oOo VnSharing Database oOo
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

[Giới thiệu] The Vision Thing - Câu chuyện về thị giác

Go down

[Giới thiệu] The Vision Thing - Câu chuyện về thị giác Empty [Giới thiệu] The Vision Thing - Câu chuyện về thị giác

Post by Gintoshiro Thu Nov 06, 2014 12:10 pm

Câu chuyện về thị giác

Houston, khiếm thị, MasterChef, sự nổi tiếng
Bởi Christine Ha
[Giới thiệu] The Vision Thing - Câu chuyện về thị giác I7C34ayvewNuh
Ảnh: Dan Page
Nguồn: Houstonia
Dịch + BBCode: Kei




Từ rất lâu trước năm ngoái, và những thay đổi to lớn của cuộc đời đến từ việc tham gia cuộc thi nấu ăn trên truyền hình rồi đạt giải, cho tới việc bắt tay vào viết sách nấu ăn, tôi đã trải qua một đổi thay to lớn khác trong cuộc đời mình ở nơi xa khỏi ánh đèn Hollowood, nó diễn ra ở chính nơi đây, trên mảnh đất Houston này.

Tôi nhớ về nó như những buổi chiều hè rạng nắng vào năm 2004. Vào một trong những buổi chiều đó, chiếc xe buýt METRO số 53 tiến lại nơi bến đỗ, nó nhả hơi, rồi chầm chậm hạ xuống bên lề đường. Người hướng dẫn của tôi, tới từ Lighthouse of Houston, dẫn tôi ngồi vào ghế. Chúng tôi đi qua vài khu phố trước khi dừng lại ở một nơi nào đó trong thành phố - tôi quả thực không biết mình đang ở đâu vào lúc đó. Tôi chỉnh lại dải băng bịt mắt đã thấm đẫm mồ hôi (người hướng dẫn muốn đảm bảo rằng tôi sẽ không gian lận) và với tay nắm lấy cổ tay cô ấy, tay còn lại tôi nắm chặt lấy cây gậy chống. Cái ngày mà tôi không còn có thể dựa vào thị lực của mình đang đến ngày một gần, và tôi cần luyện khả năng định hướng cũng như di chuyển càng sớm càng tốt.

Cùng nhau, chúng tôi đặt bước vào thành phố. Các cửa hàng lúc đó đều khá là yên ả. Tôi dạo bước bên ngoài một dãy của hàng, vừa đi vừa gõ đầu cây gậy vào tường.

"Em ngửi thấy gì không?" - Hướng dẫn của tôi hỏi.

"Mùi tỏi." - Tôi trả lời.

"Đó là quầy đồ ăn Trung Quốc."

Tôi cố gắng ghi lại những mùi huơng nhất định vào bộ nhớ: mùi của những cửa hiệu giày đầy cao su, hay cửa hàng bánh thơm mùi bánh mì, vani, cửa hiệu pizza mang đậm mùi của cả tỏi lẫn bánh mì, quầy thể thao thì chìm ngập trong mùi dầu rán. Đoạn đường dưới hầm dần hết, tôi tiến lại phía thang cuốn, và nhanh chóng đặt chân lên phố. Lên đây, hướng dẫn của tôi dời ra khỏi nắm tay tôi và để tôi tự mình cất bước. Tôi có thể nghe và cảm nhận dòng di chuyển của các phương tiện giao thông.

"Đừng sợ." - Tiếng cô ấy vang lên giữa tiếng động cơ inh ỏi. "Từng bước một thôi em."

Một số chỗ dốc lên ở góc đường lồi lên hoặc có vìa cửa, tôi nhanh chóng học được rằng chính chúng sẽ giúp tôi định hướng được đường đi. Một vài nút giao thông thậm chí còn có tiếng bíp báo hiệu khi tôi có thể qua đường.

Khi hướng dẫn của tôi cuối cùng cũng tuyên bố kết thúc buổi học, tôi tháo chiếc bịt mắt và thở ra nhẹ nhõm. Tôi đã trở về với thế giới quen thuộc của mình từ thế giới lạ lẫm kia, và chẳng mấy chốc mà hai thế giới đó sẽ đổi chỗ cho nhau trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
.
.
.
.
.
.
Trong suốt 34 năm đã qua của cuộc đời, 24 năm trong số đó tôi sống ở Houston, nhưng tới tận khi tôi bắt đầu mất đi thị lực của mình, phương tiện công cộng vẫn luôn là một khái niệm gì đó rất xa vời. Thực tế, phải tới tận khi tôi rời Houston để tới LA, tôi mới bắt đầu làm quen với nó, trước tiên là ở thời trung học khi mà tôi trốn học để đi trèo lên xe buýt đi ngắm những chàng trai đang lướt sóng ở Seal Beach, và sau đó là với tư cách sinh viên đại học đi thăm quan New York, đó cũng là lần đầu tiên tôi đi tàu điện ngầm.

Những phương tiện công cộng đó đáng lẽ sẽ vẫn chỉ là chuyện kể với tôi - thứ mà chỉ khi ra khỏi Houston, tôi mới dùng tới - nếu không có Neuromyelitis Optica. Tôi 20 khi bắt đầu mất dần thị lực cho căn bệnh này, một tình trạng tự miễn ảnh hưởng tới thần kinh thị giác. Dần dần, chứng viêm nó gây ra khiến cả thế giới như thể bị bao lấy trong một màn sương mù dày đặc, hay như thể tôi đang lơ lửng trong một đám mây bất tận.

Từng có lúc tôi cho rằng lái xe ở Houston là nguy hiểm, nhưng nguy hiểm đó chẳng là gì nếu so với việc phải di chuyển trong thành phố mà không có tầm nhìn. Khi tôi không còn ngồi sau tay lái được nữa, tôi chỉ còn duy nhất chọn lựa là đi bộ hoặc trèo lên những chiếc METROLift, xe công cộng dành cho những người khuyết tật. Ban đầu, ý tưởng đó làm tôi vô cùng không thoải mái; một mặt nó giải quyết được vấn đề đi lại cho tôi, mặt khác dịch vụ đó lại buộc tôi phải đối mặt và chấp nhận sự thật rằng tôi đã đánh mất cả thị lực và, không kém phần quan trọng, sự tự lập của bản thân. Tôi cảm thấy lạc lõng mỗi khi ngồi trước cửa nhà mình ở Southwest Houston, chờ tiếng chiếc xe buýt cập bến. Nhưng vào thời điểm tôi theo học Trường Đại học Houston, chuyên ngành Creative Writing, thì việc phải tới lớp buộc tôi phải quen với việc di chuyển bằng phương tiện công cộng. 

Cuộc sống luôn có những thử thách. Với rất nhiều hành khách phải đón và trả trong suốt hành trình, tôi thường đến trường trễ giờ vào lớp. Sau đó là rắc rồi với việc đi qua khu U của trung tâm H của trường, khi mà lối đi rất khó định hình với đầy các bụi cậy, các công trình xây dựng và các vỉa hè nứt nẻ. Tôi thường gặp trở ngại với không cái này thì cái khác trong lúc đi từ điểm dừng của METROLift chuyển 14 tới lớp học của tôi ở Roy G, tòa nhà Cullen. Nhưng kẻ địch lớn nhất mà tôi gặp phải là vòi phun nước Cullen, nó nằm ở bên phải lối đi tới lớp của tôi. Lề đường dính luôn vào với phần bể, không có bờ rìa, vậy nên, không có cảnh báo nào hết. Khi đi qua đó, tôi cố gắng lắng nghe tiếng nước bắn, và đảm bảo mình tránh một khoảng xa an toàn - đó là khi có tiếng nước. Vào ngày mà người ta tắt vòi phun để bảo trì, tôi tới lớp trong lo lắng, sợ rằng cây gậy dẫn đường sẽ không giúp tôi định vị được thành bể và tôi sẽ tham gia học bơi một mình, khi mà tôi thậm chí còn chẳng đăng kí môn bơi.
.
.
.
.
.
.
Khi được hỏi tôi nhớ gì nhất khi thị lực vẫn còn, tôi luôn không ngần ngừ mà trả lời ngay rằng, đó là lái xe. Tôi nhớ những ca làm đúng giờ, khi mặt trời tỏa nắng qua nóc xe mở đón ánh mặt trời, The Cure và Wu-Tang vang lên trên loa. Tôi nhớ việc tự mình làm mọi thứ lặt vặt. Tôi nhớ cảm giác tự lập của mình. Giờ đây, tôi ngồi trên ghế phải của xe, kéo dây an toàn qua vai trái theo thói quen xưa cũ. Giờ tôi sẽ phải cam chịu công nghệ podcast (xe chồng tôi) hay Top Forty (xe bạn tôi). Tôi không còn có thể lén mua những chiếc pizza đông lạnh giá $2 nữa (chúng là yếu điểm của tôi).

Houston không phải nơi lí tưởng cho những người khiếm thị (à vâng, đúng ra mà nói là chẳng có nơi nào là lí tưởng hết.) Cả thành phố trải rộng hơn 600 dặm vuông, vậy mà số lượng phương tiện công cộng lại rất ít ỏi. Trong khi một người với thị lực bình thường có thể dễ dàng trèo lên xe và lái từ nhà tôi đến trường đại học Houston trong nửa giở, thì dùng phương tiện công cộng khiến thời gian tiêu tốn gấp 5 lần.

Cũng vì lí do đó, mà giờ tôi ít khi dùng đến METROLift nữa. Thay vào đó, tôi kết bạn với một số bạn khác ở trường, những người bạn mà tôi có thể dùng đồ ăn để trao đổi với việc đi nhờ xe tới trường. (Và đáng ngạc nhiên nhất là, tôi giờ có thể chịu đựng được một cách tương đối nhạc của Katy Perry.)

Bạn bè tôi luôn bị bất ngờ mỗi khi thấy tôi di chuyển nhờ vào trí nhớ.

"Cậu sẽ đi qua vài đường ray tàu hỏa, rồi đến ngã ba. Rẽ trái. Sau đó rẽ phải ở biển dừng lại. Nó nằm bên phải ấy. Để ý tìm, kiểu như, mái hiên xanh dương ý."

Họ thường hỏi làm thế nào mà tôi lại biết rõ đường xá hơn cả họ, khi mà họ có thể nhìn thấy đường cơ chứ?

Tôi thường chỉ nhún vai đáp lại rằng "Trí nhớ của voi đấy."

Nói gì đi nữa thì việc mất đi thị lực đồng nghĩa với việc học cách dựa dẫm vào kí ức và các giác quan khác nhiều hơn. Khiếm thị buộc tôi phải sống cuộc sống theo một cách khác đi. Mặc dù tôi vẫn yêu thích việc du lịch đó đây, giờ đây, nó chỉ tập chung vào ẩm thực, không còn tập trung vào phong cảnh như trước nữa. Tôi nấu ăn dựa trên mùi của tỏi, cẩn thận để nó không chuyển từ thơm gợi lên sang cháy. Tôi nghe tiếng những giọt nước sôi lên trên mặt chảo nóng, và sờ vào miếng thịt để kiểm tra độ khô mặt.

Khi tôi ngửi thấy mùi tôm và mùi muối, tôi khá chắc rằng mình đang ở Galveston. Khi tôi nghe thấy hàng nghìn con sáo đá kêu quang quác, tôi biết mình có lẽ ở gần Sharpstown hoặc Theater District. Nếu chiếc xe tôi đang đi xóc nảy vì vô số ổ gà, tôi dám cá rằng mình đang ở Shepherd hoặc Montrose. Và vẫn luôn không đổi, khi tôi ăn bát phở ngon nhất từ trước tới nay - dĩ nhiên là sau bát phở mẹ tôi nấu, và thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa khi đó là bát phở ở đúng Việt Nam - tôi biết mình đang ở thị trấn quê nhà tại Houston.
Gintoshiro
Gintoshiro

Total posts : 134

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum