[Film genre] Low-budget film - Phim kinh phí thấp
Page 1 of 1
[Film genre] Low-budget film - Phim kinh phí thấp
Phim kinh phí thấp |
Phim kinh phí thấp là phim được thực hiện mà không nhận được tài trợ từ các hãng phim lớn hay các nhà đầu tư tư nhân. Rất nhiều bộ phim độc lập được quay dưới hình thức kinh phí thấp, ngoài ra các bộ phim trào lưu được thực hiện bởi các nhà làm phim chưa có kinh nghiệm hoặc không có tên tuổi cũng có thể bị liệt vào dạng phim kinh phí thấp. Rất nhiều nhà làm phim trẻ hay dân mới vào nghề thường quay phim kinh phí thấp để chứng tỏ tài năng của mình trước khi thực hiện các dự án lớn hơn. Nhiều bộ phim kinh phí thấp không thu hút được sự chú ý hay lời khen của khán giả do đó chúng chẳng bao giờ được công chiếu trên rạp và thường bị đẩy thẳng ra các trung tâm bán lẻ băng đĩa vì thiếu thị trường tiêu thụ, vẻ ngoài, cốt truyện hay cách lập luận. Các nhà làm phim trẻ ngày nay thường dựa vào các liên hoan phim để tạo lập trước hình ảnh cho mình. Họ dùng các giải thưởng này để thu hút sự quan tâm và chú ý cho các tác phẩm của mình, điều này giúp họ có thể công chiếu phim trên rạp tuy vẫn còn hạn chế. Một vài bộ phim kinh phí thấp may mắn nhận được sự ái mộ của khán giả và sau đó được phát hành rộng rãi. Chưa có một mô hình tài chính nào có thể đưa ra mức kinh phí để xác định thế nào là một sản phẩm phim kinh phí thấp. Thuật ngữ “kinh phí thấp” phụ thuộc vào từng quốc gia cụ thể và thay đổi tùy theo thể loại. Chẳng hạn như, một bộ phim hài được thực hiện với kinh phí 20 triệu USD sẽ được xem là dạng phim có kinh phí trung bình, trong khi một bộ phim hành động hay phim khoa học viễn tưởng có cùng mức kinh phí sẽ bị xem là phim kinh phí thấp, nguyên nhân là do phim thuộc các thể loại này thường đòi hỏi một mức kinh phí lớn hơn. Giá trị nghệ thuật và mức độ thành công của phim kinh phí thấp được đánh giá dựa trên thể loại, cách lập luận, cốt truyện và tài chính của bộ phim, cũng như tên tuổi của diễn viên và khả năng diễn xuất của họ. Một bộ phim kinh dị viễn tưởng kinh phí thấp có thể mang lại kết quả khả quan hơn khi được công chiếu, do chúng thường không đòi hỏi quá cao về mặt hiệu ứng hình ảnh, chủ yếu phụ thuộc vào cốt truyện, và nhìn chung mức kinh phí cũng không đòi hỏi cao. Trong khi đó, một bộ phim khoa học viễn tưởng hành động sẽ khó lòng đạt được kết quả tương tự, do thể loại phim này phụ thuộc nhiều vào các pha hành động và tốn kém nhiều kinh phí thực hiện hơn, điều mà các bộ phim kinh phí thấp khó lòng đáp ứng đủ. Trong nhiều trường hợp, các nhà làm phim kinh phí thấp thường chọn quay loại phim phụ thuộc nhiều vào cốt truyện hoặc phim tâm lý xã hội thuộc mọi thể loại. Phim kinh phí thấp có thể được thực hiện bởi cả nhà sản xuất chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Họ có thể sử dụng các trang thiết bị quay phim chuyên nghiệp lẫn các thiết bị quay phim dân dụng.
Những bộ phim kinh phí thấp đáng chú ý |
Một trong số các bộ phim kinh phí thấp thành công nhất, không thể không nhắc đến là "The Blair Witch Project", sản xuất năm 1999. Kinh phí của bộ phim này cỡ khoảng 60.000 USD nhưng lại thu về 249 triệu USD khi công chiếu trên toàn thế giới. Thậm chí, phim còn được viết thành sách, làm thành một bộ ba trò chơi điện tử, và được làm phần tiếp theo nhưng không được ưa chuộng bằng. Một bộ phim kinh phí thấp khác có thể còn thành công vang dội hơn đó là phim "Deep Throat", sản xuất năm 1972 với mức kinh phí vỏn vẹn 22.500 USD, nhưng tin đồn cho biết phim đã thu về hơn 600 triệu USD, tuy nhiên sự thực về con số này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Một ví dụ khác trong thời điểm sớm hơn cho phim kinh phí thấp, với thành công rực rỡ, đó là phim "Sholay", sản xuất năm 1975, một tác phẩm của Bollywood được mệnh danh là "Curry Western", với mức kinh phí sản xuất 20.000.000 Rs (tương đương 400.000 USD) và mang lại doanh thu 3.000.000.000 Rs (tương đương 67 triệu USD), đưa bộ phim trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ. Các bộ phim Châu Á với kinh phí thấp khác cũng được đánh giá là thành công gồm có: phim Trung Quốc "Enter the Dragon" (năm 1973) với sự tham gia của diễn viên Bruce Lee (Lý Tiểu Long), với mức kinh phí 850.000 USD và thu về 90 triệu USD trên toàn thế giới,và phim "Crouching Tiger, Hidden Dragon" (năm 2000), với mức kinh phí 15 triệu USD và thu về 214 triệu USD trên toàn thế giới, trở thành bộ phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
"Rocky" được quay với mức kinh phí 1 triệu USD, và sau đó thu về 117,2 triệu USD khi công chiếu trong nước, và 225 triệu USD khi công chiếu trên toàn thế giới. "Halloween" được sản xuất với mức kinh phí 320.000 USD và đạt doanh thu 47 triệu USD khi công chiếu tại Hoa Kỳ, sau đó nó tiếp tục mang về 60 triệu USD khi được công chiếu trên toàn thế giới. "Napoleon Dynamite" có mức kinh phí thực hiện thấp hơn 400.000 USD nhưng lại mang về doanh thu hơn 50 triệu USD. Các bộ phim như "Juno", với mức kinh phí 6,5 triệu USD và doanh thu 230 triệu USD khi công chiếu trên toàn thế giới, và "Slumdog Millionaire", với kinh phí 15 triệu USD và doanh thu hơn 360 triệu USD khi công chiếu trên toàn thế giới, được đánh giá là thành công vang dội. "Napoleon Dynamite", "Juno", và "Slumdog Millionaire" nhận được sự hỗ trợ từ hãng Fox Searchlight Pictures, một công ty phân phối các loại phim kinh phí thấp, rất nhiều trong số đó đã đạt được kết quả rực rỡ khi được công chiếu tại các rạp trên toàn thế giới. Thông thường thì, trong thời điểm hiện tại, các bộ phim kinh phí thấp thường được sản xuất mà không cần sự hỗ trợ từ phía các nhà phân phối. Trong một số trường hợp chẳng hạn như các trường hợp này, các nhà sản xuất mong muốn phân phối tác phẩm của mình sau khi nhận được tín hiệu khả quan từ phía khán giả trong các buổi liên hoan phim. Bộ phim kinh dị của Thụy Điển "Marianne" là một ví dụ điển hình cho trường hợp này.
Bộ phim Anh Quốc "Monsters" là một thành công điển hình gần đây, nó đã mang những hiệu ứng đặc biệt mà trước giờ chỉ các hãng phim lớn mới có được — các hiệu ứng đắt tiền, hiệu ứng đặc biệt của phim bom tấn— đến với các bộ phim chiếu rạp độc lập, kinh phí thấp. Theo báo cáo, kinh phí của bộ phim ước tính ở mức 500.000 USD nhưng doanh thu tại các phòng chiếu phim lại đạt mức 4.188.738 USD.
Một số lượng lớn các phim với kinh phí trung bình và thấp đã bị chính nhà sản xuất của chúng lãng quên và rơi vào thị trường công cộng. Điều này đặc biệt đúng đối với các phim kinh phí thấp được sản xuất tại Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 1923 đến năm 1978 (các bộ phim và các tác phẩm khác được thực hiện tại Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ này phần lớn đều rơi vào thị trường công cộng nếu bản quyền của chúng không được gia hạn sau 28 năm kể từ khi phát hành bản gốc). Ví dụ điển hình là loạt phim được thực hiện bởi Ed Wood hay Roger Corman.
Một số bộ phim kinh phí thấp thất bại thảm hại tại các phòng chiếu đã nhanh chóng bị lãng quên, và chỉ bắt đầu được chú ý đến sau đó vài thập kỷ. Một số bộ phim điện ảnh với kinh phí thực hiện thấp lại giành được sự quan tâm của khán giả sau khi bị đưa vào danh sách phim tệ nhất của mọi thời đại. Các ví dụ điển hình cho trường hợp nở muộn của phim chiếu rạp kinh phí thấp có thể kể đến phim "Plan 9 from Outer Space và Manos: The Hands of Fate".
Ngoài ra, một số phim kinh phí thấp có mức độ thành công rất tệ (hay trung bình) trong đợt công chiếu ban đầu, về sau lại được đánh giá là kinh điển. Phim "The Last Man on Earth" là bộ phim đầu tiên được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết "I am Legend" của tác giả Richard Matheson. Do bị hạn chế về mặt kinh phí, các nhân vật vampire (quỷ hút máu) trong phim lại có tạo hình trông như các zombie (xác sống) thay vì những con quái vật nhanh nhạy và lanh lẹ được mô tả trong tiểu thuyết. Buổi công chiếu (và bộ phim) không được xem là thành công tại thời điểm ấy, nhưng nó đã tạo thành động lực thúc đẩy George A. Romero thực hiện bộ phim "Night of the Living Dead". Và vì thế, phim "The Last Man on Earth" trở thành ông tổ của vô số các bộ phim với đề tài zombie. Sau này, các fan hâm mộ của thể loại phim này đã tìm ra phiên bản gốc, và tôn vinh nó thành một tác phẩm kinh điển.
Phim kinh phí siêu thấp |
Phim kinh phí siêu thấp là phim được thực hiện với mức kinh phí rất rất thấp, đôi khi nó chỉ ở mức vài ngàn đôla. Một ví dụ cho loại hình này có thể kể đến bộ phim nổi tiếng năm 1992, phim "El Mariachi", trong bộ phim đạo diễn Robert Rodriguez thậm chí không thể thực hiện quay lại lần hai do kinh phí chỉ ở mức 7000 USD. Tuy bị hạn chế, nhưng bộ phim lại gặt hái được thành công cả từ cả giới phê bình lẫn về mặt thương mại, và đặt bước khởi đầu cho sự nghiệp của vị đạo diễn trẻ.
Một trong số những bộ phim kinh phí siêu thấp nhận được sự khen thưởng từ giới phê bình phải kể đến đạo diễn Satyajit Ray của điện ảnh Bengali, với tác phẩm nổi tiếng "The Apu Trilogy" (năm 1955 – 1959). Phần đầu tiên của bộ ba phim, "Pather Panchali" (1955), được bấm máy với mức kinh phí cực thấp 1,5 Rs lakh (tương đương 3000 USD) cùng đội ngũ diễn viên và hậu cần nghiệp dư. Hiện nay, cả ba phần của bộ phim đều thường được xếp vào danh sách phim hay nhất của mọi thời đại. Tất cả những bộ phim sau đó của ông vẫn tiếp tục đi theo hướng phim kinh phí siêu thấp hoặc phim kinh phí thấp, trong đó bộ phim đắt tiền nhất là phim "The Adventures Of Goopy And Bagha" (1968) với mức kinh phí 6 Rs lakh (tương đương 12.000 USD) và phim "Shatranj Ke Khilari" (1977) với mức 20 Rs lakh (tương đương 40.000 USD).
Một ví dụ khác là bộ phim được ưa thích "Eraserhead" sản xuất năm 1977, với kinh phí sản xuất chỉ ở mức 10.000 USD. Đạo diễn David Lynch đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để bảo vệ nguồn kinh phí và phải mất tận 6 năm ông mới có thể hoàn tất bộ phim, khi Lynch kiếm đủ tiền để trang trải chi phí quay phim.
"Primer" là một bộ phim khoa học viễn tưởng của Hoa Kỳ sản xuất năm 2004, phim kể về việc tình cờ phát minh ra máy du hành thời gian. Bộ phim được viết, đạo diễn và sản xuất bởi Shane Carruth, một cựu toán học gia và kỹ sư, và hoàn thành với mức kinh phí chỉ vỏn vẹn 7.000 USD.
Tại Anh Quốc, vào năm 2006 bộ phim "The Zombie Diaries" được viết, sản xuất và đạo diễn bởi nhà làm phim Kevin Gates và Michael Bartlett. Chi phí thực hiện bộ phim là 8.100 bảng Anh, và doanh thu tính đến thời điểm hiện tại đã vượt hơn một triệu đôla khi công chiếu trên toàn thế giới.
Bộ phim hài "Le Fear" sản xuất năm 2010 được bấm máy với mức kinh phí chỉ vỏn vẹn 1.900 bảng Anh.
Bộ phim kinh phí thấp "Roman Epic 476 A.D." sản xuất năm 2012, kể về sự sụp đổ của Đế chế La Mã, được viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn bởi Ivan Pavletić, và bắt đầu quay từ năm 2010 đến năm 2012, ngay tại Colorado và các khu vực xung quanh Ý và Croatia. Kinh phí thực hiện bộ phim ước tính khoảng 20.000 USD.
Tại Nga, bộ phim hình sự "Brother" sản xuất năm 1997 được thực hiện với khoản ngân sách 10.000 USD, và gặt hái được thành công vang dội trong đợt công chiếu đầu tiên.
"Paranormal Activity", sản xuất năm 2007, một bộ phim kinh dị được viết và đạo diễn bởi Oren Peli, được thực hiện với mức kinh phí 15.000 USD và thu về 193.355.800 USD (Sau khi điều chỉnh lạm phát: 210.391.025 USD).
Nhà phê bình Owen Gleiberman của tạp chí Entertainment Weekly đánh giá "Paranormal Activity" ở mức A (A là thang điểm cao nhất) kèm với nhận xét "đáng sợ ... kỳ quái và kinh hoàng" và ghi chú thêm "Paranormal Activity đã xóa bỏ 30 năm rập khuôn buồn tẻ của thể loại phim kinh dị."
Bộ phim drama hài, "Slacker", sản xuất năm 1991, do Richard Linklater viết kịch bản và đạo diễn, được sản xuất với kinh phí 23.000 USD. Bộ phim được đề cử đưa vào Viện lưu trữ phim quốc gia (Hoa Kỳ) trong năm 2012.
"Clerks" được viết và đạo diễn bởi Kevin Smith trong năm 1994 với kinh phí thấp hơn 27.000 USD và thu về 3 triệu USD khi công chiếu tại các rạp. "Clerks" đặt bước mở đầu cho sự nghiệp đạo diễn của Smith. Sau này, ông đã thực hiện một số bộ phim đáng chú ý khác với kinh phí cao hơn.
Bộ phim tài liệu "Tarnation" sản xuất năm 2004 có mức kinh phí 218,32 USD nhưng đã mang về 592.014 USD.
Trong năm 2009 và 2010, "Another Day Another Life", một bộ phim 4 phút gây cấn, và "Life! Camera Action...", một bộ phim 90 phút, được quay với kinh phí ước tính khoảng 100 USD và 4000 USD. Cả hai bộ phim đều nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình, nhận hơn 100 giải thưởng quốc tế và nhiều danh hiệu trong đủ mọi thể loại trên toàn thế giới. Another Day Another Life được chính thức bầu chọn vào Góc phim ngắn trong Liên hoan phim Cannes năm 2009.
"Susie Q", một bộ phim theo trường phái neo-noir sắp ra mắt khán giả, được viết và đạo diễn bởi Vilan Trub với mức kinh phí 20.000 USD, đã được đưa vào danh sách ứng cử viên cho phim mùa hè 2013.
"I Am My Own", một bộ phim của Thụy Điển hoàn tất năm 2013, với mức kinh phí 10.000 USD. Nhà biên kịch, đạo diễn, và sản xuất Johan Bergqvist viết kịch bản và biên tập phim với một đoàn làm phim nhỏ trong vòng 2 năm, các cảnh quay chính được thực hiện chỉ trong 16 ngày trong mùa thu năm 2011.
"AUGUST 2", một bộ phim của Ấn Độ, được quay với mức kinh phí siêu thấp chỉ ở khoảng 3 mươi vạn đồng Rupee Ấn (tương đương 6000 USD) trong năm 2012 trong thời gian 12 ngày. Đạo diễn của bộ phim, "P V Krishnan", là thành viên duy nhất của đoàn làm phim (người viết kịch bản, đạo diễn phân vai, quay phim, biên tập viên, điều chỉnh VFX) và đồng thời thủ vai khách mời trong phim.
"The Monster of Phantom Lake" được sản xuất năm 2006 với mức kinh phí thấp hơn 10.000 USD. Sự thành công của bộ phim đã tạo cơ hội cho tác giả - đạo diễn Christopher R. Mihm tiếp tục thực hiện loạt phim kinh phí thấp theo phong cách thập niên 1950 về đề tài quái vật, bao gồm cả phim "The Giant Spider" năm 2013.
Dịch: Sandy
PR: Kei
BBCode: Kei - based on fruitstyle 's theme -
Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic này hồi báo, góp ý.
PR: Kei
BBCode: Kei - based on fruitstyle 's theme -
Vui lòng ghi rõ link nguồn khi copy bài viết.
Nếu phát hiện lỗi sai, thiếu sót trong bài dịch, xin vào topic này hồi báo, góp ý.
.Kei.- Total posts : 10
Similar topics
» [Film genre] Drama Film - Phim Chính Kịch
» [Film genre] Biographical Film - Phim Tiểu Sử
» [Film genre] Adventure Film - Phim Phiêu Lưu
» [Film genre] Documentary Film - Phim Tài Liệu
» [Film genre] Adventure Film - Phim Phiêu Lưu
» [Film genre] Biographical Film - Phim Tiểu Sử
» [Film genre] Adventure Film - Phim Phiêu Lưu
» [Film genre] Documentary Film - Phim Tài Liệu
» [Film genre] Adventure Film - Phim Phiêu Lưu
Page 1 of 1
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum