc Phép Thuật, đã tạo ra Chén Thánh và một cuộc chiến ác liệt để tranh giành cái Chén chăng?
Vâng, một cái chén ban phép màu. Mà nó có ban phép màu thật không? Hỏi Chúa đấy, nhưng Ngài sẽ không trả lời đâu. Chiến thắng và giành quyền mở ra đáp án đi...
Và hiểu theo nghĩa nào đó, Thượng Đế đã thành công. Ngài chọn ra những kẻ xứng đáng nhất, những kẻ có “lí tưởng” rõ ràng, để giải đáp mọi thắc mắc của thế gian. Nhưng người trong cuộc đâu hay biết rằng, khi họ đang chiến đấu lẫn nhau đây, họ đã tìm câu trả lời cho chính mình về cuộc đời này, về con đường mình đi. Phải tới tận cuộc chiến lần thứ tư, mới có kẻ giải mã trò chơi của Thương Đế. Đó là Emiya Kiritsugu, con người ấp ủ giấc mơ làm người của công lí. Ông đã thua, Ông đã trả cái giá đắt (God, you’re so cruel). Nhưng Emiya đã cho người viết, hay xa hơn là toàn thể thần dân coi Fate Zero, hay xa hơn nữa là toàn nhân loại biết những điều sau:
Thứ nhất, Chén Thánh có thực hiện mơ ước, nhưng là những mơ ước thầm kín nhất của con người. Có lẽ việc Chén Thánh ban điều ước không phải là dối trá, nhưng cách nó thực hiện thì thật tàn nhẫn (với kẻ này) nhưng sung sướng (với kẻ kia). Bởi Chén Thánh là “một cỗ máy”, “cỗ máy” thì chỉ hoạt động đúng chức năng của nó. Vì thế mà quyết định sau cùng của ông với Chén Thánh là đúng đắn: Hãy để chính mình tự quyết định và thực hiện con đường của mình, chứ đừng để lệ thuộc vào những phép màu. Bởi để có được điều kì diệu đó, bạn sẽ mất những thứ quí giá hơn mình tưởng. Có lẽ đó cũng là câu trả lời của Thượng Đế cho những nguyện vọng của con người.
Thứ hai, con người phải đi một quãng đường dài chỉ để tìm được hạnh phúc đơn giản. (Câu này ai cũng biết nhưng thử rồi mới thấy thắm).
Thứ ba, chiến tranh, đau khổ, buồn bã là điều không tránh khỏi. Vì nếu không có những điều này, chắc hòa bình, hạnh phúc, vui sướng sẽ không tồn tại.
"Vì sao người ta nhìn thấy màu đen? Vì nó đứng cạnh những màu khác."
Và sau cùng , Fate/Zero là một siêu phẩm. Fate/Zero có hay, có truyền cảm thì người viết mới nghiệm ra điều 1, điều 2 và điều 3.
Vậy Fate Zero đã chinh phục khán giả như thế nào?
Để giúp các Fan có thể nắm bắt được nội dung của mình dễ dàng hơn, Fate/Zero dành rất nhiều đất diễn cho các đoạn hội thoại. Đây được xem như yếu tố quan trọng tách biệt Fate Zero khỏi các Anime hành động khác. Khi xem Fate/Zero,một sản phẩm mang tính giải trí cao, ta không cảm thấy nhàm chán mà càng xem lại càng buộc ta phải động não. Số lượng đoạn đối thoại lẫn độc thoại đồ sộ vừa dẫn dắt câu chuyện, và nếu chịu khó xem và liên kết các đoạn hội thoại với nhau thì các Fan mới thấm cái hay của Fate/Zero. Bên cạnh đó, dù rất dài dòng nhưng hội thoại có vai trò lớn trong việc thể hiện tính cách nhân vật, động cơ hành động của nhân vật nên tuyệt đối không thể xem nhẹ.
Đầu tiên phải kể đến là ep 11, dù nằm trong ss1 với mục tiêu hâm nóng ss2 nhưng Ep này lại khiến người xem thích thú (Đối với những ai chịu khó nghiền ngẫm). Những pha đối đáp, đặc biệt là của Rider, rất sắc bén. Ai cũng có cái lí của riêng mình. Tất cả đều do hoàn cảnh sống, do lí tưởng của mỗi người tạo nên. Dù bạn là bất cứ hạng người nào trong xã hội, bạn cần phải có tư tưởng và tin vào chính tư tưởng đó. ( Vì “Con người là cây sậy biết tư duy” mà).Cứ đi theo con đường mình đã chọn và đừng e ngại nó đúng hay sai. Cuộc sống này là một tấm gương, chính nó sẽ cho bạn câu trả lời. Hãy hạnh phúc vì bạn được là chính bạn, và “Tiếp tục bước đi trên con đường của mình đi”( Gilgamesh nói với Saber, ep 11, đồng thời là câu kết cực chuẩn cho cuộc hội đàm giữa 3 vị vua).



Ngoài ra, Ep 11 này cũng chứng minh Fate/Zero chẳng phải kiểu hành động all-the-time phổ biến. Trong phim, người ta có thể ngồi lại với nhau để bàn luận, vì họ tôn trọng lẫn nhau, và cũng vì họ muốn khẳng định con đường mình chọn. (Đặc biệt là Saber)
Tuy nhiên, trong trận đấu “mồm” này, Saber đã thất thế trước Rider. Nguyên nhân là do cô vẫn chưa chịu chấp nhận quá khứ của mình. Nó cũng báo hiệu cho Saber biết là cô sẽ phải tham gia cuộc chiến tiếp theo(Trong trường hợp cuộc chiến thứ tư thất bại), vì cô vẫn đan loay hoay tìm ra lối thoát cho con đường mình đi…
Tiếp theo là đoạn Emiya bị cuốn vào bên trong Chén Thánh.
Người ta hay bảo: Đời không như là mơ. Đâu phải lúc nào mơ ước của một người cũng có thể thành hiện thực, và đâu phải cứ khư khư ôm lấy một lí tưởng là tốt. Chính câu hỏi của Chén Thánh đặt ra đã cho Emiya nhìn nhận lại con đường mình đi . Con đường ông theo là đúng, nhưng cách ông thực hiện lại thật khó chấp nhận và quá đau khổ. Emiya với Saber giống nhau ở một điểm: Họ tự gánh hết nỗi đau về phần mình.Tuy nhiên cũng cần thông cảm cho ông, vì các hành động ông làm đều có căn nguyên của nó . Căn nguyên này được giải thích rõ ràng trong 2 Ep 18,19-2 Ep tiết lộ về quá khứ đau thương của Emiya.
Nhưng mọi người biết đấy, để thưởng thức món chín ngon lành, món khai vị cũng phải được xào nấu công phu. Và Fate Zero đã làm được điều đó ngay từ Ep 1. Các nhân vật chủ chốt xuất hiện từ đầu, “luật chơi” căn bản cũng được giải thích để Fan nắm rõ hơn: Về lí lịch trích ngang, mục tiêu tham gia của các Master,… Không phụ lòng mong mỏi các fan, những Anh Linh xuất hiện lần này có người rất nổi tiếng ( ngoại trừ Gil và Saber ở FSN) như Alexander Đại Đế, Gille de Rais tên sát thủ trẻ con hàng loạt (Huyền thoại "Yêu râu xanh" là bắt đầu từ anh này) và Berserker( Anh ta rất quen thuộc, mọi người xem xong sẽ biết). Alexander cùng với Arthur nằm trong 9 danh nhân (9 Worthies) thời Trung Đại. Gille de Rais là chiến hữu sát cánh bên Jean d’Arc…Theo đánh giá cá nhân, các Anh Linh trong Fate Zero có phần hoành tráng hơn trong Fate Stay Night.



Lúc mới đầu xem, người viết có phần tò mò: Ngay từ Ep đầu đã tung hết nhân vật thì không biết 24 Ep còn lại sẽ như thế nào đây? Nhưng nếu xét trong trường hợp Fate Zero thì Ep 1 này thể hiện đúng ý đồ của kịch bản gia. Đây là cách mở đầu hợp lí nhất cho một Anime không sở hữu nhiều Plot Twist “gây kinh thiên động địa”. Nếu cứ theo motip của FSN, dù các Anh Linh lần lượt xuất hiện gây tò mò cho người xem ban đầu nhưng không khéo sẽ làm nhịp phim loãng đi, rất ngượng nghịu và thiếu kết dính ( Tiếc thay, FSN đã thất bại). Nhằm khắc phục điểm yếu đó, Fate/Zero đã quyết định “mở party” ngay từ đầu để “thiết đãi” các Fan. Ep 1 giống như món khai vị thơm ngon, vừa hâm nóng bữa tiệc vừa dự báo cho những “món sau” sẽ rất là Epic.
Với mục đích hạn chế các đoạn hội thoại dài dòng, lê thê làm người xem buồn ngủ, Fate/Zero đã lồng ghép các pha hành động hợp lí. Những cảnh đánh nhau hoành tráng lâu lâu mới xuất hiện, mà xuất hiện rồi thì khiến người coi phê như con tê tê.
Người xem đã bị cuốn hút bằng sự liền mạch đó, buộc người xem phải tập trung theo dõi. Mỗi phút giây trôi qua đều rất quí giá.(Có thể giải thích cho nguyên nhân tại sao cuối mỗi Ep lại có đồng hồ đếm ngược nhằm nhấn mạnh yếu tố thời gian trong phim). Sai một li đi vạn dặm. Khái niệm “bình yên” gần như là biến mất hẳn khỏi Fate/Zero. (Có chăng chỉ là những pha comic relief giữa cặp Rider-Waver). Mọi thứ cứ như chờ chực đề bùng cháy dữ dội. Mới nãy nhân vật còn nói chuyện “vui vẻ” với nhau, mà giây tiếp theo đã có biến. Từ khi mở đầu cho tới lúc kết thúc các chuỗi hành động đều được thể hiện khá hoàn hảo, đồng thời bộc lộ tính cách nhân vật.
Như nhân vật Emiya khi hành động đều rất tàn độc nhưng tuyệt đối không để người vô tội tổn thương.
Lúc Emiya phá tòa cao ốc căn cứ của Archibald, ông đã thông báo cho mọi người trước khi thực hiện. Điều này đã làm Archiblad tức giận và mở ra cuộc đối đầu ở khu biệt thự nhà Einzbern.
Hoặc ông đã loại bỏ đối thủ Archibald (Bác này bị tội gì mà Emiya theo hoài nhỉ?) vô cùng nhẫn tâm nhưng lại khá "ranh ma". Ta không giết người thì sẽ có kẻ khác giết ngươi thay ta. Sau sự kiện này, tư tưởng “hòa bình tuyệt đối” của Emiya đã lên giới hạn cao nhất, đồng thời mở ra cuộc hội thoại hiếm hoi giữa Emiya và Saber.



Một điểm nhấn khác trong những pha Action của Fate/Zero là các chiến thuật, tính toán của nhân vật. Hiếm khi nào một nhân vật có khả năng áp đảo quần hùng. Trước khi hành động là sự tính toán kĩ lưỡng. Các Master thậm chí còn kết liên minh ngắn hạn với nhau để chống lại Master khác, đúng với phong cách “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Nói chung hành động trong Fate/Zero có chất xám cao, phù hợp với những người thích xem phim nghiêm túc.
Đáng ghi nhận trong Fate/Zero là độ tương tác giữa các nhân vật ở mức khá. Người này tác động lên người khác(trực tiếp có, gián tiếp có), góp phần bộc lộ hay phát triển tính cách của nhau. Điểm này thì tất nhiên bộ Anime hành động nào cũng có, nhưng lại khá mờ nhạt.Nguyên nhân có lẽ là do nhà làm phim thường tập trung vào độ buff niềm tin của các main. Đang đánh nhau sắp thua tự nhiên bật Rage lên đập ầm ầm, hay nghe người khác mắng vài ba câu là lên max level ngay. Điều này không hoàn toàn là nhược điểm, nhưng do xuất hiện quá nhiều khiến cho các Fan không còn hứng thú nữa.Trong Fate/Zero, quá trình để nhân vật phát triển là quá trình lâu dài và hiếm có Anime (Cùng thời kì) nào mà các đoạn hội thoại lại đóng vai trò đáng kể trong việc biểu lộ tính cách nhân vật. Không chỉ giữa Gil-Kirei mà giữa các nhân vật khác cũng có sự tương tác này (Như Saber-Rider, Saber-Emiya).
Nếu mình nói thêm thì sẽ SPOIL ra rất nhiều, nên để các bạn tự do khám phá.

Suy cho cùng, Fate/Zero là một Anime dáng mác Tragedy. Và tính Tragedy của Fate/Zero, dù không đủ đô như các sản phẩm của Key, nhưng cũng đáng để suy nghĩ:
“Chết có phải là bi kịch lớn nhất không?”
Vâng, nếu nhìn những gì cặp đôi Caster-Ryunosoke phải “nhận” lấy trong Fate/Zero thì không tài nào hiểu được. Hay cách mà Rider ra đi trong thanh thản như càng chứng minh một điều:
“Chết không phải là hết”
Đa số các nhân vật trong Fate/Zero, theo cách nhìn chủ quan của người viết, đã hoàn thành tâm nguyện đời mình.
Tuy nhiên, cái giá phải trả là quá đắt, đúng như câu nói:”Trời chẳng cho ai không thứ gì.”Nhưng Địa Ngục đày ải có là bao, khi người ta đã tìm ra ý nghĩa sống cho đời mình. Nụ cười mãn nguyện của Rider (hoặc cặp đôi Caster) đã chứng minh điều đó…Hay như Berserker cũng nói ra điều mình day dứt bấy lâu nay với vị vua Arthur đáng kính trước khi biến mất...
Nhưng vẫn có kẻ đang lạc lối trên con đường mình đã chọn (Saber) hoặc cái giá phải trả còn đắt hơn những gì mình tìm được (Emiya). Tuy nhiên, đây là Zero, và Số “0” là con số bắt đầu cho mọi chuyện. Anime kết thúc nhưng hành trình của những con người này vẫn chưa kết thúc. Một ngày nào đó, sẽ có người khác thay thế họ đi tiếp con đường dang dở…




NOTE: Ý đây là ám chỉ đến Emiya Shirou, chính Shirou đã giúp Kariya, cha mình và cả Saber thực hiện những gì họ chưa làm được ở The Fourth Holy Grail War.



Ngoài ra, thành công của Fate/Zero phải kể đến tính trưởng thành. Các nhân vật trong Fate Zero đều đã định hình được tính cách của riêng mình, nên phần phát triển tính cách đã được thông qua dễ dàng hơn, gọn hơn (Bớt đi những pha tán gẫu, mấy pha miscommunication giận hờn vu vơ để thăm dò nhau). Nhờ đó các đoạn hội thoại trong Fate Zero có thể tập trung hoàn toàn vào cốt truyện, giúp mạch truyện kết dính.


Char (Nhân vật)
Đánh giá chung

Khi xem Fate/Zero, người viết có một chút liên tưởng tới Durarara!, Baccano!. Không phải do Plot Twist (Vì tính ra thì Fate/Zero không có Plot Twist nào đáng kể). Đó là dàn char cực kì phong phú, đầy cá tính (tất nhiên là không nhằng nhịt như Durarara! rồi).Quan trọng hơn là hầu hết nhân vật đều có thời để phát triển tính cách. Đối với một số nhân vật không được ưu ái xuất hiện, chí ít cũng để lại ấn tượng cho người xem (Như cảnh Assassin đứng ngẩn người trước khi die). Nếu nhìn qua phần cảm nhận nội dung, thì trong Fate/Zero gần như không có ranh giới chính tà. Một người trong mắt kẻ khác là tốt, nhưng trong mắt kẻ này là xấu. Và có khi chính tà còn bị đảo lộn, như Risei, cha của Kirei, một người phụng hiến cho Chúa, lại “đi đêm” với Tokiomi, người đứng đầu một gia tộc pháp sư có tiếng.
Sức mạnh các nhân vật trong Fate/Zero khá cân bằng. Mỗi người đều sở hữu cho mình một kĩ năng riêng nên trận chiến luôn diễn ra trong thế giằng co. Dù về sau hơi bị nhạt đi nhưng tính hấp dẫn các trận đấu vẫn không thuyên giảm.
Master

Hờ hờ, nhân vật bị anti nhất trong Fate/Zero đây rồi.
Tokiomi xuất hiện trong Ep đầu như một kẻ tính toán, mua chuộc Giáo Hội để dành lợi ích về cho riêng mình. Thậm chí hắn còn bán đi đứa con gái của mình cho Matou Zouken, mà nhiều người đã xem hành động đó là hành động của loài cầm thú. Chả lẽ hắn không thấy xót xa chút nào cho đứa con gái bị hàng ngàn, hàng vạn lũ trùng độc xâu xé? Thật đáng lên án cho một kẻ như thế.
“Dù gì thì cũng là con mình mang nặng đẻ đau, ai nỡ đem đi bán con?”
Nhưng nhiều lúc, Tokiomi khiến người viết phải suy nghĩ lại. Nhìn cách ông đối xử hiền từ với Rin, cách ông chia tay từ biệt 2 mẹ con, ta thấy trong Tokiomi vẫn còn phần tốt.
Nghĩ lại việc ông trao con mình vào tay kẻ khác, ít ra cũng có mặt tích cực. Như Tokiomi đã từng nói, ông không có hứng thú dạy thêm một Pháp Sư thứ hai, vì ông lo sợ sự tị nạnh giữa hai đứa con. Đối với ông, chỉ cần một người thừa kế là đủ. Ngoài ra, nhà Matou không có kẻ nối dõi, nên Sakura chắc chắn sẽ trở thành người đứng đầu gia tộc đó. Ông rất tự tin vào 2 đứa con gái, vì nếu mà chúng không vượt qua khó khăn, chúng không phải người nhà Tohsaka.
Nên có thể hiểu, việc Tokiomi làm vừa để rạng danh gia tộc, vừa tránh cảnh “gà nhà đá nhau”. Tuy nhiên, nó lại biến ông thành một kẻ quá bảo thủ, quá thực dụng và chính ông đã phải trả giá cho những gì mình gây nên.
Tokiomi là điển hình cho câu nói : “Muôn sự tại nhân, hành sự tại thiên.”






Đây, nhân vật khó hiểu nhất trong loạt Fate. There he is!
Kirei không phải kiểu nhân vật phản diện thông thường.
Tiền bạc ư? Quyền lực ư?
Không, không, hắn không muốn vậy. Nhưng điều hắn khao khát còn ghê tởm hơn thế: Sự hỗn mang. Hắn thèm thuồng điều đó, khi hắn cứu giúp Kariya, rồi cũng chính hắn đã đẩy Kariya vào thế đường cùng: Giết chết người anh yêu thương. Hắn nở nụ cười đến điên dại trước cảnh hoang tàn của thành phố Fuyuki. Hắn sống để chứng kiến điều đó, hắn sống để xem những bi kịch kéo dài, để xem con người ta chém giết lẫn nhau. Nếu không có? Hắn sẽ tạo ra, hắn đã chứng minh mình là một kịch bản gia đại tài. Kariya, hay kể cả Emiya, đều là rối dưới tay hắn. Chính con cáo già Matou Zokuen cũng phải công nhận “khả năng sáng tác” của Kirei. Hắn sẽ sáng tác, sáng tác những vở bi kịch mãi mãi, vì tiền bạc, quyền lực có thể tàn lụi, nhưng sự hỗn mang không có điểm dừng. Bất cứ thời kì nào, Kirei cũng không lo “thất nghiệp”, vì ở thời kì nào, con người ta vẫn lừa dối, vẫn chém giết nhau. Hỗn mang thì muôn màu muôn vẻ, hắn không sợ mất “cảm hứng”. Hỗn mang giúp Kirei thoát khỏi buồn tẻ. Cũng chẳng ai nhìn nhận đó là một tội ác đích thực. Vì việc hắn làm chưa hề có tiền lệ, chưa ai thấy (hoặc hiếm thấy) tội ác nào như thế.Đó là điều khiến Kirei, cùng những việc hắn làm, trở nên đáng sợ.
“Con người ta thường hay sợ những gì họ không biết.”
Đó là cái cách mà Gen Urubochi đã dựng nên một nhân vật phản diện, nằm giữa lằn ranh ánh sáng và bong tối, giống như Emiya. Nhưng nếu Emiya hướng tới “hòa bình tuyệt đối”, hắn lại hướng tới “hỗn mang tuyệt đối”, tạo nên 1 cặp đối thủ xung khắc với nhau như nước với lửa, như 2 cực của nam châm. 2 con người này đã trở thành đối thủ định mệnh của nhau. Kirei lại càng trở nên đáng sợ hơn khi đem ra so sánh với Emiya. Bởi bảo vệ (Emiya) thì khó, nhưng phá hoại(Kirei) thì dễ (Easy to understand).



Quá trình để Kirei chuyển đổi thành 1 tên Badass chính hiệu cũng lắm gian nan. “Nhờ” dòng đời xô đẩy, “nhờ” những pha thông não thần thánh của Gilgamesh mới đánh thức được một Evil Kirei. Vậy tại sao tới giờ hắn mới bộc lộ bản chất?
Kirei chịu ảnh hưởng của Kitô Giáo, với vai trò là một linh mục. Nhưng Kitô Giáo không làm hắn trở thành một người lương thiện, những điều hắn học, hắn trải qua, hắn nghe từ Kinh Thánh là sợi xích khóa chặt sự xấu xa trong con người Kirei. Sâu thẳm trong tâm trí, có gì đó đang giằng xé, đang làm hắn hưng phấn khi cuộc chiến Chén Thánh diễn ra. Đây là điều hắn tìm kiếm bấy lâu, nhưng hắn đã phủ nhận, vì những qui tắc đạo đức vẫn còn đeo bám hắn. Điều gì đến rồi cũng sẽ đến. Cái ngày mà hắn không thể kiềm chế nổi, hắn đã đạp tan cái giới hạn đó, hắn đã cứu Kariya và tự nhận mình là kẻ phản thầy. Hắn không thấy ăn năn, nhưng hắn thấy thanh thản. Đó là bước ngoặt đời hắn. Cho đến khi hắn đâm chết Tokiomi, hắn mới được giải phóng hoàn toàn khỏi những thứ trói buộc hắn bấy lâu nay.
And there he comes, the best badass!






Bố của Shirou, một sát thủ máu lạnh, sẵn sàng làm tất cả vì "hòa bình".
Những kỉ niệm đau thương hồi còn nhỏ đã trở thành động cơ thúc đẩy ông theo đuổi con đường chính nghĩa. Nhưng “chính nghĩa” với ông là một thứ khác xa so với các qui tắc đạo đức thông thường:
“Sống là phải biết tha thứ cho nhau.”
Thử hỏi, làm sao mà tha thứ cho được người đã biến những con người vô tội thành thứ quái vật bẩn thỉu để chỉ làm thí nghiệm? Thử hỏi, làm sao mà tha thứ cho được người đã vô cảm trước một bi kịch rồi lạnh lùng trốn sang nơi khác để tiếp tục công trình điên rồ của mình? Con người đó đã cướp đi của Kiritsugu những thứ mà cậu cho là quí giá: bạn bè, một cuộc sống thanh bình và hơn hết, hình tượng của một người cha. Những bi kịch liên tiếp xảy ra khiến cho đầu óc trẻ thơ của Kiritsugu bị ảnh hưởng nặng nề và cậu đã phải làm một việc tồi tệ: Bắn chết cha mình. Khuôn mặt cậu bé lúc đó trông vô hồn đến tội nghiệp. Cái khoảnh khắc mà cả thế giới quanh cậu thay đổi, cái khoảnh khắc đau đớn nhất đời mình, tủi hổ, nhục nhã đã làm cho Emiya sợ run đến mức mất đi cảm xúc. Nhưng nếu cậu không làm chuyện đó, sẽ có kẻ khác làm. Thà tự tay giết chết người mình yêu thương còn hơn tận mắt chứng kiến người đó bị kẻ khác sát hạt.
Và nếu mà cha con cậu có trốn thoát được, cậu sẽ tiếp tục chứng kiến những bi kịch như thế. Biết đâu một ngày nào đó, Kiritsugu sẽ trở thành thí nghiệm cho chính cha mình? Thôi thì con thà làm kẻ bất hiếu, lòng con sẽ có trời đất thấu…
Vậy lí tưởng Kiritsugu theo đuổi có đúng không, hay chỉ là phút nhất thời nông nỗi?
Thật ra, ngay từ lúc giết cha mình mà không hề khóc thương dù chỉ một giọt nước mắt, Emiya đã quyết định chọn con đường “chính nghĩa” . Lí tưởng đó vừa cho cậu mục đích sống, vừa xoa dịu nỗi đau cho cậu. Cậu phải sống để đảm bảo thế giới này không còn cái ác nữa. Cậu không muốn thấy lại, vì nó thật quá đau đớn…
Và Kiritsugu đã tiếp tục khẳng định mạnh mẽ “chính nghĩa” của mình bằng cách bắn hạ chiếc máy bay chứa đầy Ghoul, đồng thời giết luôn Natalia, người cưu mang cậu từ sau vụ án ma cà rồng. Ông đã xem Natalia là một người mẹ, nên đây khác gì nhát dao đâm xuyên tim ông. Ông đã khóc, những giọt nước mắt tiếc thương. Nhưng ông không thể từ bỏ lí tưởng của mình. Nếu ông từ bỏ, khác gì những việc làm trước đây của ông là vô nghĩa? Rồi thế là, con đường ông đi ngày càng nhuốm máu, con đường mang đến cho ông tai tiếng và biệt danh Magnus Killer….



Cuộc chiến Chén Thánh lần thứ tư là thời điểm mà Kiritsugu thể hiện hết con người mình, từ tính cách bên ngoài cho tới những điều ông giấu sâu bên trong. Ông có thể giết người không gớm tay, không từ mọi thủ đoạn để bảo vệ lí tưởng của mình, và sẵn sàng làm cho kẻ thù chết trong đau đớn, nhục nhã. Lúc đó, chính Saber-Servant của ông và Irisviel-người vợ yêu dấu, còn cảm thấy ông thật đáng khinh. Nhưng có khi, ông trông thật hiền từ bên cạnh đứa con gái, khi nhìn người trợ lí trút hơi thở cuối cùng và đặc biệt là khúc cuối phim.
Khi Kiritsugu trò chuyện với Shirou khúc cuối phim, ông quá đỗi hiền từ. Chắc hẳn nếu không biết về quá khứ của ông, người ta sẽ nghĩ đến ông như một con người điềm tĩnh, với khuôn mặt phúc hậu hơn là tên sát thủ máu lạnh giết người không gớm tay. Có lẽ đến lúc cuối đời, ông đã nhận ra con đường đi đến “hòa bình tuyệt đối” mãi chỉ là giấc mơ, nhưng đồng thời ông nhận ra rằng: Được ngồi cùng cậu con trai Shirou ngắm ánh trăng tỏa ánh sáng dịu êm, đó cũng là một thứ “hòa bình”, thứ “hạnh phúc” giản đơn mà từ rất lâu, ông đã đánh mất.
Lúc Emiya Kiritsugu nói với đứa con trai của mình rằng ông đã từng mong trở thành “người của công lí”, chắc chắn Emiya đã không hối tiếc những gì mình làm và tiếp tục truyền lại cho Shioru ý chí của mình, ước mong một ngày nào đó, cậu sẽ tiếp tục những gì ông chưa làm được…


Goodbye, “Old Man”…



Một cuộc đời quá đau thương…
Anh ghen tị với Tokiomi, vì hắn có mọi thứ anh muốn: một người vợ hiền và 2 đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn. Anh yêu quí 3 mẹ con họ. Đó là báu vật quí giá nhất mà Kariya có được, là mục đích sống của anh-con người đã từ bỏ gia tộc mình. Nhưng rồi, khi nghe tin dữ về Sakura, anh lập tức từ bỏ tất cả, quay lại gia tộc Matou, chịu bao nhiêu đau đớn từ lũ trùng độc, chịu bao lời nhục mạ của con cáo già Matou Zouken. Anh đã biến thành tên điên loạn, như chính Servant của mình, Berserker. Họ giống nhau ở một điểm: Không thể nói lên những điều mình day dứt. Những bi kịch cứ đến như những cơn sóng, làm anh bị hiểu lầm, bị buộc phải giết người mình yêu. Cho đến phút cuối đời, Kariya vẫn chỉ ấp ủ một giấc mơ duy nhất: Trả tự do cho Sakura và có một gia đình hạnh phúc.
Kariya, Kariya, Kariya…



Có lẽ số phận bắt anh phải chết, vì số phận còn không muốn nhìn thêm những đau khổ anh phải gánh chịu chăng? Anh cứ an nghỉ đi…Dù lũ trùng độc có phá nát thân thể anh, hãy tin rằng những điều anh gửi gắm, có người sẽ làm được…



Servant


Cảm nhận của tác giả
Một cô gái phải giấu đi nhân dạng thật của mình để làm vua, để phục vụ đất nước, một cô gái đủ sức rút thánh kiếm cắm ra khỏi phiến đá. Những điều đó thôi, đủ chứng minh Arthur có tài, xứng đáng làm Vua nhưng đồng thời, cô phải trả cái giá quá đắt.
Cô đã từng quan niệm : “Chỉ cần một vị vua hành động như một vị vua thì mọi người sẽ nghe theo, bất kể giới tính của mình”. Vì lẽ đó, Arthur phải đè nén cảm xúc của mình, giấu tất cả vào chỗ sâu nhất trong tâm hồn. Đè nén đến nỗi mà cô đạt tới ngưỡng “trở thành vua thì không còn là người thường nữa rồi”. Cùng cực của sự vô cảm đến mức dửng dưng trước sự phản bội, sự bỏ rơi, sự sợ hãi, đến mức có kẻ đã nhận xét “Vua Arthur không hiểu cảm xúc của con người”,đó là Saber. Sống vì đất nước và sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ đất nước, sống để đáp ứng lại kì vọng của mọi người (Dân chúng cần một vị vua tài giỏi, các hiệp sĩ cần một người lãnh đạo vững chắc), đó là Saber. Đánh đổi mọi thứ như thế để rồi cái kết cục nàng phải nhận là quá bi đát. Nàng đã thắng trận chiến Camlann, nhưng đất nước nàng vẫn rơi vào vòng xoáy hỗn mang.



Này Saber ơi, tôi bảo nàng này:
“Sao nàng không tận hưởng cuộc sống bình yên đi? Tại sao nàng lại chiến đấu, tại sao nàng lại đánh đổi cả đời mình? Để rồi kết cục lại quá bi thương?”
Nhưng đó mới là Saber của chúng ta:
“Sống là để phục vụ kẻ khác.”
Và đâu đó trong giấc mơ buồn của Saber, tôi thấy nàng đẹp đến lạ thường. Đẹp, vì đức tính hi sinh của mình. Đẹp, vì lí tưởng của mình. Cái đẹp của Saber, giống như những tia sáng soi sáng chiến trường Camlann bi kịch. Và có lẽ, những tia sáng đó đã thấp thoáng ở đâu, trong những lần nàng hành quân, những lần nàng giành chiến thắng vang dội trước kẻ thù xâm lược, những tia sáng tỏa ra từ một loài hoa mang tên “Arthur”, loài hoa mọc giữa chiến trường. Và may mắn thay,tôi lại thấy thứ ánh sáng đó tỏa ra lần nữa trong The Fourth Holy Grail War, ánh sáng mang lại sự cứu độ cho tên Caster tội nghiệp.



Saber đã được khắc họa trong Fate/Zero cũng như thế. Nàng mang những hoài bão, lí tưởng của mình đến với cuộc chiến Chén Thánh. Nàng hết mình phục vụ Illya, nàng thấu hiểu và cảm thông với Emiya (dù họ vẫn còn khoảng cách với nhau), nàng là một vị Vua, nhưng là vị Vua độc nhất vô nhị, một vị Vua “tự hạ mình xuống để được nâng lên “. Tôi không chỉ yêu quí, mà còn kính trọng Saber là ở điểm đó.
Nói sao đây nhỉ, “That’s what makes you beautiful.”
Đóa hoa của chiến trường…
Vua của các Hiệp Sĩ…
Nàng thật tuyệt vời!

Thành công trong việc tạo hình nhân vật Saber
Quả thật, sẽ chẳng có gì đáng để bàn tới ở đây nếu Saber của chúng ta là một nam nhân (Như người ta hay đề cập). Nhưng nếu Arthur là nữ (Xét trong Fate Zero) thì lại là một chuyện khác. Type-Moon đã rất khôn ngoan khi lựa chọn giới tính Saber là giới tính nữ. Như thế, đau khổ Saber phải gánh chịu được bật lên nhiều lần, đồng thời tôn lên vẻ đẹp của Saber.
Cũng nên nói thêm là lí tưởng của Saber thể hiện rõ nét hơn ở Fate/Zero (FSN chú trọng đến khía cạnh romance nên phần tính hi sinh của Saber hơi mờ nhạt). Mình đánh giá Ufotable - Type-Moon đã thành công trong việc xây dựng hình tượng Saber. Good Job!




Well well, nhân vật bá đạo trên từng cây số…
Kẻ già nhất và lõi đời nhất trong Fate/Zero,here he comes!
Gilgamesh xuất hiện trong Fate/Zero như một kẻ đầy kiêu ngạo và các Anh Linh khác không xứng đáng để “được” đứng ngang hàng với hắn. Hắn kiêu ngạo, nhưng hắn không phải “ếch ngồi đáy giếng”. Đó là sự kiêu ngạo của một con người từng hưởng thụ mọi thứ trên thế gian, một con người với kho báu nhiều và phức tạp đến nỗi bản thân hắn còn chưa hiểu hết. Chính vì lẽ đó mà nhân vật này toát lên cái gì đó làm người ta phải kính nể, hay nói cách khác, hắn ta nhìn là đã thấy rất mạnh. Hắn có thể đáng ghét, nhưng hắn không thể bị coi khinh.



Hắn là kẻ đã “khai sáng” cho một tên chán đời như Kirei, hắn nhìn thấu tâm can của Kirei.
Hắn là kẻ thấu hiểu con đường của Saber, hắn đã khuyên Saber tiếp tục đi trên con đường đó, hắn biết nỗi đau Saber gánh chịu “hơn bất kì ai”.
Hắn là kẻ đã cười thống khoái và sẵn sàng tha chết cho Waver khi nghe xong những gì cậu nói ở Ep cuối.
Hắn với Rider đã cùng nhau uống trước trận chiến cuối cùng, hắn đã giúp Rider tìm được ước mơ cuối cùng của mình.
Hắn quá giỏi, quá thong minh. Đừng để vẻ kiêu ngạo của Gil làm bạn tưởng nhầm đây là một tên vô lí. Vì dù kiêu ngạo đến đâu, Gil cũng không thể giấu nỗi sự cô đơn…
Khi Rider mời Gil nhập hội với mình, Gil đã từ chối với một lí do:”Ta chỉ có một người bạn duy nhất, cả trong quá khứ lẫn tương lai.”Một con người cá tính như thế, chung thủy như thế, làm sao có thể ghét anh được cơ chứ? Gil, dù chưa bao giờ thể hiện ra ngoài, cũng có nỗi sợ riêng: Cái Chết. Cái Chết đã cướp đi người bạn thân duy nhất của anh, và Cái Chết làm anh suy sụp. Chắc Chén Thánh đã thấu hiểu điều đó và ban cho Gil được sống lại trong Thế Giới này một lần nữa. Có lẽ lí do Gil cảm phục Saber là bởi vầng hào quang mà Saber mang lại là vầng hào quang bất diệt,”mang theo những hi vọng của các chiến binh trong quá khứ, hiện tại và tương lai.”, vì chính Gil cũng từng tìm kiếm sự vĩnh cửu.
Đến lúc tạm biệt thế giới này, Gil đã nhận ra chân lí đơn giản:”Những thứ đẹp nhất không thuộc về bất kì ai.” Và đó là lúc Gil chấp nhận mình không thể sống một cuộc đời bất tử. Tre già măng mọc, hãy trở về làm người thiên cổ, để nhân loại còn nhắc tới anh trong những truyền thuyết cổ xưa…
Goodbye and R.I.P (Return if Possible), Gil!




Khi con người ta đã chịu quá nhiều đau khổ, họ thường kêu Trời.
Nhưng khi con người ta đã rơi vào hố sâu tuyệt vọng, họ sẽ chống lại Trời.
Gille de Rais là loại người đó. Khi nhìn thấy Jean d’Arc trên dàn hỏa thiêu, hắn đã quá tuyệt vọng. Một con chiên bị bỏ rơi, và một con chiên khác từ bỏ đàn. Hắn sẽ trả thù, trả thù đời, trả thù Chúa Trời. Và hắn đã làm. Tới khi được hồi sinh lại, hắn vẫn tiếp tục làm. Đối với Chúa Trời, trẻ con là những người Ngài sẽ đặt lên cao nhất, vì “ai có tâm hồn trẻ thơ, kẻ đó sẽ được vào Nước Trời.” Hắn sẽ giết, giết hết trẻ con, hắn sẽ lan truyền tuyệt vọng đi khắp nơi.
“Ta biết khổ đau là phẩm chất cao quí nhất.”
Càng đau đớn, hắn càng giết nhiều. Vì một lần nữa, hắn bị Saber-Servant of God, từ chối. Hắn nghĩ Chúa Trời đã cướp nàng “Jean d’Arc” của hắn dù Chúa luôn bắt nàng chịu nhiều khổ sai. Trái tim hắn càng bị tổn thương, linh hồn hắn tìm sự cứu chuộc trong máu kẻ vô tội.



Tất cả hắn làm chỉ vì muốn được sát cánh bên nàng Thánh Nữ, như hồi cả hai còn là “những anh hùng chống quân Anh xâm lược”.
May cho hắn, cuối cùng hắn đã đạt được nguyện vọng đời mình. Luồng hào quang bất diệt của vị vua kị sĩ, Arthur, đã cho hắn về với nàng Jean của mình. “Nàng đang dang vòng tay đón chào ta…”



Và oan nghiệt thay, Người giúp ước mơ của hắn thành hiện thực lại là một kẻ Phụng Vụ Chúa.
Không biết ở một thế giới nào đó, Gille de Rais có nhận ra điều này không?



Nhân vật có số phận bi kịch nhất là đây.
Một con người đi theo lí tưởng kị sĩ đạo, hết lòng tôn thờ chủ.
Thế mà, anh lại bị chính 2 người chủ khác nhau phản bội.
Một kẻ bỏ mặc anh đến chết, một kẻ bắt anh tự sát.
Anh ta nguyền rủa, nguyền rủa mọi người hay chính anh đang tự nguyền rủa cuộc đời của bản thân. Cuộc đời của kẻ bầy tôi trung thành lại cay nghiệt đến thế sao?
Nhưng:
Nếu Lancer chết dưới lưỡi gươm của Saber thì sẽ như thế nào?
Anh sẽ chết một trận chiến danh dự, nhưng anh đã đánh mất sự trung thành, thứ mà anh tự hào nhất.
“Vua xử thần tử, thần bất tử bất trung.”
Nếu xét trên phương diện đó, có thể xem như Lancer đã giữ được lí tưởng của mình, dù cái giá phải trả là quá đắt. Những giọt “ nước mắt màu đỏ”, những lời than oán thống thiết của Lancer đã để lại cho người xem ấn tượng mạnh mẽ. Muốn giữ được lòng trung thành mà phải đánh đổi cả danh dự, vậy có đáng không?....
Tôi tin, câu trả lời của chàng Diarmuid vẫn sẽ là: “Có!”





Rider



Nhân vật nổi bật nhất Fate/Zero chính là đây. Rider chinh phục người xem bằng tính khí hào sảng, khảng khái tới mức người ta nghĩ ông là tên khùng. Nhưng lúc buổi đàm đạo giữa 3 vị vua diễn ra, khi Rider hiển uy, người ta mới giật mình. Một con người “baka” như thế lại có thể lãnh đạo một đội quân hùng hậu sao? Rider là một người nhìn xa trông rộng, đã làm là không hối tiếc. Ông chấp nhận qui luật của thời gian, bất cứ triều đại nào rồi cũng sẽ sụp đổ, nhưng hãy để những gì ta làm hôm nay được đời sau nhắc đến. Đến phút cuối cùng, Rider vẫn không hề hối hận những gì đã qua. Nụ cười nhạt của ông trong suốt trận chiến với Gilgamesh đã thể hiện điều đó.
Ngoài ra, Rider còn là một trong số ít những người nhận được sự tôn trọng từ Gilgamesh. Mới đầu, Gil còn xem Rider là tạp chủng, thế mà trận chiến sau cùng, Gil đã thay đổi thái độ hoàn toàn. Sẵn sàng cùng Rider uống chén rượu cuối cùng, sẵn sàng được chiến đấu lại với Rider nếu còn lần sau. Vậy không đủ chứng minh Rider là vua sao?

Nghịch lí thay, Rider lại không tìm ra được ước mơ cuộc đời của mình.
Đến khi bị Ea đâm xuyên người, ông mới nhận ra tiếng sóng biển Okeanos chính là tiếng nhịp tim đập mạnh.
“Giây phút ta được sống hết mình cũng là giây phút ta được nghe tiếng sóng Okeanos…”

Mối quan hệ giữa Rider và Velvet



Được xem như cặp Comic Relief của phim nhưng họ đã vượt xa vai diễn phụ đó và trở thành cặp nhân vật được yêu mến nhất trong Fate/Zero.
Mối quan hệ giữa họ ngay từ đầu đã không còn là mối quan hệ Master-Servant. 2 người giống như 2 người bạn, và đôi khi, giống như 2 cha-con. Dù Waver luôn miệng mắng Rider là “Baka”, còn Rider hay tự tiện bế xốc Waver và gọi cậu bằng “nhóc”, thì giữa 2 người đã hình thành một sợi dây liên kết chặt chẽ. Có thể lúc đầu Waver còn mắng Rider “baka” vì cách hành xử quái dị của ông, nhưng dần dần, câu mắng “Baka” đã trở thành một thói quen của cậu. Đôi khi tiếng đó thốt lên, chỉ vì những cảm xúc cậu không nói thành lời, và tiếng “Baka” đã trở thành lời mắng yêu, trở thành từ duy nhất để cậu trải lòng mình cho Rider…Và xui xẻo cho Waver, Rider không thông minh, mà rất thông minh là đằng khác. Ông hiểu điều cậu nói, cho nên ông thừa nhận ông rất tự hào khi làm Servant cho cậu. Khúc cuối cùng, khi Rider thu nhận Waver làm cận thần, có thể ý Rider muốn nói: “Hãy làm bạn ta” chăng?




Artwork/Animation


Cái phần này thì người viết không phải chuyên gia đánh giá nghệ thuật nên mong các bạn, các senpai thông cảm.
Đầu tiên là về cái khoản Artwork. Phải nói là trong Fate/Zero, từ Background cho đến mô tả nhân vật đều rất chi tiết. Dù là nhân vật phụ như ông bà nhà Mackenzine đều hiện lên nét hiền từ, Gil với bộ giáp vàng lộng lẫy toát lên vẻ ngạo mạn bất cần đời. Đặc biệt là Saber lần này khá là xì teen, với bộ áo vét đen nam tính. Saber mà moe lên tí nữa chắc nhiều fan theo lắm đây, nhưng nếu thế thì còn gì là Saber của chúng ta.
Ngoài ra thì trang phục, cách sử dụng skill của nhân vật cũng góp phần thể hiện tính cách nhân vật. Tokiomi thì cực kì phô trương với bộ đồ màu đỏ và sử dụng phép lửa, thể hiện tính khí cao ngạo của kẻ đứng đầu gia tộc. Kariya-Berserker thì khoác lên mình tông màu tối ảm đạm như chính cuộc đời họ. Tên Archibald với skill xài cái khối Volumen Hydragum để núp thể hiện sự hèn nhát, nhu nhược của mình.
Còn về phần Background thì chắc không cần bàn cãi gì nữa. Khi xem Fate/Zero, nhiều lúc người viết đã phải tua đi tua lại chỉ để nhìn cảnh lâu đài Einzbern phủ đầy tuyết trắng nên thơ nhưng lại toát ra vẻ lạnh lẽo, cô đơn đáng sợ, khung cảnh ngôi làng Emiya sống thuở bé khi hoàng hôn buông xuống, cảnh dòng sông "lấp lánh ánh sao"







Nói đến các pha action trong Fate/Zero, người viết rất ấn tượng với Ep 15. Từ lúc Saber “vận công” cho tới lúc cô “chưởng” xem cực kì ấn tượng. Hàng vạn đốm sáng bay lên giữa bầu trời thành phố Fuyuki xám xịt như để chứng minh cho lí tưởng của chính Saber, những đốm sáng đó là bao tâm tư nguyện vọng của các chiến binh, đã gửi gắm vào thanh kiếm Excalibur. Ufotable thậm chí còn diễn tả rất chi tiết cảnh Saber sải chân lấy đà và khuôn mặt cô khi hét vang : “Excalibur”. Kết hợp với lối dẫn chuyện tài tình (qua lời dẫn dắt của Illya) đã tạo ra một trong những màn action phê nhất Fate/Zero.



Ngoài ra có thế kể đến các pha chiến đấu có mặt Berserker, từ những pha đánh nhỏ lẻ (Đầu phim) cho tới pha chiến đấu trên không với Gilgamesh đều làm rất uyển chuyển, chi tiết.
Bên cạnh đó, vẫn còn một vài điểm cần khắc phục. Như những con quái vật được Gille de Rais triệu hồi, có cảm giác như là Ufotable không chăm chút kĩ lưỡng. Người viết vẫn mong được thấy nhiều hơn những cái cục đen đen, bùi nhùi như thế. Tuy nhiên thì điều này cũng không ảnh hưởng lắm tới quá trình thưởng thức Anime.
Tóm lại, Artwork/Animation đã truyền tải được cái hồn của bộ phim.

Music/ Sound


Ngoại trừ OP 1 không tạo được ấn tượng mạnh cho người viết, cả 3 bài còn lại đều làm người viết phải say mê và nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Dù cho ca sĩ nào trình bày, thì họ đã thành công trong việc thể hiện nội dung bài hát. Các bài hát sau có ngày càng tha thiết hơn, buồn hơn và truyền tải cảm xúc nhiều hơn. Đồng thời, ý nghĩa bài hát rất ăn khớp với cốt truyện, kết hợp với cảnh nền đẹp nên thu hút được người nghe hơn. (Dù bản thân các bài hát này đã rất hay rồi).


ED1-Memoria


Memoria, đúng như cái tên của mình, là về quá khứ của các Anh Linh.
Khi các Anh Linh được triệu hồi xuống thế gian này, có lẽ đó cũng là lúc kỉ niệm ùa về với họ nhiều nhất, sâu sắc nhất. Dòng chảy kí ức chảy thật mạnh mẽ, gợi cho các Anh Linh nhớ về những con người đã sát cánh cùng mình, đã từng là những người họ yêu quí nhất.
(Within my soundlessly flowing memory from long ago,
if I could think about you while cuddling up to my recollections...
With your sinking face reflected on that window I was so familiar with,
your eyes, cold enough to swallow even the sound of tears, were facing at tomorrow.)
Giữa một cuộc chiến tàn khốc mà họ buộc phải tham gia, các Anh Linh không còn sợ hãi nữa. Chỉ cần những khuôn mặt thân quen đó còn đọng lại trong tâm trí, họ sẽ tiếp tục giữ vững lí tưởng của mình. Họ không thể chọn định mệnh cho mình, nhưng họ có quyền quyết định cách tiếp nhận định mệnh đó…
(Even though I know it's an unchangeable fate, I'm not afraid
because I have faith from the bottom of my heart.)



Kí ức thật vô giá biết bao. Có thể quá khứ của bạn không mấy tươi đẹp, có thể quá khứ đó quá đau buồn đến nỗi bạn muốn chối bỏ, nhưng bạn phải mang nó theo. Vì trong vô vàn nỗi sầu muộn đó, bạn đã có những phút giây được sống hết mình, có được những người bạn cùng chia sẻ. Từ chối quá khứ chính là dứt bỏ những điều tuyệt vời bạn từng có được trong cuộc sống.
(then no matter how far apart we become, I will never forget.
There is proof right here that we went through much together.
Because you taught me what these overflowing feelings were,
even if this world should disappear, I will still remain in our memory.)
Có lẽ bài hát còn muốn gửi gắm nhiều hơn nữa, nhưng khả năng cảm nhận của người viết có hạn, xin thông cảm.


OP 2-To the Beginning



Nếu Memoria là nỗi nhớ về quá khứ, thì To the Beginning là lời cầu nguyện cho tương lai, mà trung tâm nội dung là Kiritsugu và Irisviel.
Sao thế giới này lại quá nhiều đau khổ?
Con người sinh ra đã khóc. Những giọt nước mắt cứ theo ta đi suốt cuộc đời, còn ngày vui nào đếm được bao nhiêu?
Và anh xuất hiện, anh đã, đang và sẽ chiến đấu cho một thế giới không còn ai khổ đau. Nhờ có anh, em tin phép màu xảy ra lần nữa, em cất lời cầu nguyện dù lời cầu nguyện đó sẽ chẳng vang tới ai. Làm sao được hả anh, khi những tiếng than đã lấn át lời cầu nguyện đó.Nhưng không sao, chỉ cần có anh có em, em vẫn sẽ tin tưởng con đường anh chọn. Em sẽ gánh chịu mọi đau khổ, sẽ để ngọn lửa thiêu cháy mình, vì
“Xuyên qua màn đêm vô tận
Những ngày ta bên nhau
Là một bản tình ca nhẹ nhàng.”




ED 2-Up on the Sky, the Wind sings



Họ luôn mong muốn hạnh phúc bên nhau.
TÌnh yêu của họ rất đẹp.
Nhưng sao…Ước mơ đó lại xa vời quá.
Nàng hỏi bầu trời, sao mi lại vô tư đến thế, như chưa bao giờ biết đến khổ đau. Tại sao mi luôn tìm ra được ngày mai tươi sáng cho mình?
Nàng từng ước giá như cuộc đời mình cũng hồn nhiên, trong sang như bầu trời. Nàng không chấp nhận số phận Homunculus nghiệt ngã. Và người đó đã tới, người đó làm trái tim nàng cảm động. Và giờ đây, nàng sẽ sống vì người đó, lần đầu tiên nàng có được mục đích để cảm nhận mình đang sống:
“Có ai đó để yêu…” (Life was born with something missing to begin with
There are also things that are full of pain
This runaway heart is touched by you)
Người đó đã mang lại ánh sang cho nàng, và chẳng biết tự bao giờ, nàng không còn sợ bóng đêm tìm về nữa.
(The thoughts of returning to darkness
Have been burned out
That light is my guide
That the world is still having dreams)
Vì bầu trời cao tràn ngập cơn gió đang hát về giấc mơ của anh. Giấc mơ đó đã van tới trời rồi đó..
(The sky is high with the wind singing
The memory of your dream
Your scream
Is making
Gentle echoes).




ED 18-19: Manten (Full Sky)



Khi những lời cầu nguyện không thể thấu tới bầu trời lấp lánh những ánh sao, thế gian này sẽ tràn ngập những điều ước chưa bao giờ thành hiện thực…
(When the prayers could not reach
The scattered sky where the stars
Quietly sparkled,
They instead filled up the heavens and the ground.)
Tương lai đã lỡ đánh rơi hi vọng, như cành cây đánh rơi nụ hoa…
(What shines upon the thin branch
Is a future that forgot to bloom,
Still regretting as it drops its leftover buds.)
Và thời khắc đó sẽ tới. Tôi sẽ trỗi dậy với lí tưởng chính nghĩa của mình. Chỉ cần tận dụng cơ hội này, tôi sẽ chấm dứt thế giới chỉ toàn thương đau.
Giấc mơ đó sẽ làm tôi đau đớn, trời đất sẽ phẫn nộ vì tôi, nhưng chỉ cần tôi đạt được mục đích, tôi chấp nhận đau đớn. Cho tới lúc đó, những lời cầu nguyện vẫn sẽ ngập tràn bầu trời lấp lánh ánh sao….
(The sky of prayers in which
The quietly sparkling stars reside
Continue to shine until this dream ends
With your scream.)



Ngoài ra, khâu lồng tiếng của Fate Zero khá tốt. Nhạc nền nổi lên có lúc cao trào (Những pha có mặt Rider), có lúc trầm buồn góp phần tăng giá trị của Anime.


Phần kết
Trên cả Prequel! Fate/Zero không những hoàn thành xuất sắc vai trò một Prequel, mà còn được xem như một Anime hành động độc lập đỉnh cao. Fate Zero đã giải đáp những thắc mắc ở Fate/Stay Night, đồng thời đóng vai trò nền móng cho các sự kiện trong Fate Stay Night. Dù Fate/Zero vướng phải một số hạt sạn trong việc phân bố nội dung: Cảnh chiến đấu giữa Berserker và Saber không được đầu tư kĩ, trong khi nhân vật phụ Rin Tohsaka lại có riêng hẳn 1 Ep để trình diễn.
Tuy nhiên, so với những gì Fate/Zero đã thể hiện, từ nội dung cho tới animation đều quá hoàn hảo, không có gì phải chê trách cả.
Thành công về mặt nội dung của Fate/Zero còn về việc sử dụng những triết lí trong tôn giáo (Mà ở đây là Kitô Giáo) và người viết đã đề cập rải rác trong Review (Nhiều nhất là phần cảm nhận Saber). Có lẽ vì thế tư tưởng trong Fate rất rõ ràng và thành công trong việc chuyển tải đến người xem…

Fate/Zero kết thúc, nhưng lại là khởi đầu cho một hành trình mới, những hi vọng mới cho một thế hệ mới. Những tia sáng soi xuống chiến trường Camlann đã báo hiệu điều đó



Đối với người viết, Fate/Zero đã đạt tới chuẩn mực của một siêu phẩm, đồng đều từ nội dung tới đồ họa, giá trị xem lại cao nên người viết quyết định cho bộ Anime này số điểm cao ngất ngưởng

Story:9/10
Character:9/10
Art/Animation:9/10
Music/Sound:9/10
Enjoyment:9/10
Overall:9/10


Đôi lời của người viết
Đặc biệt cám ơn Blaziken senpai vì bài Review quá súc tích của anh. Em đã lấy Review của anh làm nguồn cảm hứng cho Review của mình. Xin cám ơn anh




-End-
My First Review

savi1398
savi1398

Total posts : 61

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum