oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1)

Go down

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Empty [Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1)

Post by mynvijap Sat Nov 08, 2014 6:26 pm

Bài số 1: Rất hân hạnh được làm quen
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl01l

Nếu đã từng có dịp gặp gỡ hoặc làm việc với người Nhật, bạn sẽ thấy họ thường cúi mình và nói YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU. Câu này không chỉ dùng khi tự giới thiệu bản thân, mà dùng cả khi nhờ ai đó giúp đỡ. Đôi khi cũng thấy YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU xuất hiện ở cuối thư. Có thể bạn băn khoăn không hiểu người viết thư muốn nhờ mình điều gì. Thật ra, câu này không nói tới việc gì cụ thể, mà có ý nói đến tổng thể nội dung truyền đạt trong thư. Đây có lẽ là một trong những cách diễn đạt điển hình của Nhật Bản. Và nếu ai đó nói với bạn YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU, thì bạn có biết mình nên đáp lại thế nào không? Bạn chỉ cần nhắc lại câu đó: YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU.

Bài số 2: Ko-so-a-do koto

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl02l
KO-SO-A-DO KOTOBA là tập hợp các từ bắt đầu bằng các chữ cái KO-SO-A-DO trong các đại từ chỉ định KORE (cái này), SORE (cái đó), ARE (cái kia) và đại từ nghi vấn DORE (cái nào). KOTOBA có nghĩa là "từ". KO-SO-A-DO KOTOBA chỉ nơi chốn gồm có: KOKO (chỗ này), SOKO (chỗ đó), ASOKO (chỗ kia) và DOKO (chỗ nào).
KO-SO-A-DO KOTOBA là những từ dùng rất tiện, vì có thể dùng “cái này” “cái đó” thay cho tên gọi cụ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào người nghe cũng hiểu đúng ý người nói. Ví dụ, 2 vợ chồng đã sống với nhau nhiều năm, nhưng khi người chồng nói: “Lấy cho tôi cái kia!” với ý là tờ báo, thì người vợ lại đưa cho chồng đôi kính!


Bài số 3: Một cách từ chối
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl03l

Người Nhật rất coi trọng chữ “Hòa” trong các mối quan hệ. Họ không muốn các mối quan hệ bị rạn nứt do từ chối thẳng quá.
Ví dụ, khi được mời một món ăn không thích lắm, trước hết nên nói ARIGATÔ GOZAIMASU, có nghĩa là "Xin cảm ơn" để cảm ơn người mời. Khi muốn từ chối lời mời hay gợi ý nào đó, có thể nói CHOTTO… với hàm ý từ chối. CHOTTO là một từ rất hữu ích, có thể dùng cả khi bạn muốn gọi ai, hay khi muốn từ chối một điều gì đó.
Trong công việc, người Nhật cũng dùng nhiều cách nói vòng, nói tránh. Có một câu điển hình mà người Nhật thường dùng khi muốn từ chối một giao dịch với khách hàng, đó là câu KENTÔ SHITEMIMASU. Tuy KENTÔ SHITEMIMASU có nghĩa là "Sẽ cân nhắc, sẽ xem xét", nhưng đừng mừng vội, vì thực ra, câu này hàm ý là "Xin đừng kỳ vọng sẽ có câu trả lời tốt đẹp."


Bài số 4: Ý thức của người Nhật về thời gian

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl04l
Nhiều người nước ngoài tới thăm Nhật bản thường ngạc nhiên khi thấy tàu điện chạy rất đúng giờ. Đa số người Nhật rất thích làm việc đúng giờ giấc. Theo kết quả khảo sát ý kiến của một hãng sản xuất đồng hồ tầm cỡ, trả lời câu hỏi: “Khi đi làm bằng tàu điện, tàu đến chậm mấy phút thì anh/chị thấy sốt ruột?”, cứ 2 người thì có 1 người cho biết: "Trong vòng 5 phút mà tàu không đến là thấy sốt ruột rồi”.
Người Nhật coi việc đến trước giờ hẹn 5 phút là một quy tắc trong giao tiếp. Bạn sẽ thường xuyên thấy người khác nói rằng, họ có mặt ở địa điểm đúng giờ, nhưng hóa ra lại là người đến sau cùng. Đặc biệt, khi hẹn làm việc, đến muộn rất dễ bị mất lòng tin nên khi thấy có thể bị muộn giờ thì nên gọi điện thông báo, vì chỉ muộn 5 phút là rất nhiều người Nhật đã sốt ruột rồi.


Bài số 5: Giờ làm việc ở công ty
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl05l

Giờ làm việc của nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc lúc 5 giờ chiều, nhưng gần đây, ngày càng có nhiều nơi áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên ở mức độ nào đó có thể tự điều chỉnh giờ làm việc của mình. Mọi người rất thích chế độ giờ làm việc như thế, vì họ có thể tránh được giờ cao điểm và có thể làm việc phù hợp với nhịp sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều người dù đã xong phần việc của mình vẫn ngại không muốn về vì thấy đồng nghiệp và cấp trên đang làm việc ngoài giờ. Chính lúc này, người Nhật rất hay dùng một câu để biểu lộ sự quan tâm đến đồng nghiệp, đó là OSAKI NI SHITSUREI SHIMASU nghĩa là “Tôi xin phép về trước”.



Bài số 6: Dịch vụ dành cho người nước ngoài

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl06l
Số người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản đang tăng lên. Do khác nhau về tập quán, văn hóa, nên giữa người nước ngoài với người Nhật cũng xảy ra nhiều vấn đề hơn. Chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế những vấn đề đó.
Tại trụ sở hoặc trên trang web của chính quyền địa phương đều có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, Trung Quốc, Triều Tiên, Bồ Đào Nha, và tiếng Tagalog của Philipin. Có cả thông tin về các cơ sở y tế sử dụng tiếng Anh, thông tin về các dịch vụ công cộng và hướng dẫn vứt rác. Ví dụ, báo cũ cần phải gom lại, đến ngày nhất định trong tuần mới đem ra vứt, vì các nơi quy định ngày thu gom rác khác nhau. Ngoài ra, còn có thông tin về hoạt động văn hóa trong khu phố và giới thiệu những khóa học tiếng Nhật do tình nguyện viên giảng dạy

Bài số 7: Con dấu riêng
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl07l

Một trong những đặc điểm văn hóa của Nhật Bản khiến người nước ngoài ngạc nhiên là con dấu INKAN hoặc HANKO. Ở Nhật Bản, khi một người thực hiện các giao dịch quan trọng như mở tài khoản ngân hàng, hay ký hợp đồng nhà ở, không thể thiếu HANKO. Con dấu này được làm bằng gỗ, đá hoặc nhựa, có khắc họ của chủ nhân. Ở một số ngân hàng, chữ ký và con dấu có hiệu lực như nhau, nên có những nơi chỉ cần ký tên cũng có thể mở tài khoản được.
Con dấu còn được dùng cho nhiều công việc khác trong cuộc sống hàng ngày như xác nhận “đã nhận” thư bảo đảm và bưu phẩm. Những con dấu được làm sẵn, khắc những cái họ điển hình của người Nhật như SATÔ, SUZUKI và TAKAHASHI có thể mua được dễ dàng ở các cửa hàng. Tên người nước ngoài, hay những tên họ hiếm gặp cũng có thể đặt hàng và người ta sẽ làm cho bạn.

Bài số 8: Đồn cảnh sát

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl08l
Khi nhặt được ví hay điện thoại di động, người Nhật nghĩ ngay là "phải báo cho cảnh sát mới được!" Và khi bị mất đồ quí giá, họ cũng liên lạc với cảnh sát, báo họ bị mất đồ gì và ngày giờ bị mất. Nếu có người đem nộp, cảnh sát nhận được, sẽ liên lạc với người bị mất. Vậy nên, trong đoạn hội thoại trên, chị Yamada mới nói "Dù sao thì hãy cứ báo cảnh sát đã".
Đồn cảnh sát trong các thành phố được gọi là KÔBAN. Đồn cảnh sát được lập ra theo chế độ bảo vệ an ninh trật tự Tokyo từ hơn 100 năm trước đây, sau đó mới được mở rộng trên toàn đất nước Nhật bản. Cảnh sát làm việc ở đây được gọi thân mật là OMAWARISAN. Công việc của họ chủ yếu là đi tuần tra trong khu vực đồn phụ trách, và cũng có rất nhiều công việc khác, như tới hiện trường xảy ra tai nạn, phạm tội, hay là giám hộ trẻ lạc. Và đồn cảnh sát còn là nơi tin cậy số một khi bạn bị lạc


Bài số 9: Cách nói tên qua điện thoại
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl09l

Sử dụng kính ngữ sao cho đúng khi nói chuyện qua điện thoại là một việc rất khó. Vấn đề nằm ở chỗ, cần phải xác định được đúng mối quan hệ giữa "mình và người nói chuyện với mình". Họ là người cùng công ty hay người ngoài công ty. Khi nói với người ngoài công ty về những người cùng công ty, phải dùng cách nói khiêm tốn, giống như khi nói về bản thân. Ví dụ, khi nói với người ngoài công ty là "Giám đốc Suzuki hiện đi vắng", không nói SUZUKI SHACHÔ "giám đốc Suzuki", hay SUZUKI SAN "ông Suzuki", mà chỉ nói SUZUKI WA GAISHUTU SHITE IMASU "Suzuki hiện đi vắng".
Ở Nhật có nhiều họ phổ biến, nhất là các họ SATÔ, SUZUKI, TAKAHASHI. Ngoài ra còn có rất nhiều họ khác, trong đó có nhiều họ phát âm gần giống nhau. Nếu không nghe rõ họ tên của người đối thoại thì hãy đề nghị nhắc lại một lần nữa bằng câu: MÔ ICHIDO, O-NAMAE O ONEGAISHIMASU "Làm ơn cho biết tên một lần nữa ạ". (Người Nhật thường dùng họ thay cho tên.)
đường trong một thành phố xa lạ.


Bài số 10: Chào hỏi trong công ty
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl10l

Nếu bạn xây dựng được mối quan hệ hài hòa với cấp trên hay đồng nghiệp, tức là những người trong công ty, thì sẽ rất thuận lợi cho công việc. Đầu tiên, sáng đến công ty bạn nên chào thật to OHAYÔ GOZAIMASU, nghĩa là"Chào buổi sáng". Với đồng nghiệp hay cấp dưới, có thể chào ngắn gọn OHAYÔ cho thân mật. Khi bày tỏ sự đánh giá hay muốn cảm ơn công sức của ai đó thì nói O-TSUKARE SAMA DESHITA với ý là "Anh/chị đã vất vả quá!". Khi ra về trước người khác thì nói O-SAKI NI SHITSUREI SHIMASU! "Xin phép tôi về trước". GO-KURO SAMA DESU cũng là câu nói cảm ơn công sức ai đó, như "Anh/chị đã vất vả quá", nhưng để nói với cấp dưới thôi, đừng nói với cấp trên nhé!


Bài số 11: Danh thiếp
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl11l

MEISHI - danh thiếp của Nhật Bản có 2 loại: một loại in theo cột dọc, và một loại in theo hàng ngang. Loại in theo cột dọc chủ yếu in bằng tiếng Nhật. Loại in theo hàng ngang thuận tiện cho việc in bằng cả hai thứ tiếng: Nhật và Anh. Kích thước danh thiếp của Nhật Bản gần như cố định, phổ biến nhất là cỡ 9,1 x 5,5cm. Gần đây, có loại danh thiếp làm bằng giấy tái sinh, có loại in ảnh, hình minh họa, v.v. Khi trao đổi danh thiếp, có một số quy tắc nhất định. Ví dụ, khi nhận danh thiếp của người khác, nên nói CHÔDAI SHIMASU, hàm ý “Rất hân hạnh được nhận danh thiếp của anh”. Bạn nên lưu ý, khi cầm danh thiếp, tránh không để ngón tay che mất chỗ in tên của người trao danh thiếp. Ghi chép cái gì đó vào danh thiếp vừa nhận ngay trước mặt người trao cũng bị coi là hành vi bất lịch sự.


Bài số 12: Ngôn ngữ cử chỉ
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl12l

Ngôn ngữ cử chỉ không chỉ bổ trợ cho ngôn từ trong giao tiếp, đôi khi nó còn có sức truyền đạt cao hơn cả ngôn từ. Chúng tôi xin giới thiệu một số ngôn ngữ cử chỉ người Nhật hay dùng. Ở Nhật Bản, cũng giống như Việt Nam, khi gọi “Lại đây, lại đây!”, người ta úp lòng bàn tay xuống, hướng mũi tay ra phía trước và vẫy vài lần. Khi muốn khẳng định điều gì thì gật đầu, còn khi lắc đầu là tỏ ý muốn phủ định. Còn khi đưa ngón tay trỏ chỉ vào mũi mình có nghĩa là “Tôi”. Bây giờ là một câu hỏi, bạn có biết nếu một người chĩa 2 ngón tay trỏ dựng lên trên đầu là có ý gì không? Câu trả lời là, người đó muốn nói “Tôi đang bực mình đây!” hoặc ám chỉ ai đó đang bực mình. Hai ngón tay tượng trưng cho hai cái sừng quỷ đấy các bạn ạ!

Bài số 13: Văn hóa sử dụng thang máy
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl13l

Có một số quy ước xử sự khi đi thang máy ở nơi làm việc. Trước hết, khi đợi thang máy, bạn nên đứng ở hai bên cửa thang để không cản trở những người từ trong thang máy ra. Khi vào trong, nếu đi cùng với khách hoặc cùng với cấp trên, nên đứng ở chỗ thuận tiện để chủ động điều khiển thang. Trong thang máy, nếu có người lạ nên tạm dừng nói chuyện, để tránh làm lộ thông tin.
Thực ra, việc giữ im lặng trong thang máy không chỉ giới hạn ở nơi làm việc. Ở các khu mua sắm hay khách sạn cũng vậy, khi ở trong thang máy, về cơ bản nên hạn chế nói chuyện. Đó cũng là phép lịch sự đối với những người đi cùng thang máy với bạn.

Bài số 14: Chào hỏi
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl14l

Ở Nhật Bản, có nhiều cách mời, chào hay cảm ơn..., tùy thuộc vào từng tình huống. Các bạn hãy nhớ những câu mời, chào, cảm ơn... sau đây:
- Khi về tới nơi, hãy nói TADAIMA "Tôi đã về"
- Chào người mới về tới nơi, hãy nói O-KAERI NASAI "Anh/chị đã về đấy à"
- Khi chuẩn bị đi ra ngoài, hãy nói ITTE KIMASU "Tôi đi đây"
- Khi tiễn ai đó, hãy nói ITTERASSHAI "Anh/chị đi nhé"
- Khi bắt đầu ăn uống, hãy nói ITADAKIMASU "Tôi xin phép ăn" (Xin mời)
- Khi được mời dùng cơm, ăn xong hãy nói GOCHISÔ SAMA DESHITA "Cảm ơn về bữa ăn ngon"
- Cuối cùng, trước khi đi ngủ hãy nói O-YASUMI NASAI "Chúc ngủ ngon"
Đáp lại lời chúc này cũng là O-YASUMI NASAI "Chúc ngủ ngon"
Nắm vững những câu chào hỏi như vậy, bạn sẽ thấy gần gũi với người Nhật hơn.


Bài số 15: Liên hoan công ty

[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl15l
Các công ty Nhật Bản thường tổ chức liên hoan cho nhân viên. Trong đó, điển hình nhất là liên hoan chào đón nhân viên mới, liên hoan chia tay nhân viên thuyên chuyển công tác và liên hoan cuối năm để cảm ơn mọi người đã cố gắng làm việc suốt một năm đó.
Các buổi liên hoan thường được tổ chức vào buổi tối, sau giờ làm việc, mọi người cùng ăn tối, uống rượu và uống trà. Nếu bạn không uống được rượu, thì bạn có thể từ chối khéo léo bằng cách nêu lý do và nói sumimasen, o-sake wa nomenai n desu "Tôi xin lỗi, tôi lại không uống được rượu", thì mọi người sẽ thông cảm với bạn thôi.
Các buổi liên hoan là dịp để bạn làm quen với mọi người, và cũng là nơi bạn hiểu thêm về đồng nghiệp của mình. Thế nên, bạn hãy tham dự khi được mời nhé!

Bài số 16: Đối tác kết hôn lý tưởng.
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl16l

Ở Việt Nam, điều kiện chọn một người làm vợ hoặc chồng là gì? Ở Nhật Bản, theo kết quả thăm dò của một công ty bảo hiểm, đối với phụ nữ đi làm độ tuổi từ 25 đến 44, điều kiện để chọn một người đàn ông làm chồng là anh ta phải có 3K. 3K là viết tắt chữ cái đầu trong các chữ: kachikan "giá trị quan", kinsen-kankaku "quan niệm và cách tiêu tiền", koyou no antei "có việc làm ổn định".
Cuối những năm 1980, thời kỳ hưng thịnh của kinh tế Nhật Bản, tiêu chuẩn "3 cao" được đề cao hơn, gồm: kou-shinchou "vóc dáng cao", kou-gakureki "học vấn cao" và kou-shu-nyuu "thu nhập cao". Thời đại thay đổi, điều kiện chọn vợ chọn chồng cũng thay đổi theo. Nguồn: AXA điều tra về nhân thọ

Bài số 17: Akihabara
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl17l

Akiha-bara được biết đến như một khu phố điện tử hàng đầu thế giới. Ở đây tập trung rất nhiều cửa hàng bán đồ điện tử. Gần đây, Akiha-bara còn nổi tiếng là nơi xuất phát những gì mới nhất trong lĩnh vực văn hóa đại chúng của Nhật Bản như hoạt hình và truyện tranh. Vào cuối tuần, rất nhiều bạn trẻ đến Akiha-bara để tìm mua mô hình nhân vật phim hoạt hình, hoặc phần mềm trò chơi điện tử.
Akiha-bara bắt đầu trở thành khu phố điện tử vào những năm 1950. Vào thời kỳ tái thiết kinh tế sau chiến tranh, các cửa hàng bán linh kiện điện tử bắt đầu tập trung ở xung quanh ga Akiha-bara. Số lượng các cửa hàng này tăng lên nhanh chóng. Lúc đó, hầu hết các cửa hàng đều nhỏ với diện tích chỉ vài mét vuông nằm liền kề nhau. Những cửa hàng nhỏ như thế đến nay vẫn còn, và nếu bạn đi bộ ở những ngõ nhỏ ở đây, bạn có thể mua được bất cứ thứ gì, từ ống chân không radio thời xa xưa, đến linh kiện điện tử mới nhất hiện nay.

Bài số 18: Thông báo trên tàu
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl18l

Bạn đã bao giờ lo lắng hồi hộp khi đi tàu ở một nước mà bạn đến lần đầu vì không biết liệu mình có xuống đúng ga cần đến, hay có chuyển đúng tàu hay không? Ở Tokyo, hầu hết thông báo trên tàu như thông báo tên ga kế tiếp, hướng dẫn chuyển tàu... thường được phát bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Phía trên cửa ra vào của những toa tàu sản xuất sau này có màn hình tinh thể lỏng, hiển thị thông tin chỉ dẫn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Trên một vài tuyến tàu, thông tin chỉ dẫn trên màn hình còn có cả tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc, nên dù không hiểu tiếng Nhật các bạn vẫn có thể yên tâm.
Tuy nhiên, khi tàu điện phải dừng hoặc đến chậm do sự cố hay thời tiết xấu, thông báo chỉ được phát thanh bằng tiếng Nhật. Đây là lúc thử thách khả năng tiếng Nhật của bạn. Hãy bình tĩnh và lắng nghe kỹ nội dung thông báo.

Bài số 19: Điểm hẹn
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl19l

Shibuya là một quận ở Tokyo, nơi có trụ sở của đài phát thanh Nhật Bản NHK. Ở đây có một điểm hẹn rất nổi tiếng mang tên "Hachikô", nằm phía trước nhà ga Shibuya. Tại đây có tượng một chú chó đúc bằng đồng, một chú chó trung thành, ròng rã nhiều năm đợi chủ ngoài ga cho dù người chủ đã qua đời.
Gần đây, cùng với sự phổ biến của điện thoại di động, cách mọi người hẹn gặp nhau thay đổi nhiều. Nếu thấy có vẻ như mình sẽ đến muộn, hoặc đến chỗ hẹn rồi mà không thấy người kia đâu, thì bạn có thể nhắn tin hoặc gọi điện thoại báo "tôi sẽ đến muộn" hoặc "anh đang ở đâu?". Như thế, bạn sẽ không phải lo lắng liệu có phải người kia đã gặp chuyện gì không, hay là không biết họ có nhầm điểm hẹn không.
Mặt khác, cũng có người cho rằng, liên lạc thuận tiện đã làm mất đi cảm giác hồi hộp khi hẹn hò và các cuộc hẹn cũng phần nào buồn tẻ hơn.


Bài số 20: Ba báu vật
[Đời sống - Văn hóa] Bí quyết sống ở Nhật Bản (p1) Picl20l

Từ thời xa xưa, ở Nhật Bản, kiếm, gương và ngọc là "ba báu vật thiêng" của hoàng gia, được truyền từ đời này qua đời khác. Vào khoảng những năm 1950, khi đồ điện vẫn còn là quí hiếm, tivi đen trắng, tủ lạnh và máy giặt cũng được mệnh danh là "ba báu vật" của các gia đình. Sau đó, những đồ điện gia dụng này trở nên phổ biến, tạo nên thay đổi lớn trong cuộc sống của người Nhật.
"Ba báu vật" của thời đại tràn ngập đồ điện tử hiện nay là gì? Có người cho rằng, trong số ba báu vật đó, hẳn phải có tivi màn hình phẳng hoặc máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, ứng cử viên mới cho vị trí "báu vật" vẫn liên tiếp xuất hiện trên thị trường.
"Ba báu vật" của thế kỷ 21 theo bạn là gì?
mynvijap
mynvijap

Total posts : 75

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum